Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Obama đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và triển khai chính sách đối ngoại mới theo hướng linh hoạt, mềm dẻo, thực dụng, coi trọng chủ nghĩa đa phương, sức mạnh tập thể nhằm tạo ra một mô hình quan hệ đối tác mở rộng với sự lãnh đạo của Mỹ. Trọng tâm của chiến lược mới là sử dụng “sức mạnh thông minh” với ưu tiên hàng đầu là các công cụ ngoại giao và phát triển. Chính sách đối ngoại mới của Mỹ với khu vực ASEAN và Việt Nam cũng được triển khai tích cực theo hướng đó.
Tăng cường can dự tới Đông Nam Á
Sau khi Mỹ chính thức ký Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện ở Đông Nam Á (TAC) tại Hội nghị Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN lần thứ 16 (ARF-16) tổ chức ở Thái Lan (7/2009), khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Singapore (11/2009), Tổng thống Obama khẳng định: “Mỹ cam kết thực hiện chính sách tăng cường can dự với Đông Nam Á” thông qua các đồng minh và đối tác mới. Mỹ mong muốn cùng ASEAN thúc đẩy tiến bộ ở Myanmar và thành lập nhóm nhân sĩ Mỹ - ASEAN.
Ngay trong tháng 01/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã có chuyến thăm các nước Papua New Guinea, Australia, New Zealand, nhằm: (1) Xác định tầm quan trọng của vành đai chiến lược châu Á - Thái Bình Dương ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc; (2) Tái khẳng định sự trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ và “tạo sự tin tưởng, trấn an” ASEAN với các cam kết của Mỹ; (3) Chuẩn bị cho các chuyến công du của Tổng thống Obama năm 2010, trong đó có ASEAN; (4) Củng cố và thắt chặt quan hệ đồng minh với Australia, New Zealand; triển khai hợp tác toàn diện của Mỹ đối với các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ; (5) Thảo luận việc chuẩn bị nội dung cho cuộc gặp về Đối tác xuyên Thái Bình Dương dự kiến tổ chức vào tháng 03/2010.
Trước đó, ngày 14/12/2009, Chính quyền của Tổng thống Obama đệ trình Quốc hội Mỹ phê chuẩn Kế hoạch Triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một Hiệp định Thương mại tự do với dự kiến có 7 quốc gia thuộc châu Á - Thái Bình Dương tham gia (Việt Nam, Singapore, Australia, New Zealand, Brunei, Chile và Peru).
Trong Báo cáo Quốc phòng 2010 (QDR-2010), Mỹ xác định, tại Đông Nam Á, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tăng cường thúc đẩy quan hệ đồng minh, ổn định lâu dài với Thái Lan, Philippines; làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác với Singapore; phát triển các mối quan hệ chiến lược mới với Indonesia, Malaysia và Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề khu vực (chống khủng bố, chống buôn bán ma tuý, ủng hộ các hoạt động trợ giúp nhân đạo trong khu vực). Mỹ tăng cường quan tâm viện trợ, lôi kéo các nước trong khu vực tham gia các diễn tập quân sự, như cuộc diễn tập gìn giữ hoà bình “Người lính Angco”, CARAT, “Cope Tiger 2010”, “Hổ mang vàng”...
Đẩy mạnh quan hệ sâu sắc hơn đối với Việt Nam
Về chính trị, Mỹ đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và ASEAN, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam theo hướng “sẽ phát triển quan hệ với Việt Nam sâu sắc hơn trên cơ sở cùng có lợi”, đồng thời mong muốn hợp tác chặt chẽ khi Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN năm 2010. Hai bên tiếp tục hợp tác, trao đổi về dự kiến một số hoạt động song phương với Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao về An ninh hạt nhân tại Washington tháng 4/2010; dự kiến các hoạt động tổ chức kỷ niệm 15 thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, thúc đẩy tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 2 tại Hà Nội và xúc tiến khả năng Tổng thống Obama thăm chính thức Việt Nam trong dịp này, Ngoại trưởng H.Clinton tham dự ARF và thăm Việt Nam vào tháng 7/2010.
Trong chuyến thăm Việt Nam (2/2010), Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á - Thái Bình Dương Scot Marciel cho biết: Mỹ tiếp tục coi trọng tăng cường quan hệ sâu rộng với Việt Nam vì những lợi ích chiến lược lâu dài; coi Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực, muốn Việt Nam đóng vai trò quốc tế lớn hơn và hợp tác với Mỹ nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực, nhất là cương vị chủ tịch ASEAN năm 2010; khẳng định Mỹ sẽ xây dựng quan hệ Mỹ - Việt thành một trong những mối quan hệ quan trọng nhất đối với Mỹ ở khu vực và theo đó sẽ hợp tác với Việt Nam xử lý vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo không để cản trở mục tiêu trên. Lần đầu tiên trong QDR-2010 Mỹ xác định Việt Nam là nước cần xây dựng quan hệ chiến lược mới.
Về kinh tế, Mỹ khẳng định ủng hộ các công ty Mỹ, trong đó có các công ty dầu khí, đầu tư ở Việt Nam. Đại diện Thương mại Mỹ đề nghị hai bên tích cực hợp tác giải quyết một số vấn đề phía Mỹ quan tâm làm cơ sở để Mỹ đẩy nhanh xem xét cấp Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) cho Việt Nam, công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và là “nước đang phát triển” theo cam kết BTA và WTO.
Về hợp tác giáo dục - đào tạo, Mỹ đẩy mạnh liên kết, hợp tác giáo dục - đào tạo với mục tiêu: Tạo sự liên kết giữa các trường đại học và cao đẳng của hai nước; tăng số học viên Việt Nam sang học tập tại Mỹ; chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ và phát triển hệ thống giáo dục đào tạo tư nhân ở nhiều cấp học tại Việt Nam.
Về quan hệ quốc phòng, đã có nhiều hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác, trao đổi đoàn, quân y, đào tạo, tìm kiếm cứu nạn, tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh (MIA), rà phá bom mìn, phòng chống tội phạm, ma tuý. Trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh (12/2009), hai bên trao đổi thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, cùng bày tỏ hài lòng về quan hệ quốc phòng hai bên thời gian qua. Mỹ đánh giá cao và cảm ơn sự hợp tác tích cực và có hiệu quả của Việt Nam trong hợp tác POW/MIA, nhất trí về thiết lập cơ chế Đối thoại Quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng và tổ chức Đối thoại lần đầu vào quý 2/2010 tại Hà Nội, tiếp tục hợp tác giải quyết hậu quả của chiến tranh; tìm kiếm cứu nạn trên biển; quân đội hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực trên cơ sở phù hợp chính sách và an ninh quốc gia của mỗi nước.
Tiếp tục duy trì sức ép thông qua chiêu bài dân chủ nhân quyền
Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng con bài “dân chủ, nhân quyền, tôn giáo” gây sức ép đối với Việt Nam. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael W. Michalak họp báo tại Hà Nội (03/02/2010) tiếp tục phản đối việc Việt Nam xét xử các nhân vật vi phạm pháp luật mà họ gọi là những người bất đồng chính kiến. Trong các cuộc tiếp xúc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ vẫn còn gắn việc cải thiện tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam với các hoạt động lớn trong quan hệ hai nước trong năm 2010, tuy nhiên với thái độ mềm mỏng hơn, không cản trở nhiều đến những nỗ lực thúc đẩy quan hệ chung Việt - Mỹ, và đề nghị Việt Nam có những bước đi hỗ trợ Bộ Ngoại giao Mỹ làm "giảm nhiệt" sức ép trong nội bộ nước Mỹ./.