Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 29/4/2013 10:23'(GMT+7)

Ông Đại tá “tuyên truyền”

Những kỷ vật chiến trường

Sinh năm 1930 và dù đã vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn còn minh mẫn và giữ được tác phong nhanh nhẹn của người lính chiến trường năm xưa. Năm 1915 khi mới 15 tuổi ông đã tham gia vào Đội thanh niên cứu quốc của làng, đến năm 17 tuổi thì được vào đội tuyên truyền diễn kịch của huyện Tiên Hưng (nay là huyện Đông Hưng). Năm 1948, ông công tác tại Phòng chính trị Công an tỉnh Thái Bình. Không lâu sau, có Chỉ thị của Trung ương dồn tất cả quân lực cho kháng chiến chống Pháp nên ông được cử đi học tại Trường sĩ quan lục quân, sau đó về công tác tại sư đoàn 304. Năm 1964 ông tập kết vào vùng B2 và làm Tiểu đoàn trưởng đặc khu Sài Gòn - Gia Định.

Kỷ niệm đời lính thì nhiều nhưng ông không thể nào quên cuộc gặp gỡ ngắn ngủi sau gần chục năm xa cách gia đình. Ông kể, cuối năm 1972 ông nhận nhiệm vụ mới trong tiểu ban Trao trả của phái đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cuộc gặp giữa ông và vợ ông diễn ra tại Hà Nội khi ông tham gia phái đoàn giám sát việc trao trả tù binh Mỹ. Lúc đó con gái đầu của ông - chị Hoàng Thị Minh Nguyệt không nhớ mặt cha bởi khi ông vào chiến trường chị mới 1 tuổi, giờ gặp lại chị đã lên lớp 5. Cuộc gặp gỡ chóng vánh trong vòng 15 phút ông chỉ kịp hỏi hai bên bố mẹ anh em ai còn ai mất, làng có bị bom mỹ bắn phá không rồi vội vàng rút chiếc lược inox tự làm bằng xác máy bay Mỹ cài vào tóc vợ, quấn chiếc khăn rằn lên cổ con gái và lên xe về căn cứ tại trại Đa - vít (Trụ sở của hai phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định Pari 1973 về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam ).

Ông cho chúng tôi xem một cuốn sổ dày hơn 10 cm được ông giữ gìn cẩn thận suốt gần 60 năm qua. Cuốn sổ tập hợp những bức ảnh về đời lính của ông từ khi còn là cậu thanh niên 17 - 18 tuổi mặc áo lính trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ đến cả những bức ảnh sau này ở Bộ Tư lệnh miền (thuộc Cục chính trị quân giải phóng miền Nam) phụ trách công tác địch vận chiến đấu và những lần ông trực tiếp thực hiện trao trả tù binh chính trị giữa hai bên theo Hiệp định Pari của khối Liên hợp quân sự miền Nam. Những trang giấy đã xỉn màu, tấm ảnh đen trắng cũng phai dần nhưng ông vẫn nhớ như in tấm ảnh ấy chụp ở đâu, với ai. Ông bảo “sợ sau này già không nhớ được nữa thì còn có những tấm ảnh này khơi gợi lại”. Trong số những kỷ vật chiến tranh ấy, thứ quý giá nhất với ông là những quyển lịch tay, quyển “cổ nhất” cũng từ năm 1963 dấu mốc khi ông bắt đầu vào Nam chiến đấu. Ông tâm sự, những quyển lịch này đều có ý nghĩa cả. Ngày nào, đánh trận nào, ai hi sinh ông ghi hết vào đó. Nhờ có chúng, ông đã giúp được nhiều gia đình tìm được mộ liệt sỹ.


Người lính giữa thời bình


Sau kháng chiến, năm 1979 ông Hòa chuyển về công tác tại Cục tuyên truyền đặc biệt (thuộc Tổng cục chính trị), năm 1991 ông về nghỉ hưu. Kể từ đó vị Đại tá quân đội ngày nào cũng tiếp tục công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, gắn bó với công tác của Hội cựu chiến binh và Mặt trận tổ quốc xã Thăng Long, giúp đỡ đồng đội, đồng chí của mình phát triển kinh tế, làm giàu quê hương.

Là một chứng nhân lịch sử, ông thường là nhân vật chính trong các buổi nói chuyện ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề tại các xã và trường học trên địa bàn huyện. Cao điểm năm 2000, ông đã tới và thành diễn giả cho 40/44 xã trên địa bàn huyện Đông Hưng. Những câu chuyện bàn về chính trị của ông giản dị nhìn từ chính cuộc đời cầm súng và trên bàn ngoại giao của ông. Đó là câu chuyện kỷ niệm về cuộc đấu trí khi trao trả tù binh giữa ta và phía Mỹ, về chiến thắng biệt kích Mỹ của phòng địch vận Cục chính trị miền B2 năm 1970 tại biên giới Việt Nam - Campuchia, về hội nghị đàm phán tại Pari năm 1973 góp phần thắng lợi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…

Không chỉ nói thông về lịch sử, ông còn là người phổ biến pháp luật đến người dân. Cứ có căn bản chính sách nào mới ông lại mày mò tìm đọc và tuyên truyền đến mọi người qua đài truyền thanh hoặc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, xóm. Tính đến nay, khối lượng bài viết của ông đã lên đến hàng trăm. Biệt danh ông Hòa “tuyên truyền” cũng từ đó mà theo ông mãi đến bây giờ. Đáng nhớ nhất trong sự nghiệp viết sách của ông, năm 2005 ông đã cùng đồng đội cũ tổ chức bản thảo cuốn “Trại Đa - vít 823 ngày đêm” ghi lại những mảng ký ức của cán bộ, chiến sỹ trong cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Pari.


Hơn 40 năm trong quân ngũ và 20 năm làm công tác xã hội, trong nhà bằng khen, giấy khen nhiều mà chính ông cũng không nhớ hết. Song điều tự hào nhất với ông là năm 1983 ông nhận Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Độc lập hạng ba (năm 2000), Kỷ niệm chương thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam và gần đây nhất năm 2013, ông vinh dự đón huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Hàng ngày ông vẫn miệt mài viết và soạn thảo nội dung cho các buổi nói chuyện chính trị tại địa phương để nhắc thế hệ sau này nhớ về một thời “máu và hoa” của dân tộc Việt Nam./.

Thu Hoài
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất