Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 3/11/2008 22:8'(GMT+7)

Mổ xẻ trách nhiệm bồi thường của cơ quan Nhà nước

ĐB Võ Văn Liêm chất vấn trước QH những vấn đề liên quan đến nông dân, nông thôn. Ảnh: Trí Dũng

ĐB Võ Văn Liêm chất vấn trước QH những vấn đề liên quan đến nông dân, nông thôn. Ảnh: Trí Dũng

 

Hôm nay (3/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Bồi thường Nhà nước. Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Bồi thường Nhà nước đọc trước Quốc hội nêu rõ, từ thực trạng pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra và thực tiễn thi hành cho thấy pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập; chưa đầy đủ và đồng bộ, thiếu cụ thể, thiếu tính khả thi, do vậy, việc ban hành Luật Bồi thường nhà nước là cần thiết. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Bồi thường nhà nước cũng là nhằm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Theo Báo cáo của Chính phủ, những hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra như: hình thức văn bản quy phạm pháp luật quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra có hiệu lực pháp lý không cao; pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra chưa được xây dựng trên quan điểm coi đây là trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói chung mà chỉ coi là trách nhiệm bồi thường của từng cơ quan nhà nước cụ thể (cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại); cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong nhiều trường hợp chưa được xác định rõ và đặc biệt là chưa quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nhà nước khác có liên quan, nên việc giải quyết bồi thường không đạt được kết quả như mong muốn; các loại thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường và nhiều vấn đề liên quan khác được pháp luật quy định không thống nhất, chưa hợp lý, gây bất lợi cho cả cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước lẫn người bị thiệt hại; trách nhiệm hoàn trả của công chức chưa được quy định rõ ràng.

Thảo luận về Dự thảo Luật này, ý kiến của các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung như: Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước; Thời hiệu yêu cầu bồi thường Nhà nước; Thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường; Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.

Quy định rõ trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong vụ án dân sự

Đại biểu Hoàng Văn Minh (đoàn Nghệ An) nêu câu hỏi liệu có sự né tránh hay không khi báo cáo của Chính phủ chỉ đề cập nội dung toà án ra các bản án, quyết định sai do cố ý trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Đại biểu cho rằng, trong lĩnh vực tố tụng hình sự cũng như dân sự, việc cố ý ra bản án trái pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật, như vậy đương nhiên phải bị xét xử và phải bồi thường. Trong lĩnh vực dân sự, việc toà án đưa ra các quyết định sai gây thiệt hại cho người dân không phải là ít, những thiệt hại đó nhiều khi tạo ra các hậu quả xã hội lớn, gây đảo lộn cuộc sống của các gia đình, làm cho quá trình tố tụng bị kéo dài, mất mát lớn hơn chính là niềm tin của người dân với các cơ quan tư pháp bị suy giảm.

Đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật là chưa phù hợp, đề nghị đối với các bản án, quyết định sai gây thiệt hại cho người dân trong các vụ án dân sự cần phải đặt ra vấn đề bồi thường; sai sót đối với người dân phải được giải quyết. Trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong việc giải quyết các vụ án dân sự phải được quy định rõ ràng, minh bạch. Trong tố tụng việc ra các bản án, quyết định không đúng pháp luật dù cố ý hay vô ý, cơ quan Nhà nước đều phải có trách nhiệm bồi thường.

Cần có quỹ bồi thường Nhà nước cấp trung ương

Các ý kiến đại biểu cũng đề nghị phải rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 388 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, các quy định trong luật càng cụ thể càng tốt: ví như cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường, ai bồi thường, cơ quan nào quyết định vấn đề bồi thường nếu có tranh chấp, hay quỹ bồi thường nên để ở đâu, nếu để ở ngân sách Nhà nước thì để ở ngân sách trung ương hay địa phương.

Đa số các đại biểu đều thống nhất cần phải có một quỹ bồi thường riêng của Nhà nước và giao Bộ Tài chính quản lý. Đại biểu Phan Trung Lý (đoàn Nghệ An) kiến nghị không nên phân biệt ngân sách nhà nước trung ương hay ngân sách nhà nước địa phương vì thiệt hại đều do cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức nhà nước gây ra, người dân bị chịu thiệt hại.

Đại biểu Nguyễn Hồng Diện (đoàn Hậu Giang) cho rằng quy định về kinh phí bồi thường để cấp nào gây ra cấp đó phải chịu trách nhiệm bồi thường là chưa hợp lý. Bởi nếu chia về quỹ địa phương, có những tỉnh, thành có điều kiện thì việc bồi thường được tiến hành ngay; nhưng với những tỉnh không có điều kiện thì các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường sẽ tiếp tục vi phạm luật khi không thực hiện bồi thường đúng thời hạn quy định. Nếu như có quỹ bồi thường chung của trung ương, các địa phương sẽ phải có trách nhiệm hơn khi giải quyết vấn đề chứ không để xảy ra tình trạng địa phương cứ làm sai, còn trung ương phải đi bồi thường.

Giải quyết bồi thường trong lĩnh vực hành chính: còn nhiều bất cập

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng nhiều điểm nêu trong dự thảo luật chưa rõ. Điển hình ở lĩnh vực hành chính, chúng ta chưa làm rõ được thế nào là một quyết định hành chính sai, trong khi thời hiệu giải quyết chỉ có 2 năm. Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần có một nguyên tắc để giải quyết bồi thường trong lĩnh vực hành chính cần phải giải quyết được điểm tắc này, trừng nào các thủ tục giải quyết hành chính thì việc bồi thường do các quyết định sai trong lĩnh vực hành chính sẽ còn rất khó. Nếu luật được thông qua, chúng ta phải tính đến được những yếu tố này và thiết kế làm sao cho rõ ràng.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Quyền, đại biểu Mai Xuân Hùng (đoàn Hậu Giang) cho rằng công tác cải cách hành chính hiện nay còn yếu, do đó ngay trong việc xử phạt và áp dụng Luật trong quản lý hành chính cũng nảy sinh những vi phạm. Nhưng nếu trong luật không làm rõ được thế nào là một quyết định hành chính sai thì vấn đề rất khó được giải quyết.

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe các tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Lý lịch tư pháp, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự; nghe các báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội về những dự án Luật này.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu sẽ nghe Tờ trình của Chính phủ về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về Đề án này. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất