Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 18/7/2008 12:45'(GMT+7)

Chính sách chăm sóc người có công: Thực trạng và giải pháp

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc Tết Mậu Tý các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lão thành cách mạng và người có công với nước tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công thành phố Hà Nội.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc Tết Mậu Tý các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lão thành cách mạng và người có công với nước tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công thành phố Hà Nội.

Nếu tính từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, (16-2-1947) đến nay Nhà nước ta đã ban hành trên 1.400 văn bản pháp quy, trong đó có gần 400 chỉ thị, nghị quyết, quyết định, sắc lệnh, thông tư và hơn 1.000 văn bản hướng dẫn, nhằm cụ thể hoá các chế độ, chính sách ưu đãi người có công. Những văn bản này đã trở thành một hệ thống chính sách tương đối chặt chẽ, đầy đủ và được thực hiện thống nhất trong cả nước.

Song song với việc hoàn thiện chính sách, chế độ Đảng và Nhà nước ta cũng đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền nhằm tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, biểu dương những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng vượt lên khó khăn, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong cuộc sống. Đồng thời làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, nhận thức rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong và ngoài nước, từ đó phát huy tốt hơn nữa các nguồn lực trong nhân dân tham gia đóng góp tích cực vào hoạt động của công tác này. Với mục đích này, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), đã ban hành hướng dẫn tuyên truyền Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công, phong trào ền ơn, đáp nghĩa.

Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, hiện tại cả nước đã có hơn 8 triệu người được hưởng chế độ ưu đãi một lần và hằng tháng, trong đó khoảng 1,5 triệu người hưởng trợ cấp hằng tháng; hàng chục nghìn con thương binh, con liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế, 14.500 cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở… Cùng với chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng và sự nỗ lực vươn lên của đối tượng, đến nay 90% người có công với cách mạng đã có mức sống bằng hoặc cao hơn so với mặt bằng mức sống nơi cư trú. Hàng vạn đối tượng bị nhiễm chất độc hoá học đã được hưởng trợ cấp xã hội, góp phần đáng kể vào việc cải thiện cuộc sống. Mỗi năm, hàng trăm tỷ đồng được chi cho công tác trợ cấp ưu đãi. 1.104.000 người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nguồn kinh phí chi mua bảo hiểm y tế cho người có công mỗi năm khoảng 180 tỷ đồng.

Cùng với nguồn kinh phí Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa với 5 chương trình cụ thể đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, cả nước đã cùng chia sẻ với những khó khăn của những người có công với cách mạng. Tính đến nay, cả nước đã xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số dư trên 1.400 tỷ đồng; các cơ quan, đoàn thể, các ban, ngành Trung ương và địa phương đã tặng 468.058 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền là gần 170 tỷ đồng, xây dựng mới 243.412 căn nhà tình nghĩa, xây mới 3.037 nghĩa trang liệt sỹ, 1.995 Nhà bia tưởng niệm, 14.662 vườn cây tình nghĩa…; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngoài chế độ ưu đãi của Nhà nước đã được nhiều tập thể, cá nhân nhận phụng dưỡng suốt đời. Trên 60.000 bố, mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn được nhận đỡ đầu chăm sóc cùng với trên 20.000 thương binh, bệnh binh được cộng đồng giúp đỡ, chăm sóc. 88,5% xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; 93% số gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với người dân trên địa bàn cư trú.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công cũng còn những tồn tại nhất định, cần được nhanh chóng giải quyết:

Đó là, tình trạng thực hiện sai sót đối tượng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đặc biệt vẫn còn ở nhiều địa phương như một số đối tượng không thuộc diện chính sách ưu đãi, nhưng do quá trình thực hiện chưa được giám sát chặt chẽ nên được xét hưởng chính sách hỗ trợ đặc biệt; một bộ phận người có công thật sự nhưng do thất lạc giấy tờ cần thiết lại chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Việc giám sát thực hiện ở các cấp còn nhiều hạn chế. Hệ thống chính sách hỗ trợ đặc biệt được thiết kế khá phức tạp, nên khó quản lý và giám sát từ khâu giám định, xét duyệt đến khâu chi trả trợ cấp.

Hiện vẫn còn một bộ phận gia đình chính sách, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây đời sống còn khó khăn; một số tồn đọng về chính sách chưa được bổ sung hoàn chỉnh.

Những việc làm tình nghĩa và phong trào chăm sóc người có công chưa được thực hiện thường xuyên, chưa phát triển đồng đều ở các địa phương, nhất là những nơi kinh tế chậm phát triển. Còn nhiều nơi phong trào mới chỉ tập trung trong dịp 27 tháng 7 hàng năm.

Việc thực hiện chính sách đối với một số đối tượng còn chậm (cựu thanh niên xung phong, các chiến sỹ, du kích tham gia kháng chiến bị hy sinh…).

Công tác đền ơn đáp nghĩa ở một số nơi chưa gắn với việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào, tôn vinh người tốt, việc tốt; một số nơi còn nặng về hoạt động quyên góp, giúp đỡ vật chất.

Ngoài ra, những quy định về khen thưởng, xử phạt vi phạm chưa cụ thể, thiếu các chế tài thực hiện... cũng là những bất cập, tụt hậu với thực tiễn hết sức phong phú và sự nhạy cảm của đời sống.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, triển khai đồng bộ, thống nhất và kịp thời tất cả chính sách ưu đãi. Để thực hiện tốt hơn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nguy cơ một bộ phận dân cư bị suy giảm thu nhập và mức sống, thì việc nghiên cứu và ban hành Luật ưu đãi người có công là điều cần thiết nhằm bảo đảm việc thực hiện chính sách được thống nhất trên phạm vi cả nước, cũng như bảo đảm cho mọi đối tượng được tiếp cận với các dịch vụ một cách công bằng và có chất lượng. Đồng thời, cần tăng cường đổi mới chính sách đãi ngộ theo hướng nâng cao mức trợ cấp để thực sự có sự tác động mạnh đến chất lượng cuộc sống của đối tượng được hưởng. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển một số lĩnh vực cho các đối tượng chính sách như: hệ thống giáo dục, đào tạo nghề mang tính chuyên nghiệp; có hệ thống thang bảng lương riêng; có chương trình đào tạo ở bậc đại học và sau đại học; có hiệp hội công tác xã hội ở cấp quốc gia... để tạo bước đột phá mới về tạo việc làm, tăng thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thuận lợi hơn, chất lượng hơn. Có như vậy, mới cải thiện và nâng cao mức sống của những người có công phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

- Bộ LĐ-TB và XH tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương có biện pháp cụ thể và khả thi để hỗ trợ các gia đình chính sách còn khó khăn từng bước vượt qua nghèo khó, đạt tới mức sống trung bình trong xã hội. Trước hết là ưu tiên giải quyết chỗ ở, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất thông qua việc “điều tiết” nguồn vốn từ Quỹ ền ơn đáp nghĩa. Chính phủ cũng đang tìm giải pháp để hoàn thiện, nâng cấp, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, phần mộ liệt sĩ, đài, bia tưởng niệm liệt sĩ thật khang trang, đồng thời đáp ứng nguyện vọng thiêng liêng của các thân nhân liệt sĩ muốn chăm sóc phần mộ liệt sĩ tại quê nhà.

- Triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27-6-2005, trong đó cần quan tâm đến một số nội dung được sửa đổi, bổ sung.

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nội dung của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, các hoạt động phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, về những tấm gương thương binh, thân nhân liệt sỹ, người có công vượt khó, làm giàu, tiêu biểu trong lao động, sản xuất, hoạt động văn hóa - xã hội...

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách bảo đảm đủ phẩm chất, năng lực công tác, chuyên môn, đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời thúc đẩy giải quyết tồn đọng đơn thư khiếu nại, tố cáo.

- Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để người có công tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế sản xuất, kinh doanh góp phần ổn định và nâng cao đời sống gia đình, xứng đáng người công dân kiểu mẫu.

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi xã hội đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng luôn luôn gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn coi ưu đãi xã hội, bảo đảm cho gia đình chính sách có cuộc sống “ổn định về vật chất, vui vẻ về tinh thần” là trách nhiệm đối với lịch sử, phát huy đạo lý, truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam, là động lực phát triển xã hội. Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định: “chúng ta cần có những giải pháp hợp lý và hiệu quả hơn nữa để thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và mong muốn của nhân dân, chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công”./.

PGS, TS. Đào Văn Dũng

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội Ban Tuyên giáo TƯ

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất