Thứ Năm, 10/10/2024
Xã hội
Thứ Bảy, 1/10/2022 9:4'(GMT+7)

Chủ động ứng phó với thiên tai cực đoan

Các địa phương cần chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ bất thường

Các địa phương cần chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ bất thường

PHÒNG NGỪA VÀ KIỂM SOÁT RỦI RO THIÊN TAI

Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn ra rất phức tạp gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng với 175 trận thiên tai quy mô lớn cấp vùng làm 3.293 người chết trong đó bão, lũ lụt và động đất là các loại hình thiên tai phổ biến nhất(1). Đặc biệt ngày 22/6, Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã ban hành cảnh báo lũ lụt mức cao nhất trên lưu vực Châu Giang tại miền Nam Trung Quốc; tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông lũ đã vượt mức lịch sử; nắng nóng lịch sử xảy ra nhiều nơi như tại Nhật Bản, Italia.

Do mưa lớn kéo dài ở miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp (đặc biệt ngập lụt các khu vực đô thị như Hà Nội, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang,..); các hồ chứa Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả lũ và duy trì trong một thời gian khá dài (đây là một năm hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa đi vào khai thác, vận hành); mực nước trên một số tuyến sông thuộc hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã lên báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động 3, đe doạ an toàn hệ thống đê điều.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng Cục phòng chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức được 15 lớp tập huấn cho lực lượng làm công tác PCTT và người dân tại các địa phương với tổng số 1.570 lượt người; đào tạo về “Nâng cao năng lực về phòng chống rủi ro thiên tai và lập kế hoạch kinh doanh liên tục dành cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vùng đồng bằng Sông Cửu Long; tập huấn truyền thông cho cán bộ truyền thông của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT& tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của 25 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đôn đốc địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTT giai đoạn 2030-2050, đã có 46/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch; trình Bộ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(2).

Tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch PCTT quốc gia đến năm 2025 trên các phương tiện truyền thông và hướng dẫn dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Phối hợp, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch PCTT của tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025. Hiện có 46/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch.

Triển khai các nội dung hoạt động đánh giá tác động gây sạt lở và đề xuất giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, rạch biên giới Việt Nam - Campuchia. Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực địa tại tỉnh An Giang và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra. Chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc phương án đảm bảo an toàn công trình đối với hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình PCTT trước mùa mưa lũ, công tác rà soát, tổng hợp vật tư dự trữ chuyên dùng phục vụ PCTT.

Thường xuyên theo dõi, cập nhật về dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai trong nước và khu vực để tham mưu kịp thời lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo, đảm bảo chủ động ứng phó hiệu quả với thiên tai. Tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/6/2022 về tăng cường công tác PCTT và TKCN.

Xây dựng kịch bản ứng phó với lũ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét và các loại hình thiên tai khác; Hướng dẫn địa phương báo cáo việc thực hiện các biện pháp di dân đảm bảo an toàn; việc thực hiện công tác phòng chống sạt lở ven sông, ven biển, kè biên giới và các công trình PCTT khác.

RÀ SOÁT VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CỦA THIÊN TAI

Ngay sau các đợt thiên tai, Tổng cục tổ chức 15 đoàn công tác phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn đánh giá, thống kê số liệu thiệt hại; khắc phục hậu quả phục hồi sản xuất; kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ, nhất là về dân sinh và phục hồi sản xuất.

Đôn đốc các địa phương phê duyệt phương án hộ đê bảo vệ 242 trọng điểm và triển khai trên thực tế để đảm bảo an toàn chống lũ, bão năm 2022. Tổ chức kiểm tra thực tế các tuyến đê trước lũ và công tác chuẩn bị của các địa phương, đôn đốc xử lý các sự cố, hoàn thành việc thi công xây dựng các cống qua đê, sẵn sàng đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa bão.

Trong 6 tháng đầu năm đã có hàng trăm bản tin, phóng sự trên các đài VTV1, VTC14, THQH, VTV5, xây dựng chương trình “Cộng đồng PCTT” trên Chương trình Chào buổi sáng bông lúa thứ 5 hàng tuần trên VTV1 được cộng đồng đón nhận. Phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội và quốc tế(3) tổ chức các hoạt động tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực, kỹ năng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho các đối tượng người cao tuổi, học sinh, thanh niên xung kích PCTT tại địa phương. Xây dựng 2 cuốn sách để giáo dục lịch sử truyền thống và tuyên truyền cộng đồng: Người đi trong bão giông; Thăng trầm công tác PCTT. Tổ chức thành công Giải báo chí toàn quốc về PCTT lần thứ 2 thu hút gần 1.000 tác phẩm dự thi của 5 thể loại báo chí(4).

Duy trì và thúc đẩy phát triển công tác truyền thông PCTT trên website, trang mạng xã hội: Facebook, Zalo, Tiktok, các chương trình livestream kết nối cộng động,… Triển khai Đề án nâng cao nhận thức cho cộng động (Đề án 553) và hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Theo thứ tự luân phiên, năm 2023, Việt Nam sẽ tiếp nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM). Để chuẩn bị tiếp nhận và thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Tổng cục đã báo cáo và đề xuất nội dung và xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Hợp tác quốc tế trong khuôn khổ các thỏa thuận Việt Nam(5) tham gia vẫn được đảm bảo triển khai thường xuyên với gần 60 cuộc họp trực tuyến.

Tính đến ngày 4/7, thiên tai đã làm 73 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.025 tỷ đồng (gấp 2,7 lần thiệt hại về người và 24 lần thiệt hại về kinh tế so với 6 tháng đầu năm 2021).

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM

Từ những kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm, trên cơ sở dự báo tình hình thiên tai, những thuận lợi và thách thức đối với Tổng cục trong 6 tháng cuối năm; để hoàn thành cao nhất kế hoạch đã đề ra, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, công tác ứng phó với thiên tai. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, mưa, lũ lớn, bão mạnh; bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời, chính xác cho BCĐ để chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả được kịp thời, hiệu quả; sẵn sàng mọi điều kiện để phục vụ các đoàn công tác của Ban chỉ đạo; tham mưu chỉ đạo vận hành các liên hồ chứa, nhất là lưu vực sông Hồng trong thời kỳ lũ chính vụ, đảm bảo an toàn công trình, hạ du và sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Hai là, hoàn thành kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật gồm: 2 Nghị định, 2 Thông tư của Bộ trưởng(6) đồng thời triển khai hiệu quả các Văn bản QPPL quy định; Tổng hợp, báo cáo Ban Bí thư kết quả 2 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW.

Ba là, kiện toàn tổ chức, bộ máy. Chủ động rà soát, hoàn thiện đề án tổ chức bộ máy để nhanh chóng sắp xếp, kiện toàn về mặt tổ chức, nhân sự của Tổng cục, Văn phòng thường trực ngay sau khi Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ được ban hành và có hiệu lực. Sửa đổi quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng thường trực phù hợp với cơ cấu tổ chức mới.

Bốn là, công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nội dung yêu cầu đảm bảo an toàn thiên tai đối với việc quản lý, sử dụng vận hành công trình theo Thông tư số 13/2021/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2021. Trên cơ sở kết quả đánh giá năm 2021, hướng dẫn và đôn đốc địa phương triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh năm 2022. Xây dựng hệ thống giám sát hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai; thí điểm tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long...

Năm là, công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Báo cáo, tổng hợp thiệt hại, đề xuất các biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trung, dài hạn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả; nhanh chóng đưa người dân và địa phương bị thiệt hại sớm ổn định đời sống, sản xuất. Hoàn thành việc tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ chính thức kinh phí tạm cấp cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020.

Sáu là, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, phòng chống sạt lở. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương việc thực hiện Luật Quy hoạch liên quan đến nội dung phương án phòng chống lũ của các tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều trong quy hoạch tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều. Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng. Thường trực, kiểm tra, theo dõi sự cố đê điều, hướng dẫn, đề xuất biện pháp xử lý đối với hệ thống đê điều từ cấp III trở lên trong mùa mưa, bão. Đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” giai đoạn 2022-2025; tổ chức hội thảo về thiết kế, thi công, xử lý sự cố cống dưới đê; triển khai diễn tập ứng phó sự cố tràn đê.

Bảy là, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Tăng cường mở rộng đối tác và hợp tác để ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực quản lý thiên tai. Tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu PCTT và đê điều, hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và công cụ theo dõi, giám sát, hỗ trợ chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai, cũng như xây dựng các công trình PCTT... Tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCTT, đê điều, triển khai các đề tài khoa học công nghệ đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.

Tám là, tăng cường nâng cao năng lực cộng đồng và truyền thông. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình, đài truyền thanh từ Trung ương đến địa phương để truyền thông và đưa các bản tin về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của “Câu lạc bộ phóng viên với công tác PCTT”; thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng (Đề án 553); tổ chức Gameshow “Xung kích phòng, chống thiên tai lần thứ 2”; triển lãm ảnh và trao giải cuộc thi “Ảnh và Câu chuyện Phụ nữ trước bão giông”...

Tổng cục PCTT tham mưu trả lời các tỉnh, thành phố về thỏa thuận cấp phép thi công công trình và cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều của hơn 100 công trình. Về phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫuˮ, Tổng cục đã có thông báo kết quả đăng ký xây dựng đê kiểu mẫu và đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện (Công văn số 417/PCTT-QLĐĐ ngày 6/5/2022).

Chín là, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đảm bảo kế hoạch giải ngân 2022. Tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực PCTT cho các cấp chính quyền, cộng đồng. Bên cạnh đó, hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính năm 2022, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xử lý công việc nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; tập trung đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ; triển khai các phong trào thi đua có hiệu quả, tổ chức kiểm tra, đánh giá, nhân rộng các mô hình điển hình; khen thưởng động viên kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT.

Nhật Minh

-------------------

(1) Mưa lớn và lũ quét ở Brazil (13-16/2/2022); Mưa lớn và lũ lụt ở Úc (22/2-03/3 và 25-31/3/2022); Bão Gombe (11-14/3/2022); Bão nhiệt đới Megi ở Philippines (10-12/4/2022); Lũ lụt và sạt lở đất ở Nam phi (8-18/4/2022); Nghiêm trọng nhất là sạt lở đất tại Petropolis, Brazil; mưa lũ diện rộng ở Ấn Độ và Bangladesh.

(2) QĐ số 364/QĐ-BNN-PCTT ngày 20/1/2022.

(3)Phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức hoạt động tăng cường năng lực cho người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng; phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tập huấn cho các đội thanh niên xung kích PCTT. Phối hợp tổ chức Unicef xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn triển khai hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh “Cùng em PCTT - Kiến tạo tương lai bên vững”.

(4) Cuộc thi có 4 giải Nhất, 5 đạt giải Nhì, 10 giải Ba. Báo Nhân dân là cơ quan có nhiều tác phẩm dự thi nhất; 15 giải Khuyến khích, 1 giải “Câu chuyện tác động mạnh mẽ nhất” và 2 giải đồng hành dành cho các đơn vị có nhiều đóng góp cho công tác PCTT

(5) (i) Hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai; (ii) Hợp tác APEC; (iii) Ủy ban Bão; (iv) Trung tâm giảm nhẹ thiên tai châu Á (ADRC)

(6) Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh. Xây dựng Nghị định quy định về nội dung, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai. Thông tư hướng dẫn kỹ thuật duy tu bảo dưỡng đê điều. Thông tư về việc ban hành định mức kinh tế -kỹ thuật lập quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều.

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất