Chủ Nhật, 29/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 19/1/2011 21:38'(GMT+7)

Chủ động kiểm soát, phòng chống dịch cúm A/H1N1

 Từ cuối tháng 11/2010 đến nay, cúm A/H1N1 có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Nai và Hà Nội. Trước thực tế này, ngành y tế các địa phương đang chủ động tăng cường tuyên truyền đến người dân về biện pháp phòng tránh cúm A/H1N1, đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ không để dịch bùng phát.

Trong 2 tuần đầu của năm nay, tại thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 3 ca mắc cúm A/H1N1 và gần đây nhất, Hà Nội cũng đã phát hiện 1 sản phụ mắc cúm A/H1N1 đầu tiên trong năm.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đa số các ca nhiễm cúm A/H1N1 ở thể nhẹ. Phân tích các chuỗi gen của virus cúm cho thấy chủng virus cúm A/H1N1 mùa này tương đồng với chủng H1N1 xuất hiện năm 2009, cũng như các chủng đang lưu hành trên thế giới.

Mặc dù cúm A/H1N1 mới xuất hiện rải rác ở một số địa phương, song theo các chuyên gia y tế, chủng virus cúm A/H1N1 vẫn tồn tại trong cộng đồng và tốc độ lây lan của dịch cúm này khá nhanh nếu các địa phương không chủ động phòng tránh, kiểm soát dịch, nhất là trong thời tiết lạnh như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hồ Chí Minh-địa phương phát hiện nhiều ca mắc cúm A/H1N1 trong vòng nửa tháng qua, cần theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, kịp thời khống chế không để dịch lây lan rộng:

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cúm A/H1N1 xuất hiện rải rác ở một số nước ở Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và đang có chiều hướng gia tăng. Còn tại Châu Âu, từ đầu năm 2011 đến nay, các ca bệnh cúm A/H1N1 đã xuất hiện và gia tăng tại 28 nước.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm trên thế giới và khu vực, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) yêu cầu hệ thống kiểm dịch y tế biên giới tăng cường giám sát khách nhập cảnh, bố trí đủ cán bộ trực 24/24 giờ tại các cửa khẩu để phát hiện và cách ly trường hợp mắc bệnh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: những nhóm người dễ bị biến chứng nguy hiểm nhất khi nhiễm cúm H1N1 là phụ nữ có thai, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, hen phế quản, phổi mãn tính, tim... Do vậy, khi có biểu hiện của hội chứng cúm, đặc biệt có biểu hiện khó thở, tím tái, ho ra máu, ho có đàm đặc, sốt cao trên 38,5 độ và kéo dài từ ba ngày, phản ứng chậm, thì phải đến cơ sở y tế để được điều trị, tránh biến chứng nặng và tử vong.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện tại, ở Việt Nam đã có vắc xin cúm mùa phòng chống cả 3 bệnh cúm B, cúm A/H3N2 và cúm A/H1N1: “Mỗi liều vắc xin này có thể phòng chống cả 3 loại cúm B, cúm A/H3N2 và cúm A/H1N1. Nếu tiêm 1 mũi chúng ta có thể chống 3 loại cúm. Hiện tại các trung tâm y tế dự phòng ở các tỉnh, thành, huyện, thị xã đã có loại vắc xin này. Các cán bộ y tế cũng đã được hướng dẫn cụ thể cách tiêm phòng chống như thế nào”.

Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố vẫn duy trì điều tra dịch tễ, giám sát, cách ly các trường hợp mắc cúm A/H1N1, tránh để dịch bệnh bùng phát và lây lan./.

Theo VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất