Thứ Tư, 25/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 19/11/2015 15:0'(GMT+7)

Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Dược sửa đổi

Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật dược (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật dược (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Sáng 19/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật Dược (sửa đổi).

Tờ trình dự án Luật Dược (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày khẳng định dự án Luật đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp dược, trong đó quy định cụ thể các chính sách mang tính đột phá để có thể phát triển công nghiệp dược theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư phát triển công nghiệp dược, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực cho hoạt động này, bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá hợp lý.

Bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có tính ổn định, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản về chính sách của Nhà nước về dược, phát triển công nghiệp dược; quản lý nhà nước về giá thuốc; phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; các quy định liên quan đến kinh doanh thuốc; bảo đảm chất lượng thuốc và việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Ngoài các sửa đổi, bổ sung là các thay đổi cơ bản, nhiều điều khoản khác được sửa đổi nhằm quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn hoặc “luật hóa” các quy định chi tiết của văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dược 2005.

Thẩm tra nội dung này, về cơ bản, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Dược. Việc sửa đổi Luật Dược lần này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Dược năm 2005, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập.

Việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về dược sẽ góp phần giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nhiều loại thuốc chất lượng, thuốc mới, giá cả hợp lý; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp dược và y học cổ truyền; cải cách thủ tục hành chính và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực dược.

Về quản lý giá thuốc (Chương XIII), Ủy ban cho rằng quy định về quản lý giá thuốc của dự thảo Luật đã phù hợp với Luật Giá, Luật Đấu thầu. Theo đó, cơ chế quản lý giá thuốc đã rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định đàm phán giá đối với thuốc biệt dược, thuốc mới, thuốc trong thời gian còn bản quyền, đấu thầu thuốc tập trung và chính sách ưu đãi trong chọn nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước.

Tuy nhiên, các quy định về giá thuốc của dự thảo Luật cần quan tâm thêm các vấn đề sau: Thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả (chiếm khoảng trên 50% tổng số thuốc) hiện đã được giám sát thường xuyên bởi cơ quan bảo hiểm xã hội, trong khi thuốc do dân tự mua, bệnh viện mua để phục vụ khám chữa bệnh không do quỹ bảo hiểm y tế chi trả là thuốc biệt dược, thuốc độc quyền thường giá rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá, chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai và định giá.

Do vậy, cần có cơ chế kiểm soát giá các mặt hàng thuốc này hữu hiệu hơn, cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp (khi thuốc trong thời kỳ bảo hộ bản quyền) và quyền lợi của người bệnh đối với các loại thuốc gây ra “thảm họa do chi phí y tế cao.”

Ban soạn thảo cần lưu ý tới tình trạng thuốc bán qua nhiều đầu mối và việc kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng làm giá thuốc tăng, phổ biến ở nhiều nơi; xây dựng tiêu chí để Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thuốc thiết yếu khi có biến động về giá trong dự thảo Luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân.../.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất