Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 12/2/2009 10:34'(GMT+7)

Chủ động phòng, chống dịch sởi

Nhiều bệnh nhân từng tiêm vaccine phòng sởi vẫn mắc lại. Ảnh: Thái Hà

Nhiều bệnh nhân từng tiêm vaccine phòng sởi vẫn mắc lại. Ảnh: Thái Hà

Phóng viên (PV): Xin Phó Viện trưởng cho biết, thông thường dịch sởi chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ, nhưng hiện nay đã xuất hiện ở người lớn, nguyên nhân chính là gì ?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà (TS N.H.H): Trước đây sởi hay xuất hiện ở trẻ em, thường từ sáu tháng đến năm tuổi, tỷ lệ có biến chứng chỉ là 1/1 nghìn ca. Những người đã bị sởi một lần, hiếm khi mắc lại do cơ thể đã có miễn dịch với bệnh. Từ khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, vắc-xin sởi đã có hiệu quả và ở nước ta hầu như không thấy trẻ em bị bệnh này. Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hy vọng sẽ thanh toán bệnh sau năm 2010. Nhưng từ năm 2006, do tiên lượng trước việc vắc-xin sởi không có khả năng miễn dịch hoàn toàn suốt đời, cho nên nước ta đã quyết định tiêm phòng nhắc lại vắc-xin này cho trẻ sáu tuổi. Chính vì vậy, việc xuất hiện sởi ở người lớn lần này là điều bất thường. Bởi ngoài những người mắc bệnh chưa được tiêm chủng và chưa từng mắc sởi, còn không ít những người đã được tiêm ngừa vắc-xin sởi cũng bị nhiễm bệnh. Ðáng lưu ý, sởi lại là bệnh có thể tấn công mọi đối tượng, từ trẻ em và người lớn nếu chưa có miễn dịch. Trong đợt dịch lần này, bệnh sởi gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 28 - 40. Theo các chuyên gia, có thể, đây là những đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ, tiêm sởi đã lâu không được tiêm nhắc lại khiến miễn dịch kém cho nên dễ mắc. Trong khi đó, việc tiêm một mũi vắc-xin sởi chỉ phát huy hiệu quả trong một thời gian nhất định. Càng lâu sau tiêm, miễn dịch càng suy giảm, cho nên càng dễ mắc bệnh hơn. Bên cạnh đó, khí hậu lạnh, thất thường năm nay chính là một trong những điều kiện thuận lợi cho loại vi-rút này phát triển bệnh sởi gây ra do siêu vi sởi.

PV: Xin Tiến sĩ cho biết, đến thời điểm này, dịch diễn biến như thế nào? Và so với trẻ em thì người lớn mắc sởi sẽ gặp các biến chứng nguy hại gì không?

TS N.H.H: Tính từ thời điểm đầu dịch cho đến nay, dịch vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Ðã có hơn 572 ca nhiễm bệnh, trung bình mỗi ngày có 40-50 người đến khám tại bệnh viện và khoảng 20-24 người nhập viện. Hiện phần lớn các quận, huyện ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố chung quanh như Hòa Bình, Hưng Yên... đều có người lớn mắc bệnh. Triệu chứng của người lớn bị sởi cũng có các triệu chứng như trẻ em... Các bác sĩ cũng cho biết, người bệnh trong đợt dịch này ít mắc các biến chứng về đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi hay nhiễm lao như trẻ em khi mắc sởi, nhưng họ lại bị các biến chứng khác nguy hiểm hơn là viêm não, viêm màng não, dễ dẫn đến liệt, động kinh, tỷ lệ tử vong cao. Trẻ em mắc sởi thường gặp các di chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản phổi, viêm thanh quản, viêm loét giác mạc, cam tổ mã, tức bị hoại tử, loét các phần miệng, họng, hàm... thậm chí dễ nhiễm lao. Trẻ sau khi khỏi sẽ bị tiêu chảy kéo dài, nếu chế độ dinh dưỡng không tốt sẽ dẫn đến còi cọc, suy dinh dưỡng. Còn người lớn thì ít gặp các biến chứng về đường hô hấp, tuy nhiên lại trội lên bệnh viêm màng não và các biến chứng nặng. Người bệnh sau khỏi sẽ dẫn đến các di chứng liệt, động kinh, ngớ ngẩn và tỷ lệ tử vong khá cao, khoảng 15%. Ðiều nguy hại chính là những di chứng của bệnh sởi ở người lớn thường không ai biết trước để ngăn chặn. Thông thường sau khi người bệnh tưởng đã khỏi bởi hết sốt, hết phát ban thì sẽ xuất hiện trở lại sốt ly bì và khi đó nhiều người đã bị viêm màng não với các biến chứng nặng. Ðặc biệt, điều nguy hiểm không lường trước được là không biết ai sẽ bị biến chứng và thường biến chứng lại xuất hiện khi triệu chứng sốt giảm đi.

PV: Hiện ngành y tế đã có phác đồ điều trị và thuốc đặc trị cho người bệnh chưa? Và cách phòng, chống dịch này như thế nào thưa Tiến sĩ ?

TS N.H.H: Dịch sởi nguy hiểm ở chỗ hiện không có biện pháp khống chế dịch vì vi-rút gây bệnh phân tán trong không khí cho nên ai cũng có thể nhiễm. Bệnh rất hay lây, 90% số người tiếp xúc người bệnh sẽ bị lây nếu chưa chích ngừa. Cho nên, về bệnh này, hiện cũng không có phác đồ điều trị hay thuốc đặc trị. Nếu người bệnh bị biến chứng viêm màng não, chúng tôi có hai hướng điều trị: điều hòa miễn dịch cho dùng thuốc Gammacolobulin và kháng viêm bằng Corticoida. Thuốc này rất đắt, khoảng năm triệu đồng/liều, mỗi ngày người bệnh phải dùng hai liều thuốc. Như vậy chi phí cho một người bệnh bị viêm màng não cũng khoảng hơn 100 triệu đồng. Viện cũng đã đưa ra bản hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt phát ban dạng sởi gửi lên Bộ Y tế để sớm ban hành rộng rãi, nhằm ngăn chặn bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn. Chúng tôi cũng khuyến cáo, bệnh này vốn lây qua đường hô hấp; vì vậy, cần thường xuyên rửa tay xà-phòng, dùng các nước sát trùng mũi, họng, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường... sẽ giảm được nguy cơ mắc sởi. Nếu không bị nhiễm nặng, người bệnh không cần dùng kháng sinh, (trừ khi có dấu hiệu bội nhiễm rõ rệt), chỉ cần ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh bị lạnh đột ngột, thì sau vài ngày bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch đang bùng phát như hiện nay, nếu thấy có những dấu hiệu sốt cao, ngủ gà... thì tốt nhất nên đi khám để bác sĩ xác định chính xác bệnh, mức độ nặng nhẹ và có biện pháp điều trị kịp thời. Người bệnh cần được cách ly và đeo khẩu trang để tránh lây cho người nhà.

PV: Không ít người lớn mắc sởi đã được tiêm phòng khi còn nhỏ. Vậy Tiến sĩ đánh giá như thế nào về tác dụng của vắc-xin sởi với những trường hợp này?

TS N.H.H: Sởi được biết đến là căn bệnh kinh điển, thường xuất hiện vào mùa đông xuân. Thông thường trẻ em hết sáu tháng tuổi cho đến năm tuổi đều có thể mắc sởi do hết kháng thể phòng bệnh được truyền từ mẹ sang. Sau khi bệnh khỏi, miễn dịch để lại tương đối lâu dài và bền vững nên ít người đã mắc lại lần hai.

Hiện chưa thể khẳng định vi-rút sởi đã biến đổi bởi bệnh ít gặp ở trẻ em. Do đó, chỉ có thể khẳng định việc tiêm vắc-xin sởi chỉ phát huy hiệu quả trong một thời gian (khoảng 10 đến 15 năm) thì miễn dịch sẽ suy giảm, do đó không còn đủ khả năng bảo vệ con người trước vi-rút sởi tồn tại ở môi trường bên ngoài. Người dân cũng không nên hoang mang, lo lắng trước dịch bệnh, vì tuy dễ lây nhưng cũng có thể kiểm soát dịch bệnh này bằng cách chủ động tiêm vắc-xin. Nếu chưa từng mắc sởi và chưa tiêm phòng thì nên đi tiêm. Nếu mới tiêm một mũi, thời gian tiêm đã quá lâu cũng nên tiêm nhắc lại. Ðáng chú ý, đối với trẻ em, nên đi tiêm  nhắc lại mũi hai đúng lịch, vì nếu để mũi một cách mũi hai quá sáu năm thì hệ miễn dịch giảm, việc phòng ngừa sẽ không đạt hiệu quả cao. Từ năm 1996 đến nay, nước ta đã thực hiện việc tiêm chủng sởi nhắc lại mũi hai cho trẻ ở lứa tuổi học lớp một. Ðiều này thêm một lần nữa khẳng định việc tiêm phòng một mũi sởi là không đủ bảo vệ cả đời người trước căn bệnh này và cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại thứ hai.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ.

(Theo Nhân Dân điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất