Chủ Nhật, 13/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 1/10/2009 22:7'(GMT+7)

Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 10 ngàn tấn gạo, 460 tỷ đồng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 9  gây ra- Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 9 gây ra- Ảnh: Chinhphu.vn

Chiều 1/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vào miền Trung kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 9 gây ra, chỉ đạo triển khai ngay một số giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất cùng một loạt vấn đề ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Tham gia Đoàn công tác Chính phủ chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiệt hại cơn bão số 9 có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và 6 tỉnh, thành Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.


Thiệt hại nặng nề


Báo cáo tổng hợp từ Ban chỉ đạo PCLBTW cho biết, cơn bão số 9 (Ketsana) cường độ mạnh nhất đạt cấp 13 đã ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đặc biệt, bão gây mưa lớn trên diện rộng trước và trong bão, đến tối 30/9 đạt mức trung bình 400-600 mm, một số nơi xấp xỉ 1.000 mm gây lũ lớn trên các sông miền Trung và Tây Nguyên. Một số sông vượt mức lũ lịch sử như Trà Bồng (Quảng Ngãi), Pôkô, Đắkbla (Kon Tum) gây ngập lụt  diện rộng ở các địa phương.


Bão số 9 là cơn bão mạnh, kèm theo mưa cường độ cao đã gây ra thiệt hại lớn cho nhân dân miền Trung. Số liệu sơ bộ cập nhật về thiệt hại cho biết, bão lũ đã làm 93 người chết, 23 người mất tích, hơn 200 người bị thương, 6.376 ngôi nhà bị sập, trôi, hơn 172.000 ngôi nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng, 70.000 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại. Nhiều tuyến đường, công trình giao thông bị ngập, sạt lở gây ách tắc, 14.560 cột điện bị đổ gãy, lưới điện 500 KV (2 mạch) và một số đường dây 220 KV, 110 KV, trạm, trụ điện bị sự cố, 179 tàu thuyền bị chìm, lật.


Ngay từ khi bão còn là áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở phía đông Philippines, Chính phủ, Ban chỉ đạo PCLBTW, các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp tới vùng tâm bão, điều hành công tác kêu gọi tàu thuyền, thu hoạch lúa, hoa màu, triệt để sơ tán hơn 103.000 hộ dân trong khu vực nguy hiểm, triển khai tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân dân, đảm bảo việc cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho một số địa phương, vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thăm hỏi các gia đình bị nạn,.... Các ngành hữu quan, lực lượng quân đội, công an đã tích cực huy động lực lượng giúp nhân dân trú tránh bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, sinh hoạt.


Đến nay, công tác khắc phục hậu quả đang tiếp tục được nỗ lực triển khai, nhất là công tác tiếp cận, cứu hộ, cứu nạn ở một số vùng dân cư bị cô lập, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu cho khu dân cư, đưa nhân dân sơ tán trở về, tu sửa nhà ở, trường học, trạm y tế, công trình công cộng, xử lý vệ sinh môi trường để sớm ổn định đời sống nhân dân. Quốc lộ 1 cơ bản đã thông. 80% phụ tải điện tại miền Trung đã phục hồi và cuối tuần này sẽ hoàn tất khôi phục 100%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo triển khai ngay một số giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất - Ảnh: Chinhphu.vn

Huy động mọi nguồn lực giúp miền Trung


Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các địa phương, các Bộ, ngành liên quan và các lực lượng, nhân dân địa phương đã nỗ lực trong phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 9, nghiêm túc triển khai các biện pháp chỉ đạo ứng phó của Trung ương. “Nhờ chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp thông tin sớm, đưa tàu thuyền trú tránh bão, sơ tán dân nên đã giảm nhiều thiệt hại cho dân. Với  siêu bão giật cấp 13, 14, hàng vạn tàu thuyền với 197.000 lao động trên biển, hơn 100.000 hộ dân được sơ tán an toàn. Đây là bài học lớn  khẳng định những biện pháp chủ động, quyết liệt là hết sức cần thiết trong phòng chống thiên tai”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Tuy nhiên, do  sức tàn phá lớn của  bão đã làm các địa phương bị thiệt hại nặng nề. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn tới những gia đình có người bị mất, bị thương và bị thiệt hại.


Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ và mục tiêu cao nhất hiện nay là hạn chế thấp nhất và khắc phục sớm nhất các thiệt hại, đặc biệt là về  người. Trong bối cảnh nước lũ còn cao, một cơn bão mới đang tiếp tục hình thành ở biển Đông, các địa phương tiếp tục nỗ lực công tác tổ chức cứu nạn, tiếp cận với các điểm đang còn bị chia cắt, bằng mọi cách đảm bảo cho người dân không bị thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men và quần áo ấm.


“Một vấn đề mà tôi ngày càng sốt ruột là thông tin về những người còn mất tích, những tàu ngư dân còn trôi dạt ngoài khơi và cứu chữa hơn 200 người bị thương. Đây là nhiệm vụ mà mọi cấp, mọi ngành, các lực lượng cần chung tay thực hiện sớm và hiệu quả nhất”, Thủ tướng bày tỏ.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi huy động mọi nguồn lực, cả nước chung tay giúp đồng bào miền Trung bị nạn vượt khó khăn, ổn định đời sống. Các Bộ, ngành dồn sức khôi phục, dựng lại chỗ ở, trường học, trạm xá cho dân, tập trung khắc phục tình trạng chia cắt, cô lập, đặc biệt là thông các quốc lộ để vận tải lương thực, hàng hóa thuốc men hỗ trợ nhân dân. Các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm soát các hoạt động trên sông, trên biển, bố trí lực lượng trực các điểm xung yếu, cảnh giác với mọi tình huống diễn biến bất thường của thời tiết.


TG (theo chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất