Sáu người, 105 ngày sống biệt lập và một thành công đầy cảm động. Đó là những thông số rất ấn tượng của cuộc thử nghiệm chinh phục sao Hỏa vừa kết thúc tại Nga.
“105 ngày có vẻ là dài, nhưng ở trong đó thật ra thấy cũng nhanh lắm vì chúng tôi có nhiều chuyện để làm”. “Trong đó” mà “phi hành gia” Cyrille Fournier nhắc đến chính là khu mô hình tàu không gian chinh phục sao Hỏa có diện tích tổng cộng 500m2. Viên phi công đường dài của Hãng Air France cùng năm đồng đội (bốn người Nga và một người Đức) đã có một trải nghiệm thành công trên con đường chinh phục hành tinh đỏ của con người.
Tinh thần vững nhưng sụt cân
Ngày 14-7, đúng 14g, một nhân viên của Viện Các vấn đề y-sinh học tại Matxcơva đã long trọng mở cánh cửa khoang tàu kết thúc “sứ mệnh”. Phi hành đoàn sáu người bước ra trong tiếng vỗ tay chào đón của hàng chục người có trách nhiệm và cánh nhà báo.
Thử nghiệm được đánh giá bước đầu là thành công. Sáu phi hành gia đều khỏe mạnh, trụ vững về mặt tinh thần tuy hầu hết đều sụt cân, như Oliver Knickel, kỹ sư quân đội người Đức, sụt mất 3,5 kg. Dù sinh hoạt suốt ba tháng rưỡi trong môi trường kín nhưng toàn đội bay đều tâm đầu ý hợp. Đây là điều rất quan trọng đối với những chương trình không gian dài ngày có đội bay nhiều quốc tịch.
Thậm chí một phi hành gia người Nga khẳng định đã có thêm năm người bạn mới sau những ngày làm việc chung. Còn trưởng phi hành đoàn người Nga Sergueï Riazanski xác nhận: “Việc huấn luyện tâm lý trải qua trước đó đã giúp chúng tôi tránh được mọi xung đột. Theo quan điểm của tôi, mức độ thông hiểu nhau của toàn đội là hoàn hảo”.
Thử nghiệm hoàn thành chỉ vài ngày trước khi thế giới kỷ niệm 40 năm ngày con người đặt chân lên Mặt trăng. Vì thế ông Johann-Dietrich Wörner, chủ tịch Trung tâm Hàng không - không gian Đức, ví von: “Tôi xin nhại lại câu nói của Neil Armstrong: thử nghiệm này là một bước đi nhỏ bé của con người nhưng là một bước tiến khổng lồ của hợp tác quốc tế và khai thác sao Hỏa”.
|
“Phi hành gia” Cyrille Fournier thừa nhận khó khăn nhất là khi ngủ với những cảm biến đính trên đầu để đo các thông số - Ảnh: ESA |
Bận rộn cả ngày
Phải còn rất lâu nữa con người mới có thể nói đến chuyện đặt chân lên sao Hỏa, nhưng quá trình chuẩn bị như thế này rất quan trọng cho chuyến đi đầy gian nan sắp tới. Thử nghiệm Mars 500 lần này được xác định rõ là nhằm tìm hiểu những tác động tâm lý và sinh lý đối với con người trong môi trường bị nhốt kín lâu ngày, đặc biệt là vấn đề stress, thay đổi
hormon, hệ miễn dịch, chất lượng giấc ngủ và tính khí mỗi cá nhân trong làm việc nhóm. Những kết quả ghi nhận từ đây sẽ giúp các chuyên gia tìm ra giải pháp hiệu quả giúp các phi hành gia chịu đựng được môi trường kín của tàu con thoi trong những chuyến bay dài ngày.
Đây là thử nghiệm khó khăn cho sáu phi hành gia tình nguyện (họ cũng được tuyển lựa kỹ như đối với các phi hành gia không gian hiện tại) vì họ phải chấp nhận 105 ngày không tắm rửa và 2.500 giờ không thấy ánh mặt trời. Thậm chí hai phi hành gia Pháp và Đức đã phải vượt qua hơn 5.000 ứng viên mới đến được Matxcơva.
Thời gian biểu cho phi hành đoàn được phân định rõ là “8x3”, tức 8g làm việc, 8 giờ giải trí và 8 giờ ngủ. Thành viên người Nga Alexeï Baranov, một bác sĩ, kể lại: “Chúng tôi có một chương trình thuần nhất, mỗi phút đều có nhiệm vụ để làm. Chúng tôi cũng có những lúc xả hơi nhưng thật sự cũng chẳng được thoải mái, bạn thử hình dung khi bị cắt liên lạc với người thân, gia đình thì khổ sở đến thế nào”.
Một thành viên khác trong phi hành đoàn kể lại: “Mỗi ngày chúng tôi đều có 8 giờ hoạt động khoa học, vận hành các phòng thí nghiệm nhỏ vốn sẽ được dùng trên bề mặt sao Hỏa trong tương lai. Thời gian rảnh chúng tôi cố trò chuyện với nhau thật nhiều để giải tỏa các xung đột nếu có”. Dĩ nhiên 8 giờ dành cho giải trí không phải chỉ ngồi tán gẫu mà họ còn thực hành những bài tập vận động rất hữu ích: tập xử lý phối hợp đồng đội trong tình huống tàu gặp sự cố.
Tuy là thử nghiệm nhưng môi trường sống cũng như môi trường làm việc được mô phỏng hệt những gì con người có thể làm trong tương lai trên tàu con thoi chinh phục sao Hỏa. Chẳng hạn thông tin liên lạc giữa phi hành đoàn với trung tâm kiểm soát dù đều nằm tại mặt đất nhưng được xử lý lệch giờ đến 20 phút theo đúng đường truyền thông từ sao Hỏa xuống địa cầu cách nhau hàng trăm triệu kilomet. Và như vậy họ phải mất ít nhất 40 phút mới có thể nhận được lệnh từ trung tâm.
Phi hành gia Cyrille Fournier tiết lộ: “Căng thẳng nhất là ngủ, là không được nhìn thấy ánh nắng mặt trời và tôi cũng nhớ cô vợ sắp cưới quá chừng”. Một trải nghiệm đầy thú vị nhưng viên phi công người Pháp khẳng định sẽ không tham gia cuộc thử nghiệm đợt hai kéo dài một năm rưỡi vào đầu năm tới.
Chuẩn bị đợt thử nghiệm thứ hai
Mô hình tàu chinh phục sao Hỏa được dựng ở ngoại ô Matxcơva. Nó gồm năm môđun, rộng tổng cộng 500 m2, trong đó có một môđun có nhà bếp và phòng ngủ cá nhân (rộng chỉ 3 m2), một môđun y tế và một bộ phận tiếp đất khi đáp xuống sao Hỏa. Đây là một công trình khoa học quốc tế đồ sộ với sự phối hợp của Viện Các vấn đề y-sinh học Nga và Trung tâm Không gian châu Âu (ESA).
Anatoli Grigoriev, giám đốc Viện Các vấn đề y-sinh học và phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Nga, khẳng định thử nghiệm Mars 500 rất hữu ích cho ngành y học không gian lẫn mặt đất. “Chúng tôi đã có thể tiến hành nhiều nghiên cứu tâm lý sinh học theo nhóm nhỏ”. Theo nhà lãnh đạo khoa học Nga, các kết quả nghiên cứu khoa học đầu tiên sẽ được công bố trong 1-2 tháng tới. Dĩ nhiên chúng sẽ được dùng làm cơ sở cho cuộc thử nghiệm thứ hai cũng tại ngoại ô Matxcơva, cũng với sáu người tình nguyện. Thử nghiệm đợt hai sẽ dài đến 520 ngày, tức thời gian thật dự kiến cho một chuyến thám hiểm sao Hỏa và quay trở về, gồm 250 ngày đi, 30 ngày thám hiểm sao Hỏa và 240 ngày trở về. |
Theo Nguyễn Quân (Tuổi trẻ online)