Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Năm, 3/1/2019 14:21'(GMT+7)

Chống rét cho người bệnh, phòng đột quỵ khi trời lạnh

Phòng chống đột quỵ mùa rét

PGS, TS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bình thường, mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai chỉ tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhân đột quỵ, nhưng trong bốn ngày nghỉ Tết Dương lịch rét đậm vừa qua, số bệnh nhân đến cấp cứu do đột quỵ đã tăng lên gần 40 trường hợp/ngày. Trong đó, có nhiều bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ khi đi tập thể dục lúc sáng sớm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Đột quỵ là một trong những tai biến về não, có nguy cơ tử vong cao nhất hiện nay, nhất là trong thời tiết lạnh. Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tăng huyết áp, tăng mỡ máu, tiểu đường làm tổn thương hệ thống mạch máu; bệnh nhân tim mạch, xơ vữa mạch… dễ gặp phải đột quỵ.

Theo PGS, TS Mai Duy Tôn, đột quỵ là một trong những bệnh lý phổ biến sau tim mạch và ung thư. Đột quỵ là tai biến mạch máu não khi máu bị đột ngột tắc nghẽn hoặc vỡ ở vị trí nào đó khiến máu không lưu thông được lên não, mất khả năng cung cấp ô-xy, đường cho tế bào não, gây ra đột quỵ. Đột quỵ xảy ra quanh năm nhưng mùa đông đột quỵ có xu hướng tăng lên và có tình trạng trẻ hóa lứa tuổi.

Trên thế giới, đột quỵ là nguyên nhân đứng hàng thứ nhất gây ra tàn phế ở những người bệnh được điều trị do đột quỵ, để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội và kinh tế lớn.

Các triệu chứng với người đột quỵ gồm miệng méo, nói ngọng, nói khó nghe; tai ù không nghe được; mắt không nhìn thấy ở một hoặc cả hai mắt, hay nhìn một hóa hai; xuất hiện cơn đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân. Dấu hiệu toàn thân choáng váng, chóng mặt, gặp khó khăn khi giữ thăng bằng và phối hợp cơ thể khi đi lại. Người bệnh mặt tái, chân tay yếu và gần như tê liệt, đặc biệt xuất hiện ở một bên cơ thể.

Theo BS Tôn, cách để nhận biết đột quỵ dựa vào ba dấu hiệu gồm: bệnh nhân không giơ tay được lâu, khi nói miệng méo một bên, nói không lưu loát. Khi bệnh nhân có một trong ba dấu hiệu bất thường phải nghi ngờ đột quỵ, đặc biệt nếu có cả ba dấu hiệu thì nhanh chóng gọi cấp cứu đến cơ sở y tế can thiệp càng sớm càng tốt. Nếu người bệnh đưa được đến trong ba giờ vàng đầu tiên thì bệnh nhân sẽ được điều trị khỏi hoàn toàn cực kỳ cao.

BS Mai Duy Tôn khuyến cáo, để tránh bị đột quỵ, mọi người nên giữ ấm, tránh cơ thể lạnh đột ngột, đặc biệt giữ ấm ngực và chân. Lưu ý, người dân không nên tập thể dục vào sáng sớm hoặc tối ở ngoài trời. Mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ phát hiện những bệnh lý sớm về tim mạch, tiểu đường, huyết áp; kiểm soát cholesterol trong máu, thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động rèn luyện thể chất, ổn định trọng lượng cơ thể, bỏ thuốc lá…

Trang bị điều hòa, áo ấm cho bệnh nhân

100% buồng bệnh tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương được trang bị đầy đủ điều hòa nhiệt độ hai chiều (nóng và lạnh), nước nóng và chăn ấm. Vì thế, khi thời tiết rất giá rét, mưa nhiều như những ngày qua cũng không làm cho người bệnh thấy lạnh giá.

Không phải lần đầu tiên phải nằm điều trị ở Hà Nội, nhưng là lần đầu tiên chứng kiến cái lạnh tê tái, chị Dư Thị Diệu Thúy, một bệnh nhân đến từ Đà Nẵng tâm sự, lúc đầu chị rất lo lắng, một phần vì bệnh của mình và một phần nữa là không biết sức khỏe của mình có chịu được nhiệt độ lạnh giá thế này không. “Tuy nhiên, khi vào đây, tôi hoàn toàn yên tâm vì phòng bệnh được trang bị đầy đủ điều hòa nhiệt độ cũng như chăn ấm để phục vụ người bệnh”, chị Thúy nói.

Không chỉ mùa đông mà cả mùa hè, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hệ thống điều hòa nhiệt độ luôn ở trong trạng thái sẵn sàng phục vụ người bệnh trong bất kỳ hoàn cảnh thời tiết nào. Bên cạnh đó, Viện còn trang bị hệ thống nước lọc nóng, lạnh đạt tiêu chuẩn ở tất cả các khoa điều trị để người bệnh, người nhà người bệnh có thể sử dụng trực tiếp khi có nhu cầu.

Bệnh nhân đến từ Đà Nẵng yên tâm điều trị trước cái lạnh của Hà Nội.

ThS.KS Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng phòng Vật tư thiết bị Y tế của Viện chia sẻ, năm 2018, bên cạnh việc thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điều hòa nhiệt độ thông suốt cả hai chiều thì Viện đã tăng cường đầu tư thêm bốn tổ máy đun nước nóng (Heatpum) nâng tổng số tổ máy đun nước nóng của Viện lên tám tổ để phục vụ người bệnh trong dịp mùa đông lạnh giá này.

“Hiện tại toàn Viện đã được trang bị hệ thống nước nóng phục vụ người bệnh 24/24 để người bệnh không bị lạnh khi có nhu cầu tắm rửa, vệ sinh cá nhân trong thời tiết khắc nghiệt lạnh giá này”, ThS Khánh nói.

Tại các khoa điều trị của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đã chuẩn bị đầy đủ chăn ấm để sẵn sàng phục vụ người bệnh khi nhiệt độ xuống thấp.

Là một bệnh viện đặc thù nên công tác phòng chống rét cho người bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương được chú trọng. Tất cả các phòng điều trị ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng được bổ sung đầy đủ chăn, đệm và bảo đảm kín gió tại tất cả các phòng, đặc biệt là các phòng đẻ, sau đẻ và phòng sơ sinh. Với những phòng bệnh không có hệ thống điều hòa hai chiều đều được bố trí quạt sưởi ấm để bảo đảm giữ ấm cho thai phụ, sản phụ và trẻ sơ sinh.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tất cả các khoa điều trị đều được lắp điều hòa hai chiều, máy sưởi, chăn ấm ngay từ đầu mùa rét. GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện cho biết, các bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu đều trong tình trạng rất nặng, nhiều người không thể mặc được quần áo, vì thế việc giữ ấm cho bệnh nhân rất quan trọng, góp phần nâng cao kết quả điều trị.

Bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai được tặng áo ấm.

Cũng một cách khác để giúp người bệnh chống lại giá rét, Bệnh viện Bạch Mai đã tặng 550 chiếc áo khoác dành cho người bệnh, để tiếp thêm hơi ấm cho bệnh nhân trong những ngày đông giá rét. Kinh phí may áo do hệ thống điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, hộ lý quyên góp may tặng./.

Theo nhandan.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất