Tiếp tục Phiên họp thứ 31, chiều 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Phát biểu tại Phiên họp, Phó
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, khi dự thảo Luật được cho ý
kiến tại Kỳ họp thứ 6, có 161 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu;
hồ sơ, tài liệu của Ủy ban Tư pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được
chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì phối hợp
với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, các Ủy ban có liên quan tiếp
thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Được sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đã làm việc với Tòa án
nhân dân tối cao, các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến
của đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan.
Trước khi cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của
Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo về việc giải trình, tiếp thu chỉnh
lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Theo đó, tại Kỳ họp
thứ 6 (tháng 11/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật
Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối
cao và các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội,
tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến một số cơ quan, tổ chức liên quan để có
thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu,
chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.
Theo báo cáo, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là dự án
Luật lớn, có nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức và hoạt động của
Tòa án nhân dân, liên quan đến tổ chức và hoạt động của một số cơ quan
(như Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự) và
liên quan tới nhiều luật khác (như Luật tổ chức của một số cơ quan và
các luật tố tụng).
Trong quá trình soạn thảo luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tòa án
nhân dân Tối cao, các cơ quan hữu quan đã xác định một số nguyên tắc làm
cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như: Thể chế hóa quan
điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là về cải cách tư pháp và
Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về
tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết 27); khắc phục những vướng mắc,
bất cập của thực tiễn. Bên cạnh đó, nghiên cứu để đưa vào dự thảo Luật
những nội dung đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống
nhất cao theo tinh thần Nghị quyết 27…
Tại phiên họp, đại biểu cho ý kiến góp ý về một số nội dung quy định
tại dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) như: quy định Tòa án
thực hiện quyền tư pháp; thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ
án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm
quyền của Tòa án (Điều 15); đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án
nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4); Tòa án nhân
dân sơ thẩm chuyên biệt (điểm đ khoản 1 Điều 4, Điều 62, Điều 63); về
ngạch, bậc Thẩm phán (Điều 91); bậc Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án
(Điều 114, Điều 118); Hội thẩm quân nhân (Điều 124); tên gọi Tòa án nhân
dân các cấp; rà soát các quy định mới trong dự thảo luật đảm bảo phù
hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.../.
TTXVN