Sau hơn 5 thập kỷ chìm trong nội chiến, giờ đây, người dân Colombia
dường như đang tiến gần hơn tới nền hòa bình lâu dài sau khi chính phủ
của Tổng thống Juan Manuel Santos và Lực lượng vũ trang cách mạng
Colombia (FARC) ký kết thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn.
Trải qua gần 4 năm đàm phán tại La Habana, tiến trình hòa đàm gai góc
với những thăng trầm nhiều lúc tưởng chừng đã đổ vỡ cuối cùng cũng đạt
được kết quả mà cả Chính phủ Colombia và FARC đều hướng tới.
Thỏa thuận này sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến kéo dài 52 năm qua
ở Colombia và cũng là cuộc chiến dai dẳng nhất ở châu Mỹ, cướp đi sinh
mạng của 260.000 người, làm 45.000 người mất tích và khoảng 6,6 triệu
người phải rời bỏ nhà cửa, rời khỏi đất nước trốn chạy chiến tranh.
Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp ngay sau khi đạt được
thỏa thuận, Tổng thống Santos khẳng định thỏa thuận hòa bình có ý nghĩa
lịch sử vô cùng quan trọng và là chiến thắng của tất cả người dân
Colombia.
Thỏa thuận bao gồm 6 điểm: phát triển nông thôn, sự tham gia vào chính
trường của FARC, cuộc chiến chống ma túy, xét xử tội phạm chiến tranh,
vấn đề bồi thường cho các nạn nhân, lộ trình giải giáp vũ khí và tái hòa
nhập cộng đồng của các tay súng.
Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia Humberto de la Calle nhấn
mạnh đây là thỏa thuận tốt nhất có thể đạt được với FARC và có tính khả
thi nhất, dù thừa nhận có thể tất cả các bên và người dân quốc gia Nam
Mỹ này còn kỳ vọng nhiều hơn nữa. Ông khẳng định mục đích của tiến trình
hòa đàm đã đạt được, đó là chấm dứt xung đột vũ trang thông qua đối
thoại.
Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng tích cực trước sự kiện chính trị quan trọng này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã chúc mừng Tổng thống Santos và
thủ lĩnh FARC Timoleón Jiménez, cũng như các bên tham gia trung gian hòa
giải.
Ông nhấn mạnh các bên cần nỗ lực để thực thi thỏa thuận, đồng thời kêu
gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Colombia trong quá trình tái thiết đất nước
sau chiến tranh.
Trong buổi điện đàm với người đồng cấp Santos, Tổng thống Mỹ Barack
Obama đánh giá đây là một ngày lịch sử, một sự kiện quan trọng, mở đường
cho một nền hòa bình dài lâu, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở
Colombia. Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ thỏa thuận đạt được là cơ hội
“lịch sử và duy nhất” để người dân quốc gia Nam Mỹ được hưởng hòa bình
trong tương lai. Thành công có được là nhờ “thiện chí chính trị và sự
bền bỉ” của Chính phủ Tổng thống Santos và FARC.
Chính phủ các nước Mỹ Latinh cũng đồng loạt chúc mừng và nhấn mạnh nền
hòa bình dài lâu ở Colombia sẽ đóng góp cho nền hòa bình và thịnh vượng
trong khu vực. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia cũng đã
cam kết ủng hộ tài chính, kỹ thuật và hậu cần giúp Colombia tái thiết
đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức đang chờ đợi người dân Colombia,
bởi chính người dân nước này sẽ quyết định tương lai hòa bình vào ngày
2/10 tới thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, Tổng thống Santos đã trình Quốc
hội văn bản đạt được với FARC, đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết, hòa
giải, bỏ phiếu đồng ý thông qua thỏa thuận. Ông cũng ra lệnh quân đội
ngừng bắn chống lại các tay súng của FARC từ ngày 29/8.
Chính phủ Colombia đã tiến hành một chiến dịch truyền thông rộng rãi kêu
gọi người dân bỏ phiếu đồng ý với thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, phe
đối lập do cựu Tổng thống Alvaro Uribe (2002-2010) thuộc đảng Trung tâm
dân chủ lại phát động chiến dịch chống lại thỏa thuận này với lý do
không thể khoan hồng cho các thành viên của FARC bởi có rất nhiều vụ bắt
cóc và thảm sát dân thường trong những cuộc giao tranh giữa quân đội
Chính phủ và các tay súng.
Ông Uribe cho rằng những người đã phạm tội cần phải đưa ra xét xử nghiêm minh và không được hưởng bất cứ sự khoan hồng nào.
Về phần mình, cựu Tổng thống Andres Pastrana (1998-2002), người từng có
thời gian tiến hành hòa đàm với FARC nhưng đã thất bại, bày tỏ không ủng
hộ thỏa thuận hòa bình, cho rằng vấn đề mấu chốt không được giải quyết
là cuộc chiến chống ma túy.
Trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới mà theo ông Santos còn quan trọng hơn
bất kỳ cuộc tổng tuyển cử nào, ít nhất 13% cử tri Colombia, tương đương
4,4 triệu người, cần bỏ phiếu ủng hộ để thông qua thỏa thuận. Tuy
nhiên, trong trường hợp chính phủ không vận động đủ 13% cử tri ủng hộ
hoặc tỷ lệ người bỏ phiếu không đồng ý quá 50% thì thỏa thuận không được
thông qua. Các cuộc thăm dò dư luận những tuần gần đầy cho thấy có
nhiều khả năng các cử tri sẽ bỏ phiếu đồng ý.
Theo điều tra của đài phát thanh Caracol, 74% ủng hộ và 19% phản đối.
Tạp chí Semana đăng kết quả điều tra của hãng tư vấn IPSOS cho kết quả
56% đồng ý và 11% không đồng ý.
Trong trường hợp người dân đồng ý với thỏa thuận trên, xung đột vũ trang
với FARC sẽ chấm dứt, nhưng chính phủ Colombia vẫn phải tiếp tục thương
lượng để khởi động hòa đàm với Quân đội giải phóng quốc gia Colombia
(ELN), nhóm vũ trang lớn thứ hai ở nước này sau FARC, cũng như đấu tranh
quyết liệt với các nhóm tội phạm ma túy, để có thể đem lại sự bình yên
cho người dân.
Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Colombia nhằm chống lại loại tội
phạm này, Colombia vẫn là một trong những cơ sở sản xuất cocaine hàng
đầu thế giới với 442 tấn/năm, khiến tình hình an ninh ở quốc gia này rất
bất ổn.
Nếu người dân Colombia nói không với thỏa thuận hòa bình, tất cả những
nỗ lực của các bên trong suốt gần 4 năm qua sẽ trở nên vô nghĩa.
Bộ trưởng Quốc phòng Luis Carlos Villegas từng tuyên bố quân đội cũng đã
chuẩn bị phương án sẵn sàng trước khả năng FARC sẽ tăng cường tấn công
nếu không đạt được thỏa thuận hòa bình. Do đó, các cử tri Colombia sẽ là
những người đưa ra quyết định cuối cùng về vận mệnh đất nước./.
(TTXVN)