Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 6/12/2012 17:39'(GMT+7)

Quảng Nam: Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển

Những điểm sáng

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, năm 2012, Quảng Nam cũng gặp nhiều bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra từ đầu năm. Đáng lưu ý là hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn do sản xuất đình trệ, hàng tồn kho lớn; nhiều doanh nghiệp thua lỗ, tạm dừng hoạt động; nhiều lao động mất việc làm...

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2012 vẫn có nhiều điểm sáng. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 11,2%, tuy thấp hơn chỉ tiêu đề ra (12,5%) nhưng cao hơn 2 lần so với mức tăng trưởng của cả nước. Công nghiệp tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 12,7%; trong đó, đáng lưu ý là nhiều dự án công nghiệp lớn như Nhà máy sản xuất động cơ của Công ty CP Ô tô Trường Hải, Nhà máy sản xuất nước giải khát tại Khu Kinh tế mở Chu Lai,... được khởi công xây dựng. Dịch vụ - du lịch có mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, nông nghiệp được mùa, với mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành tăng 7% so với năm 2011 là điểm sáng rất đáng chú ý trong năm qua, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân. 

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai có kết quả; an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đạt được nhiều kết quả tốt. Đặc biệt, công tác kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đạt được nhiều kết quả quan trọng; qua kiểm điểm đã kịp thời chỉ đạo giải quyết, xử lý những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng. 

Tuy nhiên, tại hội nghị, Tỉnh ủy thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những hạn chế, yếu kém, bất cập chưa được giải quyết tốt, như: tình trạng chặt phá rừng, đào đãi vàng, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép... tuy đã chỉ đạo tích cực, nhưng tình hình ở một số địa phương, khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc ổn định đời sống nhân dân tại các khu tái định cư các dự án thủy điện chưa tốt, thiếu đất sản xuất, đời sống nhân dân khó khăn; nhất là việc rò rỉ nước và động đất liên tiếp tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 gây lo lắng cho nhân dân. Công tác quy hoạch, phát triển cây cao su; xóa đói giảm nghèo ở miền núi còn rất nghiều khó khăn, vướng mắc.

Năm 2013, phấn đấu GDP tăng khoảng 11%.

Đó là mức tăng trưởng thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra cho năm 2012, tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, với những dự báo về khó khăn, thách thức trong năm tới, phải nỗ lực phấn đấu mới có thể đạt được. Chính vì vậy, Tỉnh ủy xác định chủ trương: “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển nông nghiệp hàng hóa phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng. Tập trung kiên trì thực hiện 3 mũi đột phá: xây dựng kết cấu hạ tầng (nhất là các hạ tầng chiến lược), phát triển nguồn nhân lực (tập trung là công tác cán bộ), xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư (tập trung là cải cách thủ tục hành chính) nhằm tạo nền tảng vững chắc hơn cho phát triển trong những năm tiếp theo”.

Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho rằng, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước năm 2013 và giai đoạn 2013-2015 khá thấp, không thể đáp ứng nhu cầu cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch chung của tỉnh và các địa phương. Vì vậy, yêu cầu rà soát, cắt giảm các hạng mục công trình đang là vấn đề rất nan giải. Hoạt động của các doanh nghiệp trong năm tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, theo Giám đốc Sở NN&PTNT – Nguyễn Thanh Quang, nông nghiệp năm 2012 dù được mùa, nhưng sẽ khó lặp lại trong năm 2013, khi hiện nay diễn biến thời tiết đã hiển hiện rất nhiều bất lợi.  

Trước những dự báo nêu trên, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều nhóm giải pháp trên từng lĩnh vực cụ thể. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, cần tập trung nghiên cứu, xác định cụ thể hơn lợi thế so sánh, đường hướng phát triển của Quảng Nam trong những năm tới. Trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công từ ngân sách trung ương, toàn tỉnh phải tập trung mọi nỗ lực để huy động các nguồn lực khác cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn lực từ các doanh nghiệp. Muốn vậy, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước và các đón đầu làn sóng đầu tư FDI trong những năm tới.  Về nguồn vốn đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải tập trung cho các dự án trọng điểm và những công trình bức xúc (nhất là khoảng 60km các tuyến đường tỉnh đang xuống cấp nghiêm trọng). Trong phát triển công nghiệp, cần hết sức chú trọng chiến lược phát triển ngành may mặc, da giày, công nghiệp phụ trợ trong những lĩnh vực có tiềm năng.  

Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng định hướng nhiều giải pháp quan trọng về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo ở miền núi, nhất là giải quyết căn cơ những bức xúc về sản xuất và đời sống ở các vùng tái định cư thủy điện; quy hoạch phát triển cây cao su;...

Nguyễn Đoan (Báo Quảng Nam)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất