Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 11/12/2012 16:28'(GMT+7)

Chủ động nguồn hàng, tăng cường chống gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán

* Tỉnh Đồng Nai đã họp với các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị vục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Theo Sở Công thương Đồng Nai, công tác bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán 2013 đã được tính toán để phục vụ cho khoảng 3 triệu người dân trên địa bàn, kể cả những người vãng lai, nhập cư. Với số người trên, tỉnh Đồng Nai cần hơn 370 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, trong đó một số nguồn hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết gồm: 7.500 tấn gạo, 2.000 tấn thịt gà, 2.000 tấn thịt lợn, 1.500 tấn đường, 1.500 tấn dầu ăn…

Đến thời điểm hiện nay, qua cân đối từ nguồn ngân sách địa phương, tỉnh Đồng Nai giải ngân 84 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn vay với lãi suất ưu đãi 0,2% để chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá, phục vụ người dân trong dịp Tết. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng nguồn thực phẩm trên địa bàn Đồng Nai, năm nay hàng hoá dồi dào, đặc biệt nguồn thịt gà, lợn, bò không thiếu, giá cả cũng phải chăng, do đó không lo “sốt hàng”, “sốt giá”. Đặc biệt năm nay Công ty Trung Đồng ở thành phố Biên Hoà đã nhập khẩu 1.500 con bò sống từ Ôx-trây-lia để cung ứng thịt bò chất lượng cao giá hợp lý cho thị trường Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Theo đó, với mức giá thịt bò nhập khẩu loại 1 khoảng 320 nghìn đồng/kg thì người bình dân cũng có cơ hội ăn thịt bò chất lượng cao.

Tết Nguyên đán năm nay, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề xuất hỗ trợ các đối tượng chính sách, cán bộ công chức trên địa bàn quà, tiền với các mức: Hỗ trợ đảng viên 70 tuổi đảng 2 triệu đồng; gia đình liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh được hỗ trợ 750 nghìn đồng; cán bộ công chức, viên chức, người hưởng lương hưu được hỗ trợ 650 nghìn đồng; hộ nghèo được hỗ trợ 550 nghìn đồng; 250 nghìn đồng/người để tổ chức ăn Tết tại chỗ cho các phạm nhân đang được giam giữ trong các trại cải tạo ở Đồng Nai.

* Theo Sở Công thương Kiên Giang, nhu cầu hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Qúy Tỵ năm 2013 trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 850 tỷ đồng, tăng 15 - 20% so với năm 2012.

4 doanh nghiệp (DN) chủ lực thực hiện bán hàng bình ổn giá là Siêu thị Co.opMart Kiên Giang, DN Gạo Thành Khiêm, Công ty Thương mại - Du lịch Kiên Giang và Công ty cổ phần Đông Hưng Kiên Giang (City Mart) được tỉnh hỗ trợ tổng vốn 50 tỷ đồng, với lãi suất 0%. Tỉnh chỉ đạo hệ thống ngân hàng đầu tư nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho DN vừa và nhỏ vay sản xuất kinh doanh, khuyến khích các thương nhân, hộ kinh doanh tích cực chuẩn bị những mặt hàng thiết yếu, nhu cầu tiêu thụ lớn cung ứng cho thị trường, thực hiện bán hàng khuyến mãi, giảm giá phục vụ tốt người tiêu dùng. Tỉnh vận động các thương nhân, hộ kinh doanh cam kết không gian lận thương mại, không mua bán hàng cấm, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, tuân thủ các quy định về quản lý giá như: đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, áp dụng đa dạng các dịch vụ bán hàng.

* Theo ông Đỗ Văn Phước, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tỉnh mở đợt cao điểm kiểm tra, phòng chống gian lận thương mại, bài trừ hàng gian, hàng giả, hàng lậu, góp phần bình ổn giá trong dịp cuối năm 2012 Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra việc chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng; vi phạm về đo lường và ghi nhãn hàng hóa; chú trọng kiểm tra các phương tiện vận chuyển hàng hóa trên các tuyến giao thông trọng yếu, bến bãi, kho hàng, nơi tập kết hàng hóa, các điểm kinh doanh cố định với các mặt hàng thiết yếu: thực phẩm, vật tư nông nghiệp, dược phẩm, khí dầu mỏ hóa lỏng, quần áo may sẵn, mỹ phẩm.

Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp cùng các ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh, chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc và không đảm bảo vệ sinh an toàn. Chi cục cũng tập trung thống kê, rà soát, cập nhật danh sách các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo từng loại hình ngành nghề và lĩnh vực hoạt động kịp thời theo dõi tình hình cung cầu thị trường để chủ động có phương án đề xuất biện pháp ứng phó kịp thời, nhằm ổn định thị trường khi cần thiết nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh các vùng nông thôn, vùng sâu, xa.

Năm 2012, Tiền Giang đã phát hiện hàng ngàn vụ vi phạm về quản lý thị trường, xử lý thu phạt trên 4,1 tỉ đồng nộp ngân sách trong đó có 230 vụ vi phạm về hàng cấm và hàng nhập lậu, 52 vụ hàng giả với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi đối phó với ngành chức năng. Nổi cộm là tình trạng chia nhỏ hàng hóa và thuê nhiều loại phương tiện khác nhau để vận chuyển, hợp thức hóa hóa đơn chứng từ, lợi dụng chủ trương “Đưa hàng Việt về nông thôn” để giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, tẩy xóa thời hạn sử dụng trên bao bì./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất