Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 4/11/2008 11:17'(GMT+7)

Chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ kéo dài

Ngày 3/11,  khu Tân Mai (Hà Nội) vẫn còn chìm trong biển nước

Ngày 3/11, khu Tân Mai (Hà Nội) vẫn còn chìm trong biển nước

 Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương: Từ ngày 6 đến ngày 8/11, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường kết hợp với hội tụ rãnh gió Tây trên cao, nên khả năng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa nhiều trở lại, rải rác có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa khoảng từ 100-200mm, một số nơi trên 200mm và có thể lũ các sông ở đây lên trở lại.

Dự báo khu vực Tây Bắc Bộ từ ngày 4 và ngày 6-10/11 nhiều mây, có mưa, trong đó ngày 4 và ngày 7 mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Trời lạnh. Khu vực từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên-Huế từ ngày 4-10/11 nhiều mây có mưa, trong đó ngày 4 và ngày 7 đến ngày 9 mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Riêng Hà Nội ngày 4-5/11 có mưa nhỏ, mưa rào, nhiệt độ thấp nhất 21 độ C, cao nhất 29 độ C.

Hiện lũ các sông từ Thanh Hoá đến Quảng Bình lên trở lại. Lũ hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình tiếp tục lên. Trên sông Thái Bình tại Phả Lại lên mức 4,7m (trên báo động II là 0,2m); trên sông Hồng tại Hà Nội lên mức báo động I là 9,5m.

Hà Nội: 20 người chết và 7 nhà bị đổ sập
Tính đến 3/11, Hà Nội có 20 người chết và 7 nhà bị đổ sập do mưa lũ. UBND thành phố và Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Hà Nội quyết định hỗ trợ thêm 5 triệu cho hộ gia đình có người chết và 5 triệu đồng cho hộ gia đình có nhà bị đổ sập.

Phố Thái Hà - ảnh: Hồng Minh

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã trích 8 tỷ đồng từ ngân sách thành phố hỗ trợ cho các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề do trận mưa lớn lịch sử ở Hà Nội trong những ngày qua. Theo đó, huyện Mỹ Đức được hỗ trợ 2 tỷ đồng; các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Thanh Oai, mỗi huyện được hỗ trợ 1,5 tỷ đồng.

Hà Nội khẩn trương chuyển 25 tấn mỳ tôm đến thành phố Hà Đông và các quận, huyện Mê Linh, Hoàng Mai, Hoài Đức, Chương Mỹ. Riêng huyện Mỹ Đức là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận mưa vừa qua được UBND thành phố hỗ trợ 115 tấn gạo cứu đói cho bà con.

Đến chiều 3/11, toàn bộ 13 vị trí bị hư hỏng trên tuyến đê sông Hồng do trận mưa lớn những ngày qua đã được khắc phục.

Công ty Điện lực Hà Nội đã đóng điện được 221 trạm hạ thế trên địa bàn thành phố; trong đó, toàn bộ quận Hoàn Kiếm đã được cấp điện trở lại. Các quận, huyện khác như: Gia Lâm, Sóc Sơn và Cầu Giấy chỉ còn 1 – 2 trạm hạ thế bị cắt điện. Tuy nhiên, còn nhiều khu vực nước chưa rút nên vẫn còn 504 trạm hạ thế chưa được đóng điện.

Mưa lũ có khả năng kéo dài trong những ngày tới- Ảnh: Hồng Minh

Lũ sông Hồng tại thành phố Lào Cai đang lên cao
Vào 21h30 đêm 3/11, nước sông Hồng tại khu vực thành phố Lào Cai đã đạt 82,74m, trên báo động II là 0,74 m, trong khi nước từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về với cường độ lớn hơn.

Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh gây mưa to trên diện rộng và kéo dài, tạo nên đợt lũ trên toàn bộ hệ thống sông suối ở Lào Cai. Đặc biệt, nước sông Hồng từ chiều 2/11 đến thời điểm này liên tục dâng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hổ, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng - Thuỷ văn Lào Cai, thì nước sông Hồng tại Lào Cai chỉ có thể lên đến mức báo động III. Tuy nhiên, việc dự báo gặp khó khăn vì nước sông từ thượng nguồn đổ về, nước lên không đột biến nhưng đều.

Lũ lớn đang về trên sông Hồng ở Lào Cai- ảnh: Ngọc Bằng

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết: đêm qua, mực nước sông Hồng tại tỉnh này vượt mức báo động 2 là 50 cm. Nước sông lên cao gây sạt lở đất đá làm hư hỏng 7 ngôi nhà, cuốn trôi 11 máy bơm hút cát của các hộ ven sông. Tại huyện Bát Xát, có một người bị chết do lũ cuốn trôi khi đi qua suối Nậm Vẹn thuộc xã Sảng Ma Sáo.

Trước tình hình lũ trên sông Hồng hết sức thất thường, khó dự báo, thành phố Lào Cai đã chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh. Gặp ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai đang đi kiểm tra công trường thi công kè sông Hồng ở khu vực đầu cầu Phố Mới phía Kim Tân, ông Giang cho chúng tôi biết: 17 giờ ngày 3/11, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố đã có văn bản khẩn gửi các xã, phường trên địa bàn, bảo đảm các giải pháp cấp bách sẵn sàng đối phó với lũ.

Ảnh: Ngọc Bằng

Cũng theo ông Giang, thành phố đã di chuyển 6 hộ dân thuộc xã Bắc Cường và 14 hộ dân ở xã Vạn Hoà sống ven sông Hồng đến nơi an toàn. Đồng thời, cảnh báo nguy cơ đối với các xã, phường: Kim Tân, Vạn Hoà, Bình Minh… và bố trí lực lượng dân quân túc trực, sẵn sằng ứng cứu khi xảy ra trường hợp khẩn cấp.

** Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định mưa đã giảm, phần lớn diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thuỷ sản bị ngập sâu bắt đầu nhô khỏi mặt nước. Tuy nhiên, do bị ngâm lâu ngày trong nước nên nhiều diện tích bị mất trắng hoặc giảm năng suất nghiêm trọng. Toàn tỉnh có 12 vị trí trên các tuyến đê bao, bờ bao bị tràn, sạt sụt với tổng chiều dài gần 150m.

Đối phó với mưa lũ, tỉnh Nam Định thường xuyên kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố đê điều, bảo đảm an toàn cho các công trình thuỷ lợi; đồng thời vận động người dân thu hoạch hoa màu. Tỉnh huy động máy bơm tiêu nước để cứu lúa, hoa màu vụ đông bị ngập úng.

Lũ đang về trên sông Hồng tại Lào Cai - ảnh: Ngọc Bằng

** Tại Hưng Yên, mưa lớn làm 1 người ở huyện Yên Mỹ bị chết đuối, 1 phòng học ở xã Yên Phú (Yên Mỹ) bị sập, hơn 20.000 ha hoa mầu các loại bị úng ngập, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Hiện nay, lượng mưa đã giảm nhưng nước trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải và các sông nội đồng trên địa bàn Hưng Yên vẫn tiếp tục dâng cao. Tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc. Kiểm tra chặt chẽ các tuyến đê, cơi cao, đắp bờ khoanh vùng, huy động tối đa các loại máy bơm để tiêu nước chống úng chio các khu dân cư và các cánh đồng hoa mầu.

** Toàn tỉnh Thái Bình có gần 30.000 ha cây màu vụ Đông và rau màu các loại bị ngập úng. Tỉnh Thái Bình họp khẩn với lãnh đạo các ngành và các huyện, thành phố, yêu cầu tập trung mọi phương tiện, khả năng tiêu nước tự chảy qua các cống dưới dê, hạ thấp mức nước trên các sông trục chính; vận hành toàn bộ hệ thống trạm bơm tiêu và tập trung mọi phương tiện bơm tát tiêu úng cho cây vụ Đông. UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo ngành điện lực tỉnh đảm bảo cung cấp điện đầy đủ cho các trạm bơm tiêu úng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa úng gây ra.

** Tại Thái Nguyên, mưa lũ làm 7 người chết, hơn 2.500 ha lúa và hoa mầu bị ngập úng. Trong đó có 400 ha có nguy cơ mất trắng, 21 cầu bê tông và cầu tạm bị cuốn trôi và hư hỏng nặng, gây ách tắc giao thông cho các tuyến đường liên huyện.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên xả tràn hạ thấp mức nước tại các hồ chứa, phát lệnh bơm tiêu úng cống Táo ở huyện Phổ Yên với 11 máy, công suất 33.000 m3/giờ.

** Đến tối 3/11, tỉnh Nghệ An đã xác định có 22 người chết và một người mất tích vì mưa lũ, phần lớn là học sinh đang trên đường đi học và những người đi đánh bắt cá, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

Mặc dù trước đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Nghệ An đã cảnh báo, nhưng đối với nhiều người dân chủ quan, không kịp đề phòng. Trong khi đó, tại các huyện miền núi và ven sông Lam, ngay trong mưa lũ vẫn xuất hiện nhiều người đi đánh bắt cá và vớt gỗ củi.

Đến tối qua, 3/11, tại các xã ven sông Lam thuộc các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn vẫn có hàng chục xóm, người dân chưa thể đi lại vì nước đang ngập sâu 1,2 m đến 1,5 m. Quốc lộ 48 từ thành phố Vinh lên huyện miền núi Kỳ Sơn bị sạt lở và ngập lụt nhiều điểm, xe ô tô không thể qua lại.

** Liên tiếp trong 3 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xảy ra mưa lớn kèm thèo lốc xoáy làm sập hoàn toàn 11 căn nhà. Lượng mưa lớn trong những ngày qua đúng thời điểm triều cường mực nước biển dâng cao làm nhiều nhà dân, diện nuôi tôm các huyện ven biển Đông Hải, Hòa Bình, thị xã Bạc Liêu bị ngập.

Tỉnh Bạc Liêu mở các đập trên tuyến quốc lộ 1A nhằm tránh ngập úng cho hơn 50.000 ha lúa-tôm, lúa thu đông và hàng trăm hécta hoa màu ở các huyện vùng sâu Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Giá Rai..., kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi trong thời điểm này; khuyến cáo người dân gia cố hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ao đầm nuôi tôm.

** Trước tình hình mưa lũ, Bộ Giáo dục-Đào tạo có công điện khẩn yêu cầu các Sở Giáo dục-Đào tạo, trường đại học, cao đẳng các tỉnh phía Bắc (từ Bắc Trung Bộ trở ra) kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại của mưa lũ gây ra. Theo đó, Hiểu trưởng các trường trong vùng bị ảnh hưởng cần chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, cho học sinh nghỉ học trong thời gian lũ lụt, ngập úng và có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh. Các trường cần chủ động ứng phó với tình huống xảy ra, áp dụng các biện pháp hữu hiệu đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh, tài sản và thiết bị giáo dục./.

(VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất