Chính phủ và Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão
Chiều
14-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến kiểm tra và chỉ đạo công
tác phòng, chống bão số 11 tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng
Nam. Phó Thủ tướng cùng Ðoàn công tác của Chính phủ đã đi khảo sát tình
hình tàu, thuyền neo đậu, tránh trú bão của tàu, thuyền tại khu vực
cảng cá An Hòa (xã Tam Quang, huyện Núi Thành); kiểm tra tình hình biển
xâm thực, gây ra sạt lở tại các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn
huyện Núi Thành; đồng thời đi kiểm tra công tác chuẩn bị di dời dân và
ứng phó bão lũ tại một số nơi trên địa bàn tỉnh. Phó Thủ tướng chỉ đạo:
Tỉnh cần tăng cường kiểm tra công tác PCLB; kêu gọi tàu, thuyền vào các
khu tránh trú bão khẩn cấp đề phòng bão đổ bộ; đồng thời đẩy mạnh tuyên
truyền, thông tin kịp thời diễn biến cơn bão số 11 để người dân có biện
pháp chủ động phòng tránh. Trước mắt, các địa phương trong tỉnh cần khẩn
trương tổ chức di dời dân ra khỏi những vùng trũng thấp và vùng có nguy
cơ sạt lở nhằm giảm thiệt hại do bão lũ gây ra.
Ðoàn công tác của
Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Cao Ðức Phát làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và tỉnh
Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra công tác ứng phó bão số 11 tại một số xã
vùng ven biển của hai huyện Phú Lộc, Phú Vang. Bộ trưởng yêu cầu các cơ
quan, ban, ngành kiểm tra lại các phương án sơ tán dân, bảo vệ các hồ
đập, công trình thủy điện. Các hồ, đập có biện pháp điều tiết, xả lũ
phải hợp lý, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Về thông tin liên lạc
phục vụ công tác ứng phó bão lũ, trong điều kiện quá khó khăn thì Ban
Chỉ đạo PCLB T.Ư sẽ có biện pháp hỗ trợ. Ðến trưa 14-10, tỉnh đã đi dời
hơn 1.000 người dân nằm trong vùng xung yếu, sạt lở của các huyện Phú
Lộc, Phú Vang đến các địa điểm an toàn.
Ðể đối phó
bão số 11, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện
pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra. Theo
Bộ đội Biên phòng các tuyến biển, đến sáng 14-10, các tỉnh đã thông báo,
kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.062 phương tiện (292.783 người) biết diễn
biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Trong đó, khu vực từ
Quảng Bình đến Phú Yên đang neo đậu tại bến là 18.494 tàu (43.705
người); di chuyển vào bờ 96 tàu (560 người) ; hoạt động ven bờ 321 tàu
(1.975 người). Các khu vực khác có 49.126 tàu (246.363 người) đang hoạt
động trên biển hoặc neo đậu tại các bến.
Tỉnh Quảng Trị đã di dời
13.121 hộ gia đình (43.680 người) ở 100/141 xã, phường, thị trấn đang
sống ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở
đất, ngập sâu đến nơi an toàn. Ðồng thời cho học sinh nghỉ học bắt đầu
từ ngày 15-10, tùy theo tình hình diễn biến của bão, mưa lũ để chủ động
cho học sinh đi học trở lại. Hai hồ chứa nước lớn là La Ngà, Trúc Kinh
và 116 hồ chứa nước nhỏ hiện đang ở trong tình trạng đáng lo ngại. Các
hồ nước có sức chứa hơn 10 triệu m3 nước đạt 60-70% dung tích, hồ nhỏ
đạt từ 70 đến 80%. Riêng hồ thủy lợi - thủy điện Quảng Trị mực nước đang
ở mức 479,13 m. Theo kế hoạch, 0 giờ ngày 15-10, Công ty Thủy điện
Quảng Trị tiến hành xả điều tiết hồ chứa để bảo đảm an toàn đập.
Tỉnh
Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các huyện giúp dân chủ động chằng chống nhà
cửa, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Các đơn vị quản lý các hồ
đập điều tiết lũ, bảo vệ hồ đập và xả lũ an toàn; thông báo kịp thời với
các địa phương trước khi xả lũ để có biện pháp ứng phó, kịp thời sơ tán
người và tài sản đến nơi an toàn. Ðồng thời, dự trữ 100 tấn gạo, 100
tấn mì ăn liền, 230 nghìn lít xăng, dầu hỏa, diesel, hỗ trợ kịp thời tại
chỗ cho người dân khi cần thiết.
Ðến chiều 14-10, TP Ðà Nẵng còn
ba chiếc tàu, hàng chục ngư dân đang neo đậu ngoài đảo Lý Sơn (Quảng
Ngãi) không an toàn. Lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố khẩn trương
liên lạc yêu cầu các tàu nói trên nhanh chóng di chuyển về vùng biển
Quảng Ngãi để tránh trú bão số 11. Cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã về kiểm tra công tác phòng tránh
bão số 11 và triển khai khẩn cấp công tác di dời dân ở các vùng xung yếu
ven sông Túy Loan, Cu Ðê (huyện Hòa Vang), ven biển của các quận Liên
Chiểu, Sơn Trà về nơi an toàn. Ðến 17 giờ ngày 14-10, thành phố đã di
dời 15.800 hộ dân, với 55 nghìn người ở các vùng nguy hiểm của các xã
thuộc huyện Hòa Vang và các phường thuộc quận Liên Chiểu về tránh bão ở
các nhà cao tầng an toàn. Thành phố cũng quyết định cho học sinh, sinh
viên các cấp trên địa bàn thành phố nghỉ học chiều 14 và sáng 15-10.
Theo
Ban Chỉ huy PCLB Quảng Nam, hiện 32/73 hồ chứa nước thủy lợi đã tích
đầy nước. Các hồ thủy điện A Vương, Ðăk Mi 4, Sông Bung 5... đã bắt đầu
xả nước để đón lũ. Tỉnh đang triển khai phương án di dời khoảng hơn 20
nghìn hộ dân ở các huyện: Thăng Bình, Duy Xuyên, Ðiện Bàn, Núi Thành và
TP Hội An đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh lưu ý chủ các hồ chứa
phải thường xuyên báo cáo tình hình cho chính quyền địa phương và người
dân được rõ về việc xả lũ; đồng thời phải chủ động đối phó với mưa lũ,
không được tích nước mà phải tiến hành xả lũ hợp lý để bảo đảm an toàn
cho người dân hạ du...
Tại huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) từ sáng đến
17 giờ ngày 14-10 đã có sóng cao 5-7 m liên tục đánh vào bờ, gây ra
nhiều thiệt hại về nhà cửa và hoa màu của người dân trên đảo. Hiện tại,
150 ha hành gần thu hoạch đã bị gió thổi hư hại hoàn toàn, nhiều nhà dân
bị tốc mái, xiêu vẹo và cây cối trên các trục đường chính bị gãy ngã,
gây khó khăn cho lưu thông trên đảo... Huyện đã cử bốn đoàn công tác đặc
biệt về bám sát vùng có nguy cơ ảnh hưởng trong cơn bão. Ðến nay, huyện
Lý Sơn đã hoàn tất di dời 40 hộ dân ở vùng sạt lở do triều cường xâm
thực đến nơi tạm trú an toàn. Từ chiều 14-10, trên địa bàn tỉnh đã có
mưa lớn, mực nước các sông trong tỉnh đang lên nhanh.
Ban Chỉ huy
PCLB tỉnh Bình Ðịnh yêu cầu các ngành chức năng triển khai phương án cho
người dân ở những khu vực nguy hiểm do triều cường, sạt lở bờ sông,
suối, lở núi và vùng ngập lụt sẵn sàng di chuyển khi có lệnh; các chủ hồ
chứa nước thủy lợi trực 24/24 giờ và có biện pháp kịp thời khi cần xả
lũ bảo đảm an toàn hồ chứa, nhất là những hồ xuống cấp nghiêm trọng.
Tỉnh cũng yều cầu các địa phương vùng trũng thường bị ngập lụt cần cử
lực lượng thường trực hướng dẫn người dân qua lại những đoạn tràn bị
ngập, hệ thống đò ngang bảo đảm an toàn tính mạng người dân qua lại an
toàn.
Tỉnh Phú Yên chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và
chính quyền các địa phương ven biển phối hợp với gia đình các ngư dân
liên tục thông báo diễn biến cơn bão số 11 để kịp thời hướng dẫn các
tàu, thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh hoặc tìm nơi
trú ẩn an toàn; vận động ngư dân không ở trên các tàu đang neo đậu hoặc
trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ðến sáng 14-10, toàn tỉnh có 7.182
tàu, thuyền cá của ngư dân đã vào bờ an toàn. Hiện còn 89 phương tiện
với 758 lao động đang đánh bắt ngoài khu vực quần đảo Trường Sa nhưng
đều đã liên lạc được với gia đình và các Ðồn Biên phòng.
Trước
diễn biến phức tạp và bất thường của cơn bão số 11, ngày 14-10, Bộ Giáo
dục và Ðào tạo (GD và ÐT) gửi công điện đề nghị các sở GD và ÐT, các cơ
sở giáo dục thuộc các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu
khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất để có biện pháp
phòng tránh hiệu quả, đặc biệt các công trình trọng yếu; có biện pháp sơ
tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an
toàn, tránh ngập nước. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh
viên, các cơ sở giáo dục ngừng các hoạt động ngoại khóa trong thời gian
mưa lũ, lụt bão đang diễn ra. Ðối với các vùng có nhiều sông, suối, địa
bàn phức tạp có nguy cơ lũ và sạt lở đất cần theo dõi sát diễn biến thời
tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học, nhằm tránh những rủi ro khi đến
trường...
Theo Trung tâm dự báo Khí
tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý
Sơn đã đo được gió giật mạnh 31 m/s (cấp 11); đảo Bạch Long Vĩ gió giật
mạnh 18 m/s (cấp 8); đảo Cồn Cỏ gió giật mạnh 20 m/s (cấp 8); đảo Hòn
Ngư có gió giật mạnh 18 m/s (cấp 8); ở Ba Ðồn (Quảng Bình) và TP Ðà Nẵng
đã có gió giật mạnh 17 m/s (cấp 7); ở Thuận An (Thừa Thiên-Huế) có gió
giật mạnh cấp 9. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi
mưa rất to; một số nơi có lượng mưa lớn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)
244.4mm, Nam Ðông (Huế) 88.5 mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 67 mm, Ðà Nẵng 61
mm...
Hồi 22 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ
vĩ bắc; 109,5 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi
khoảng 140 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh
cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự
báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi
được khoảng 15 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu
dần. Ðến 10 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ vĩ bắc;
107,0 độ kinh đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất
ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9,
cấp 10.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di
chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào
đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới
suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Ðến 22 giờ ngày 16-10, vị trí trung
tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,1 độ vĩ bắc; 104,0 độ kinh đông, trên
khu vực phía đông Thái-lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp
giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).
Do ảnh hưởng của
bão, khu vực nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị
đến Bình Ðịnh (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7,
cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12,
cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh
đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 - 12,
giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và bắc Tây
Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam
đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 m, sóng biển
cao từ 6 đến 10 m.
Hiện nay, bộ phận không khí lạnh đã báo tiếp
tục di chuyển xuống phía nam. Hôm nay (15-10), sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh
vùng núi phía bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ,
Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh ở Bắc Bộ có mưa
vài nơi, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ do ảnh hưởng kết hợp hoàn lưu
bão số 11 nên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh Bắc Bộ từ đêm nay
trời trở lạnh.
Gió làm tốc mái nhà dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: MINH TRÍ
Ngư dân các phường ven biển quận Liên Chiểu và Sơn Trà (TP Ðà Nẵng) kéo tàu, thuyền lên bờ tránh bão.
Theo NhanDan