Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 7/6/2015 20:14'(GMT+7)

Chủ động phòng, chống dịch MERS-CoV

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm nói trên, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với WHO, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh MERS-CoV để thông báo kịp thời về tính nguy hiểm, nguyên nhân lây bệnh, cách thức lan truyền và phương pháp phòng, chống dịch cho nhân dân biết để nhân dân chủ động phòng, chống dịch MERS-CoV; đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam để chủ động lên kế hoạch phòng, chống. Các Bộ: Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở kế hoạch phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV của Bộ Y tế, có kế hoạch triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV lây nhiễm vào Việt Nam.

Bộ Y tế cũng đã có những cuộc họp khẩn cấp với WHO, các cơ quan liên quan để bàn giải pháp phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV và trong ngày hôm qua (4-6) đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, khảo sát tuyên truyền để các cơ sở y tế chủ động đối phó với dịch bệnh.

Với các dịch bệnh mới xuất hiện, việc khẩn trương tìm các giải pháp để đề phòng, đối phó là hết sức cần thiết, nhưng theo nhiều chuyên gia y tế, tại Việt Nam hiện nay, cần có cái nhìn bình tĩnh hơn về MERS-CoV nói riêng và các loại dịch bệnh nói chung. Do vi-rút MERS-CoV có thời gian ủ bệnh lâu (14 ngày), các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn, khó phân biệt với một số bệnh cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, vì thế công tác khai thác thông tin, các yếu tố dịch tễ của người bệnh từ vùng có dịch cũng như công tác khám chữa bệnh, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh trong bệnh viện đóng vai trò quan trọng.

Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, kinh nghiệm từ dịch SARS năm 2003 cho thấy, kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý ca bệnh cần được ưu tiên. Trong đó, các cán bộ y tế, người chăm sóc bệnh nhân là những đối tượng có nhiều nguy cơ cao lây nhiễm bệnh nên cần phải tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như: Rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên khi tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng sốt, ho…Ngoài ra, tại các khoa khám bệnh của các cơ sở y tế, cần có những hình ảnh tuyên truyền về các triệu chứng của bệnh do vi-rút MERS-CoV gây ra để người dân biết và chủ động khai báo thông tin với cán bộ y tế.

Phòng, chống dịch bệnh là một hoạt động luôn đòi hỏi có tính khẩn trương và bền bỉ, cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành cũng như bảo đảm đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Việc tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch là ngành y tế, còn chỉ đạo điều hành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Thực tế cho thấy, nơi nào được chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì nơi đó dịch bệnh nhanh chóng được khống chế.

Một yếu tố cũng rất quan trọng đó là phải công khai, minh bạch về tình hình dịch bệnh, việc công khai và cập nhật tình hình dịch bệnh sẽ giúp người dân, cộng đồng chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nếu việc đưa thông tin không có tính định hướng tốt hoặc thông tin không chính xác thì nó lại trở thành trở ngại, làm người dân quá lo lắng hoặc không huy động được sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Để làm tốt việc này, cần có sự tham gia ủng hộ tích cực của các cơ quan truyền thông, và ngành y tế phải cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời./.

Đào Bá Hoàng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất