Ngày 7/2, Bộ Tư pháp Mỹ đã đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa tại phiên
điều trần đầu tiên xem xét khả năng khôi phục sắc lệnh cấm nhập cảnh của
Tổng thống Donald Trump, vốn bị thẩm phán liên bang thành phố Seattle
James Robart ngăn chặn trước đó.
Trong phiên điều trần kéo dài 1 giờ đồng hồ, luật sư August Flentje của
Bộ Tư pháp Mỹ - đại diện cho chính quyền Washington, khẳng định sắc lệnh
liên quan tới vấn đề người nhập cư được ban hành xuất phát từ những lo
ngại đối với an ninh quốc gia, và Thẩm phán Robart đã lạm quyền khi ra
phán quyết tạm bãi bỏ sắc lệnh này.
Luật sư Flentje khẳng định Tổng thống Trump đã hành động đúng thẩm quyền
và "vì lợi ích của nước Mỹ" khi ban bố sắc lệnh hành chính ngày 27/1
vừa qua.
Ban hội thẩm gồm ba thẩm phán tại Tòa án phúc thẩm liên bang thành phố
San Francisco, bang California đã yêu cầu luật sư Flentje cung cấp bằng
chứng về mối liên hệ giữa bảy nước nằm trong danh sách bị cấm nhập cảnh
vào Mỹ với các phần tử khủng bố, đồng thời chất vấn về việc liệu lệnh
cấm của Tổng thống Trump có phải là hành vi phân biệt tôn giáo hay
không. Các thẩm phán đã bày tỏ hoài nghi về những lập luận của đại diện
chính quyền Washington, trong đó Thẩm phán Richard Clifton (Ri-sớt
Clíp-tơn) cho rằng lý lẽ của luật sư Flentje là "khá mơ hồ."
Trong khi đó, cũng tại phiên điều trần, luật sư Noah Purcell - đại diện
cho hai bang Washington và Minnesota hiện đã đệ đơn kiến nghị về lệnh
cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump, cho rằng chính quyền Washington đang
yêu cầu khôi phục một sắc lệnh hành pháp chưa được xem xét đầy đủ về
khía cạnh pháp lý. Luật sư trên cảnh báo tân Tổng thống Mỹ đang đưa đất
nước trở lại tình trạng "hỗn loạn."
Dự kiến, trong tuần này Tòa án phúc thẩm liên bang San Francisco sẽ công
bố phán quyết về sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump.
Trước đó một ngày, ông Trump đã có những tuyên bố biện minh cho quyết
định mà ông coi là nhằm bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ khủng bố từ các
phần tử cực đoan. Trên trang cá nhân Twitter, ông đã chỉ trích kết quả
các cuộc thăm dò dư luận mới đây liên quan đến sắc lệnh cấm, theo đó
phần lớn người dân Mỹ bày tỏ ý kiến phản đối quyết định cấm của chính
phủ. Cùng ngày, phía Nhà Trắng cũng đã công bố danh sách các âm mưu tấn
công khủng bố chưa từng được tiết lộ.
Đây là lần hiếm hoi trong lịch sử nước Mỹ một sắc lệnh của chính phủ vấp
phải sự phản đối gay gắt không chỉ của công chúng mà còn của chính
giới.
Trước đó, khoảng 100 tập đoàn ở Mỹ, trong đó có Apple, Google,
Microsoft, đã cùng đệ đơn lên tòa phúc thẩm liên bang của Mỹ phản đối
sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump với lý do quyết định này ảnh
hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ.
Trong khi đó, người đứng đầu ngành hành pháp tại 15 bang và thủ đô
Washington D.C cũng đã cùng đệ đơn kiến nghị nhằm ủng hộ vụ kiện chống
lại lệnh cấm nhập cảnh./.
(TTXVN)