Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Hai, 6/10/2008 21:49'(GMT+7)

Chủ động những giải pháp hiệu quả phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và ma túy

Đây là ý kiến được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm (UBQG) nhấn mạnh tại Hội nghị về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS và phòng chống ma tuý đối với các tỉnh trọng điểm được tổ chức ngày 6/10 tại Hải Phòng. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh, thành phố trọng điểm về HIV/AIDS và ma tuý.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của HIV/AIDS và tác hại của ma tuý

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ rõ, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh thành phố trọng điểm về HIV/AIDS và ma tuý cần tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình thực tế để chủ động đề ra những giải pháp hiệu quả trong phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm. Phó Thủ tuớng cho rằng, những tỉnh trọng điểm về ma tuý cũng đồng thời là các tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS. Vì vậy, muốn giảm HIV/AIDS cần phải làm tốt công tác phòng, chống ma tuý.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Công an, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan và các tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS và ma tuý nghiên cứu đề xuất các giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của HIV/AIDS, của tệ nạn ma tuý, mại dâm. Lãnh đạo UBQG sẽ nghe Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo kế hoạch thực hiện trong tháng 11/2008, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh.

Ngoài 28 tỉnh, thành phố thành đã được kiểm tra, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo các thành viên UBQG tiếp tục kiểm tra tại các địa phương còn lại để đánh giá thực trạng công tác phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma tuý mại dâm ở các tỉnh này.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo đánh giá thực trạng công tác phòng chống HIV/AIDS và phòng chống ma tuý của 13 tỉnh trọng điểm; nghe tham luận về các giải pháp cần hỗ trợ các tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS và ma tuý… tập trung thảo luận, đánh giá mức độ tăng giảm của tình hình lây nhiễm HIV/AIDS và sử dụng ma tuý, tìm ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với công tác này. Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp nhằm tăng cường công tác cai nghiện phục hồi, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; đổi mới các hình thức thông tin, truyên truyền, giáo dục, tạo nhận thức đúng đắn đối với những đối tượng, nhóm đối tượng có khả năng mắc nghiện và lây nhiễn HIV cao …

Lãnh đạo Bộ Y tế đã báo cáo “Đề án triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone”. Theo đó, tính đến cuối tháng 9 năm 2006, tổng số bệnh nhân tham gia điều trị tại 6 cơ sở điều trị Methadone của của 2 thành phố Hải Phòng và Hồ Chí Minh là 455 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân đang trong giai đoạn dò liều là 225, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn điều trị duy trì là 230. Việc triển khai chương trình thí điểm Methadone ở Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh bước đầu được đánh giá đạt được những mục tiêu đề ra, 100% bệnh nhân đạt đến liều điều trị không còn sử dụng heroin, đa số bệnh nhân tham gia điều trị có sự chuyển biến tích cực về thái độ và hành vi. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, đây là chương trình hoàn toàn mới tại Việt Nam, vì vậy trong thời gian tới, Bộ này sẽ đánh giá một cách khoa học về tính hiệu quả của chương trình để trình Chính phủ xem xét cho triển khai thí điểm ở các địa phương khác.

13 tỉnh được xác định là trọng điểm về HIV/AIDS và ma tuý là: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Ninh, Yên Bái, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Kạn, Cao Bằng. Trong đó có một số tỉnh có số người nghiện nhiều như: Hà Nội 23.094 người (kể cả số người nghiện của Hà Tây sau khi sáp nhập vào Hà Nội); Thành phố Hồ Chí Minh là 18.359 người; Sơn La 12.915 người; Điện Biên 4.887 người… Theo báo cáo, tính đến tháng 9/2008 ở 13 địa phương nói trên số người nghiện có hồ sơ quản lý là 92.342 người, chiếm tỉ lệ 70% (92.324/132.687 người). Tính đến hết tháng 9/2008, số trường hợp nhiễm HIV hiện đang còn sống ở 13 tỉnh là 75.872 trường hợp, chiếm 55,5% số trường hợp nhiễm HIV hiện đang còn sống trong cả nước; số bệnh nhân tiến triển thành AIDS hiện đang còn sống là 18.927 trường hợp và số tử vong là 20.009 trường hợp, tỉ lệ nhiễm HIV trung bình 13 tỉnh là 366,84/100.000 dân.


(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất