Thứ Sáu, 27/9/2024
Chính sách
Thứ Năm, 8/10/2009 15:25'(GMT+7)

Chính sách an sinh xã hội: Để không “đầu voi đuôi chuột”

Trẻ em người dân tộc thiểu số được chăm sóc tại Trường Mầm non 17-3, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thái Bằng

Trẻ em người dân tộc thiểu số được chăm sóc tại Trường Mầm non 17-3, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thái Bằng

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, kinh tế trong nước suy giảm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn ưu tiên tập trung hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn.

193.000 tỷ đồng đầu tư cho người nghèo

Theo Bộ Tài chính, hiện có 21 chính sách hỗ trợ, đầu tư trực tiếp xóa đói giảm nghèo, vùng khó khăn. Trong số này, có 11 chính sách hiện hành được sửa đổi, bổ sung mở rộng đối tượng, nâng mức hỗ trợ hoặc kéo dài thời gian thực hiện. Có thể kể tới chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số... Hiện tại, chính sách này được triển khai tại 51 địa phương, với gần 500.000 hộ dân được thụ hưởng. Tổng kinh phí dành cho chương trình này đã lên tới trên 9.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2004 - 2008.

Một chính sách thiết thân khác là khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Được thực hiện từ năm 2002, đến năm 2009 này đã có tới 21 triệu người được thụ hưởng. Tổng kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo trong giai đoạn 2005 - 2009 là trên 8.500 tỷ đồng, tiền chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi là gần 5.000 tỷ đồng...

Ngoài 11 chính sách hiện hành được sửa đổi, bổ sung mở rộng đối tượng, nâng mức hỗ trợ hoặc kéo dài thời gian thực hiện, còn tới 10 chính sách mới được Chính phủ ban hành để hỗ trợ, đầu tư trực tiếp xóa đói giảm nghèo, vùng khó khăn trong vòng 2 năm trở lại đây để phù hợp với thực tiễn suy giảm kinh tế. Có thể kể tới chính sách hỗ trợ ngư dân (tổng kinh phí năm 2008 là trên 2.100 tỷ đồng); hỗ trợ người nghèo ăn Tết Kỷ Sửu (trên 1.700 tỷ đồng); hỗ trợ 61 huyện nghèo (dự kiến tổng kinh phí khoảng 36.000 - 42.000 tỷ đồng)...

Cũng theo Bộ Tài chính, ngoài 21 chính sách hỗ trợ, đầu tư trực tiếp, Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí. Thống kê cho thấy, nhóm các chính sách này lên tới 5 loại, trong đó có thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê mặt đất - mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... Với việc áp dụng các loại thuế này, nhiều đối tượng đã được hưởng lợi, tạo thuận lợi lớn cho người dân, doanh nghiệp ở vùng khó khăn.

Cùng đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách tín dụng để hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn. Đơn cử như chính sách cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thời gian qua đã giúp hàng triệu người dân ổn định cuộc sống. Ngân hàng Chính sách xã hội thống kê, đến nay đã có tới 17 chương trình tín dụng cấp quốc gia. Tính đến hết tháng 6-2009, tổng dư nợ đã đạt tới 60.211 tỷ đồng, với gần 7 triệu hộ gia đình là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng. Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhờ hợp lực của nhiều nguồn, Việt Nam đã được Liên hiệp quốc đánh giá là điển hình về xóa đói giảm nghèo.

Khi đánh giá về các chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn, các thành viên Chính phủ đều thống nhất cho rằng, các chính sách tương đối đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và gắn với sản xuất, đời sống của người nghèo, vùng khó khăn, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững. “Tổng kinh phí ngân sách Nhà nước đã bố trí để hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn là khoảng 193.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp là 132.000 tỷ đồng; thực hiện tín dụng ưu đãi là 61.000 tỷ đồng. Mức hỗ trợ bình quân hàng năm là trên 36.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Xuân Phúc thông báo.

Điều đáng chú ý là tốc độ chi của Nhà nước dành cho người nghèo, vùng khó khăn tăng hàng năm bình quân 15% - 20%, đặc biệt 2 năm khó khăn gần đây, tốc độ chi tăng đến 25% - 30%.

Chính sách vẫn còn phân tán, trùng lắp

Tuy nhiên, hàng loạt các tồn tại trong quá trình thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng được Chính phủ chỉ ra. Trong đó đáng nói nhất là tình trạng giải ngân vốn cho các chương trình, dự án còn chậm, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư. Chất lượng một số công trình đầu tư chưa được bảo đảm. Có công trình đầu tư xong đã không mang lại hiệu quả, như đầu tư chợ nhưng không có người vào mua bán, nhiều trường học và bệnh xá xuống cấp nhanh, một số khu neo đậu tàu thuyền không có tàu thuyền vào...

Bộ Tài chính cũng đánh giá, nhiều chính sách trước khi ban hành chưa được nghiên cứu kỹ, chưa xác định được đối tượng thụ hưởng nên khi đi vào cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, gây lãng phí.

Từ thực tế này, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ trong năm 2010, các bộ, cơ quan quản lý các chương trình phải tiến hành đánh giá, tổng kết các chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn trong những năm qua. Trên cơ sở đó, cho dừng đối với các chương trình, chính sách đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Nếu chưa hoàn thành mục tiêu tiếp tục thực hiện. Còn các chương trình, chính sách mới ban hành cần lồng ghép với các chương trình, chính sách hiện có.

Cũng theo kiến nghị của Bộ Tài chính, nhằm tránh phân tán, bố trí nhiều chương trình trùng lắp như hiện nay, từ năm 2010, nên xây dựng chính sách thực hiện chương trình chung thống nhất. Theo đó, có thể là chương trình hỗ trợ kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Vấn đề vai trò của cơ quan được giao đầu mối thực hiện chương trình cũng cần được làm rõ để bảo đảm việc thực hiện chính sách không “đầu voi đuôi chuột”, lãng phí, kém hiệu quả.

SGGP

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất