(TG) - Để hỗ trợ phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, tỉnh Yên Bái đã dành nguồn kinh phí hợp lý giúp người dân vùng cao làm mới và tu sửa chuồng trại nuôi gia súc, bảo đảm ba cứng (cứng khung, cứng mái, cứng nền), tuyệt đối không để đọng nước trên nền chuồng nuôi; hỗ trợ đủ 100% lượng vaccine tiêm phòng cho đại gia súc và thuốc tiêu độc khử trùng.
Những ngày qua, nhiều địa phương ở tỉnh Yên Bái có nền nhiệt dưới 10 độ C, những đỉnh núi cao như Trống Páo Sang, Khau Phạ (Mù Cang Chải) Tà Chì Nhù, Mù Cao (Trạm Tấu) xuất hiện băng giá. Để đối phó với diễn biến phức tạp khi nhiệt độ giảm sâu kéo dài, tỉnh Yên Bái đã có công điện chỉ đạo, thành lập các tổ công tác xuống cơ sở giúp đỡ, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, nhất là các địa phương vùng cao nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.
Ngay từ đầu tháng 12/2023, huyện Mù Cang Chải đã giao nhiệm vụ cho từng phòng chuyên môn, từng cán bộ lãnh đạo, quản lý phụ trách, trực tiếp chỉ đạo từng địa bàn với những phương án phòng chống cụ thể.
Trả lời phóng viên, Anh Lý A Lỳ, bản Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải cho biết, gia đình anh nuôi được bốn con trâu, mấy hôm nay rét dưới 5 độ C, anh đã đưa trâu về nuôi nhốt, ngoài cho ăn cỏ tươi, anh cho ăn thêm tinh bột và nước muối pha loãng.
Anh Lý Ạ Lỳ cho biết: "Đấy là nhờ cán bộ khuyến nông đến dạy đấy, nhờ thế mà nhiều năm nay cả xã không còn cảnh trâu chết do đói, rét như trước nữa".
Tại vùng cao đặc biệt khó khăn, huyện Mù Cang Chải đã sớm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho hơn 94.000 con gia súc.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải Lương Văn Thư thông tin cho biết, Phòng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện xây dựng phương án cụ thể ứng phó cho từng cấp độ phức tạp của thời tiết; yêu cầu người dân làm chuồng trại kín gió, di chuyển gia súc về chuồng, không thả rông vào rừng. Tận dụng những khu đất trống trồng được gần 500ha cỏ voi và ngô sinh khối, vận động hơn 8.000 hộ dân chăn nuôi trâu, bò dự trữ đủ lượng rơm khô; khuyến cáo người dân dùng chăn cũ, bao tải đay quấn quanh cơ thể gia súc để giữ ấm, không chăn thả gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.
Để hỗ trợ phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, tỉnh Yên Bái đã dành nguồn kinh phí hợp lý giúp người dân vùng cao làm mới và tu sửa chuồng trại nuôi gia súc, bảo đảm ba cứng (cứng khung, cứng mái, cứng nền), tuyệt đối không để đọng nước trên nền chuồng nuôi; hỗ trợ đủ 100% lượng vaccine tiêm phòng cho đại gia súc và thuốc tiêu độc khử trùng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu Nguyễn Thành Hưng đánh giá, đến thời điểm này, huyện đã triển khai tốt việc phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc đến từng hộ chăn nuôi tại 57 thôn, bản của 12 xã, thị trấn. Vận động người dân dự trữ được gần 3.500 cây rơm, mỗi xã trồng mới ít nhất 2 ha ngô sinh khối, các hộ dân trồng thêm diện tích cỏ voi, VA06 để bảo đảm thức ăn tươi cho đàn gia súc; duy trì phun tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, không để mầm bệnh bùng phát.
Yên Bái tiếp tục vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp bắt buộc che chắn giữ ấm, vệ sinh chuồng trại; có phương án dự trữ nguồn thức ăn để nuôi nhốt trâu, bò dài ngày; bổ sung thức ăn tinh bột, nước muối ấm hằng ngày và duy trì tiêm phòng đúng lịch trình cho đàn gia súc.
Tỉnh tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, để người dân ở vùng cao biết, chủ động phòng chống; duy trì nghiêm chế độ trực ban, thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe đàn vật nuôi, nếu phát hiện có bệnh dịch để kịp thời khoanh vùng xử lý; không nhập gia súc, gia cầm non về nuôi trong thời gian này.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, thông qua hệ thống cán bộ khuyến nông các cấp, phối hợp với cơ quan chức năng chỉ đạo đến từng hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại; hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ thức ăn, cây giống, con giống; tuyên truyền sâu rộng và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cần thiết cho từng loại vật nuôi; kiểm tra, giám sát và giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh trong phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất.
Trọng Đạt