Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 3/11/2008 22:9'(GMT+7)

Nhân dân sẽ trực tiếp bầu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã

Chiều nay (31/11), dưới sự điều của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội làm việc tại Hội trường.

Tờ trình về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã do Bộ trưởng Bộ nội vụ Trần Văn Tuấn đã trình bày nêu một số nội dung chính của Đề án, nhấn mạnh đến yêu cầu, sự cần thiết của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa. Theo đó, đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ những khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, phát huy chế định dân chủ trực tiếp ở cơ sở.

Đề án cũng cho rằng, hiện nay các đơn vị hành chính tỉnh, huyện và xã đều được điều chỉnh với quy mô nhỏ hơn, phù hợp với đội ngũ cán bộ, công chức, cơ chế quản lý kinh tế-xã hội được đổi mới theo hướng phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương. Những vấn đề quan trọng chi phối sự phát triển của tỉnh do HĐND tỉnh quyết định, những vấn đề cụ thể ở cơ sở, gắn liền với người dân, cộng đồng dân cư do HĐND xã quyết định. Việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường không chỉ tinh gọn được bộ máy chính quyền địa phương mà còn góp phần làm rõ vị trí, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong hệ thống cơ quan Nhà nước nhằm đảm bảo tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính Nhà nước.

Về nội dung “nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã”, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng nhận định, đây là việc làm cần thiết và phù hợp với xu thế mở rộng dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp lựa chọn, giới thiệu và bầu người đại diện cho nhân dân. Nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã sẽ phát huy hơn vai trò dân chủ trực tiếp, đề cao uy tín và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính do nhân dân trực tiếp bầu ra.

Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân

Theo Tờ trình dự án Luật lý lịch tư pháp, Quốc hội do Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, ở Việt Nam trong thực tiễn hơn 10 năm nay, khái niệm “Lý lịch tư pháp” được hiểu một cách chung nhất là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án và tình trạng thi hành bản án đó. Thực tiễn cuộc sống cũng như những yêu cầu mới của pháp luật trong những năm gần đây cho thấy, quản lý lý lịch tư pháp có ý nghĩa ngày càng quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của cá nhân chứng minh nhân thân tư pháp hình sự của mình trong những trường hợp cần thiết, tạo điều kiện cho người bị kết án trong việc xoá án tích, tái hoà nhập cộng đồng, đồng thời góp phần phục vụ các cơ quan trong hoạt động tố tụng, thống kê tư pháp...

Bên cạnh đó, công tác quản lý lý lịch tư pháp đã và đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập lớn. Thứ nhất, về mặt nhận thức, tuy lý lịch tư pháp đã có ở nước ta từ thời Pháp thuộc, nhưng sau một thời gian dài không có nhu cầu của xã hội, đã có sự đánh đồng khái niệm giữa lý lịch tư pháp với căn cước can phạm; sự nhận thức của nhiều người, kể cả những người làm công tác tư pháp, về vai trò, ý nghĩa riêng của lý lịch tư pháp còn hạn chế. Thứ hai, từ năm 1993 đến nay, công tác quản lý lý lịch tư pháp chưa được triển khai một cách toàn diện, đúng tầm. Thứ ba, việc thiếu một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao điều chỉnh một cách toàn diện, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, quản lý lý lịch tư pháp đang là nguyên nhân quan trọng làm hạn chế công tác này… Vì vậy, lý lịch tư pháp cần phải được điều chỉnh bằng một văn bản có hiệu lực cao của Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng tán thành nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Lý lịch Tư pháp. Tuy nhiên, một số ý kiến thành viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội còn băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật vào thời điểm hiện nay, vì cho rằng lĩnh vực này mới chỉ được điều chỉnh bằng thông tư. Vì vậy cần cân nhắc, trước mắt có thể ban hành Nghị định của Chính phủ hoặc Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, qua thực tiễn áp dụng sẽ tổng kết, nâng lên thành luật.

Cần có Bộ luật hình sự phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay

Cũng trong buổi chiều nay, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự do Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trình bày. Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ: Bộ luật hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2000. Kể từ năm 2000 đến nay, Bộ luật hình sự đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, qua 8 năm thi hành, Bộ luật hình sự hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế đòi hỏi phải được khắc phục. Đó là, do ban hành từ năm 2000, nên Bộ luật hình sự chưa thể chế hoá được những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về cải cách tư pháp được thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Một số quy định của Bộ luật hình sự về cấu thành của một số tội phạm (như: các tội phạm về môi trường, các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin) còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này trên thực tế. Một số quy định của Bộ luật hình sự tỏ ra không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới. Bộ luật hình sự hiện hành chưa cập nhật được những hành vi nguy hiểm cho xã hội đòi hỏi phải xử lý về mặt hình sự mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế, nhất là trong một số lĩnh vực như: công nghệ thông tin, chứng khoán, tài chính - kế toán, sở hữu trí tuệ...

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự cho rằng, về cơ bản dự án Luật này đã quán triệt các quan điểm được nêu  trong Nghị quyết số 08/NQ- TƯ và Nghị quyết số 49/NQ-TƯ của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, để bao quát, chặt chẽ hơn cần quán triệt thêm quan điểm: những nội dung được sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo tính dự báo cao, tránh việc sửa đổi, bổ sung nhiều lần; phải phù hợp với xu hướng tiến bộ của pháp luật hình sự trên thế giới; rõ ràng, cụ thể, bảo đảm sự tương đồng, cân đối về mặt chính sách giữa các nội dung đã sửa đổi và nội dung còn lại của BLHS.

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật bồi thường nhà nước.

Sáng mai (4/11), Quốc hội thảo luận ở Tổ về về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất