Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Dù còn bộn bề khó khăn và nhiều vấn đề bức xúc cần sớm được giải quyết, song có thể khẳng định bộ máy mới của Chính phủ đã vận hành nhịp nhàng, đáp ứng thực tiễn và đòi hỏi của xã hội. Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác điều hành, chỉ đạo ở tầm vĩ mô, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã sâu sát, lắng nghe ý kiến của người dân, báo chí và có những chỉ đạo cụ thể. Vụ việc quán cà phê Xin Chào ở TPHCM là một thí dụ. Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lập tức chỉ đạo xử lý; khác với trình tự thông thường là chờ cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất. Kết quả, ông chủ quán Xin Chào được giải tỏa nỗi bức xúc bị dồn nén, còn những người liên quan việc xử lý sai đều bị những hình thức kỷ luật, xử lý nghiêm khắc.
Một vụ việc khác được dư luận quan tâm là “Dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng”. Theo đề án này, nhà đầu tư “vẽ” ra một tuyến giao thông thủy dọc sông Hồng từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển; nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp bảo đảm cho tàu 400 tấn và sà lan 600 tấn lưu thông quanh năm. Đề án còn nêu ra địa điểm đặt 6 thủy điện trên sông Hồng và định hướng làm 7 cảng và âu tàu trên dọc tuyến thủy lộ... Từ dư luận đến người dân, các nhà khoa học, nhà chuyên môn hầu hết đều lo lắng và phản đối dự án này. Thấu hiểu nỗi lo của người dân và lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Chính phủ quyết định chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.
Hay trước tình trạng phá rừng ở Tây nguyên, Thủ tướng tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh. Không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các lãnh đạo TPHCM. Ảnh: HẢI QUỲNH
Đồng thời, Thủ tướng khẳng định phải đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên để ngăn chặn phá rừng, buôn lậu gỗ. Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với các dự án thủy điện không chấp hành quy định trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 cuối tháng 11-2016, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải thực hiện nghiêm túc các lời hứa trước Quốc hội: “Các Bộ trưởng đã hứa, Thủ tướng cũng trả lời trước Quốc hội nhiều vấn đề, nhưng có làm không? Hay chỉ nói để lấy lòng Quốc hội? Nói phải đi đôi với làm, giữa lời nói và hành động cần phải đặt vấn đề rõ hơn”. Và với những gì Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã nói và làm trong năm 2016, người dân có cơ sở tin tưởng vào một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, hiểu dân và vì dân.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Chính phủ tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, làm đúng vai trò, tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng doanh nghiệp tại Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần liêm chính trong kinh doanh. Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững.
Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tiếp tục tư duy cách làm cũ, chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ. Việt Nam cần phát triển với trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt.
“Chúng ta phải làm hết sức mình để doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công. Chính phủ mong các doanh nhân, doanh nghiệp cũng có những khát khao như vậy, nỗ lực phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam giàu có, thịnh vượng.
Chủ trương của Chính phủ đối với phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là nuôi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế, hình thành được các sản phẩm, các thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu - Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh.
Trong khi đó, các thành viên Chính phủ cũng khẳng định trong hành động của bộ mình. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ có những hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp.
Theo đó sẽ đẩy mạnh thực thi những tư tưởng đổi mới trong Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, cũng như tinh thần của Hiến pháp 2013 về tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm người dân được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cam kết giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết đến hết 2017 nâng cao hiệu quả tài chính trong các lĩnh vực thị trường chứng khoán, bảo hiểm; phấn đấu trước 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đạt và ngang bằng 3 nước hàng đầu ASEAN trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế, như thời gian nộp thuế và giảm thời gian thông quan hàng hóa. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng thể mức nộp thuế của Việt Nam để bảo đảm công bằng, bình đẳng, phù hợp với mặt bằng chung của các nước trong khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính công trong lĩnh vực do bộ quản lý, và sẽ tham mưu với Chính phủ xây dựng các khung khổ chính sách mới đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Hỗ trợ khởi nghiệp
Một trong những chủ trương lớn của Chính phủ trong năm 2016 là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã tới tham dự nhiều buổi lễ phát động thanh niên khởi nghiệp, truyền cảm hứng và tinh thần khởi nghiệp kiến quốc cho thanh niên, đồng thời trực tiếp giao lưu chia sẻ, khích lệ, động viên các bạn trẻ nuôi dưỡng và nỗ lực biến những khát vọng, hoài bão khởi nghiệp thành hiện thực.
Chương trình “Thanh niên Khởi nghiệp” nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên; từng bước đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp của thanh niên; huy động các nguồn lực tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất phù hợp với quy định của pháp luật, kết hợp nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Chương trình hướng tới 3 khối đối tượng để tập trung hỗ trợ: sinh viên các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; thanh niên nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp; doanh nhân trẻ, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong độ tuổi thanh niên mới đăng ký kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra nhiệm vụ cho các bộ trưởng, thứ trưởng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, giám đốc các tập đoàn… phải hỗ trợ thanh niên trong việc khởi nghiệp.
“Các trường học phải đặt ra câu hỏi, có bao nhiêu thanh niên khởi nghiệp từ trường học. Tôi cũng muốn nói với các thanh niên, nếu khởi nghiệp thất bại cũng không nên nản chí, thất bại là mẹ thành công. Điều quan trọng nhất là các bạn dám sống với ước mơ của mình, chúng ta đừng nghĩ chúng ta đang làm giàu cho bản thân, phải nghĩ rằng đó là tình yêu quê hương đất nước” - Thủ tướng chia sẻ và mong muốn những tập đoàn lớn của Việt Nam là đối tác của các nhà khởi nghiệp có tiềm năng, tạo cơ hội cho các nhà khởi nghiệp tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất của mình, cung cấp các tham chiếu, chỉ dẫn, kinh nghiệm quản trị, thậm chí đầu tư vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng doanh nghiệp tại Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Ngược lại, người dân, đặc biệt là lớp trẻ khởi nghiệp càng nhiều, nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được rèn luyện, nâng cao. Chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này. Chưa bao giờ khởi nghiệp có những điều kiện thuận lợi như lúc này. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, đây chính là cơ hội cho các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
|
VĂN THANH/SGGP