Tiêu chí hóa thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu
Thứ hai, 02/01/2017, 09:26 (GMT+7)
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu là nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết TƯ4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong mối quan hệ với cấp ủy cũng là nội dung được nhiều cử tri TP quan tâm, đề nghị. Ảnh: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang tiếp xúc cử tri quận 10 Ảnh: ÁI CHÂN
Người đứng đầu phải có quyền “tuyển” cấp phó cho mình
Người đứng đầu là người có quyền và có trách nhiệm đối với công việc được giao lãnh đạo, quản lý. Trong thực tế, nhiều cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu nêu gương tốt, không ngừng học tập, rèn luyện, cần mẫn làm việc, chịu khó lắng nghe và dám quyết… Nhưng có không ít người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; chưa tiêu biểu về năng lực, phẩm chất; còn quan liêu, cửa quyền, không sâu sát thực tế, cơ sở; nói không đi đôi với làm, không có uy tín trong lãnh đạo, quản lý. Việc phân cấp trách nhiệm, phân định thẩm quyền, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng nên có sự né tránh, đùn đẩy, dựa dẫm, khó quy trách nhiệm. Đây cũng là nguyên nhân cần được xem xét để có giải pháp phù hợp.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
* Tổ chức Đảng có quyền quyết định về cán bộ nhưng đó là quyền của tổ chức, còn người đứng đầu cũng không rõ thẩm quyền. Nhiều nhà lãnh đạo phát biểu chỉ đạo mạnh mẽ trong các cuộc hội nghị nhưng không được thể chế bằng văn bản, không quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm nên nhiều việc vẫn còn trì trệ. Trong khi việc điều hành nhà nước cần xử lý nhanh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Chế độ trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước theo nghị định của Chính phủ cũng đã nêu khá đầy đủ. Nhưng trong thực tế, khi mà chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức trong bộ máy, khi mà việc phân công, phân cấp còn chồng chéo, người đứng đầu không đủ thẩm quyền hành xử công việc, công việc cứ như ngày càng nhiều hơn, áp lực hơn mà hiệu quả lại không như mong muốn.
Hiện nay, cấp sở không có chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực mình phụ trách như từng lĩnh vực không có tư lệnh. Việc gì cũng xin ý kiến, làm tham mưu cho UBND cấp tỉnh/thành quyết định. Muốn trình vấn đề gì có liên quan đến nhiều sở/ngành thì phải hỏi các sở/ngành trước khi trình. Chính vì thế mà đẩy công việc lên UBND, tình trạng giấy tờ, hội họp không giảm được bao nhiêu. Nhiều nước trên thế giới, thành phố chỉ có 1 thị trưởng, 1 phó thị trưởng mà công việc vẫn đảm bảo. Còn ở ta thì bộ máy cồng kềnh, vẫn thiếu người đi họp. Người đứng đầu không có quyền tuyển dụng nhân sự, không có quyền quyết định chọn cấp phó giúp việc cho mình. Thi công chức phần lớn là hợp thức hóa những người làm việc đã được hợp đồng. Chưa tiến hành thi tuyển cạnh tranh theo chức danh và cũng không tuyển được nhiều người tài vào làm việc. Chế độ lương thấp, môi trường làm việc chưa hấp dẫn người trẻ, giỏi. Người được vào bộ máy nhà nước xem như được làm việc cả đời.
Mặt khác, không ít người đứng đầu không nêu gương tốt, nói không đi đôi với làm, không đủ năng lực, không tiêu biểu về đạo đức, phẩm chất mà việc thay đổi, sắp xếp lại vẫn phải theo quy trình chậm chạp hoặc chờ hết nhiệm kỳ. Chưa kể việc đánh giá, tuyển chọn, bổ nhiệm được cho là đúng quy trình nhưng chọn người chưa đúng tiêu chuẩn.
Xây dựng cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực cụ thể
Để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, để người đứng đầu làm nòng cốt thực hiện Chỉ thị 05, Nghị quyết TƯ4, trước hết cần phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức trong bộ máy theo tinh thần một lĩnh vực, một việc chỉ nên giao cho một cơ quan, tổ chức phụ trách. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND nên là cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu cơ quan là “tư lệnh” của ngành, lĩnh vực. Khi đã được giao nhiệm vụ thì cũng giao đủ quyền hạn và điều kiện cần để giải quyết. Gắn với thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu, với tinh thần quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó. Lấy kết quả công việc làm thước đo, làm cơ sở đánh giá cán bộ. Cùng với cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.
Việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, người đứng đầu dựa theo tiêu chuẩn chức danh, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Cần phân rõ, chức danh nào do bầu cử, chức danh nào do bổ nhiệm và chức danh nào qua thi tuyển cạnh tranh. Quy chế bầu cử cần sửa đổi theo hướng phát huy dân chủ, tránh hình thức. Cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ theo chức danh. Có quy chế thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ.
Thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với quy hoạch và tiêu chuẩn chức danh. Đảm bảo liên thông giữa các cấp học, các hệ đào tạo trong học tập chương trình lý luận chính trị. Có chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, thiết thực, bổ ích cho cán bộ lãnh đạo, quản lý theo chức danh.
Cải cách hệ thống chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đồng bộ, thống nhất, công bằng, gắn trách nhiệm, nghĩa vụ với thẩm quyền, điều kiện làm việc, tạo động lực phấn đấu và sự thăng tiến lành mạnh, liêm chính.
Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, nhất là người đứng đầu phải công tâm, khách quan, có tư duy đổi mới, đảm bảo công tác tham mưu, đánh giá, bố trí đúng cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tiêu cực chạy chức, chạy quyền…
Để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, trước hết cần sửa đổi những quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan nhằm làm rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, trong đó có thẩm quyền người đứng đầu. Có cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực, thực hiện trách nhiệm giải trình và tinh thần chịu trách nhiệm đối với những hạn chế, yếu kém đối với lĩnh vực, công việc được giao. Phát huy tinh thần tự học, tự rèn theo “tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh, năng lực, nêu gương tốt về đạo đức công vụ, thái độ ứng xử, phục vụ dân của người đứng đầu nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết TƯ4, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Mời bạn đọc viết bài tham gia chuyên mục và gửi về địa chỉ: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc các email: toasoan@sggp.org.vn và hhiepsggp@gmail.com. Xin trân trọng cảm ơn!
|
PHẠM PHƯƠNG THẢO