Kế thừa truyền thống từ dòng tranh dân gian, các họa sĩ Việt Nam hiện đại như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng… đã cho ra đời những tác phẩm về con lợn bằng kĩ thuật và chất liệu tạo hình hiện đại.
Năm
2019, theo âm lịch là năm Kỷ Hợi, năm lợn theo cách gọi ngoài Bắc và
heo theo cách gọi trong Nam, con vật cuối cùng trong mười hai con giáp.
Lợn là một trong những loài vật nuôi sớm nhất của con người. Từ xưa đến
nay rất hiếm gia đình thuần nông nào lại không nuôi lợn. Nghĩ đến hình
ảnh lợn trong mĩ thuật, người ta thường nghĩ ngay đến dòng tranh dân
gian nổi tiếng như Đông Hồ, Kim Hoàng... với những bức nổi tiếng như Lợn
đàn, Lợn độc, Lợn ăn cây ráy... những bức tranh độc đáo bậc nhất của
dòng tranh này. Con lợn trong tranh dân gian được cách điệu hóa ở từng
hình khối như xoáy âm dương, mắt, tai, chân… nhằm truyền tải triết lí
phương Đông về âm - dương, hòa hợp.
Kế thừa truyền thống từ dòng tranh dân gian, các họa sĩ Việt Nam hiện đại như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm,
Nguyễn Sáng… đã cho ra đời những tác phẩm về con lợn bằng kĩ thuật và
chất liệu tạo hình hiện đại. Tranh lợn của “cụ Phái” vừa đậm chất dân
gian vừa có nét hiện đại. Lợn hiện lên với những chiếc xoáy màu xanh, đỏ
nổi bật trên nền màu vàng. Một sự chơi màu chắc chắn và hợp mắt giữa ba
gam màu cơ bản. Trên mình lợn có vòng xoáy âm - dương ngụ ý sự phát
triển, sinh sôi. Bức tranh lợn biểu tượng sự sung túc, no đủ. Đường nét
uốn lượn tự nhiên, có lúc dồn nét, có lúc giãn nét, hoàn toàn theo cảm
xúc của tác giả.
Bột
màu - một chất liệu vừa dễ lại vừa khó sử dụng - dưới bàn tay tài hoa
của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm chợt biến hóa lạ thường mà bộ tranh mười hai
con giáp là một minh chứng rõ nét. Hầu như con vật nào trong tranh của
ông cũng đều dũng mãnh, uyển chuyển và ngộ nghĩnh. Tranh lợn của họa sĩ
bộc lộ sự gần gũi, thể hiện sự đầy đủ, sung túc với một chú lợn mẹ và ba
chú lợn con xung quanh, chứa đựng hương thơm của quê hương đất nước.
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã bình luận về bức tranh này trên Hà Nội báo số
Tết năm 1936 như sau: “… Tranh Tết “lợn mẹ lợn con” đậm đà hơn cả vì rõ
ràng, ngộ nghĩnh, khờ dại lại là những vẻ đẹp mà hiện thời biết bao nhà
mĩ thuật đang tìm kiếm ở phương Tây…”.
Phạm Viết Hồng Lam là một họa sĩ chuyên về chất liệu bột màu. Có thể nói kĩ thuật sử dụng
bột màu của Hồng Lam rất nhuyễn. Để có thể thành thục và làm cho chất
liệu này lấp lánh trên mặt tranh với những gam màu đậm sắc khi khô là cả
một quá trình lao động công phu, tỉ mẩn. Nhiều nhà phê bình mĩ thuật đã
nhận xét tranh của ông thuộc loại “có số có má” trong giới họa sĩ hiện
đại với chất liệu bột màu ít người sử dụng. Tranh Phạm Viết Hồng Lam là
sự giao thoa giữa dân gian và hiện đại. Một chút Đông Hồ xưa thấp thoáng
pha trộn với một chút phương Tây ở cách phối màu nguyên chất cùng lối
vẽ trang trí không cầu kì, thoải mái, phóng khoáng như quên đi mọi luật
lệ. Tranh lợn của Hồng Lam có sắc tím, đỏ, vàng… là những màu sở trường
của ông. Lợn có mũi thẳng và những nếp nhăn mang nhiều yếu tố trang trí
dân gian. Họa sĩ hướng cây cọ vào con giáp với những nét vẽ trẻ trung và
tinh giản nhất có thể. Con vật qua sắc màu của ông gần gũi, là biểu
tượng của sự hướng thiện, no đủ.
Bên
cạnh những bức sơn dầu, Tào Linh còn mang lại cái lạ trong những bức
tranh mực trên giấy dó. Có thể nói, Tào Linh đã đạt đến độ tinh tế về kĩ
thuật sử dụng với việc khai thác thành công độ loang, độ thấm của mực
trên chất liệu không xa lạ này. Các tác phẩm của Tào Linh giàu tính biểu
hiện với sự phong phú về ý tưởng và đặc biệt khúc chiết trong cách thể
hiện. Họa sĩ từng tâm sự: “Vẽ mà giống hiện thực thì có lẽ không phải
vẽ”. Với các sáng tác trong hai năm trở lại đây, Tào Linh đã cho thấy
một con người đầy đam mê và giàu năng lực sáng tạo. Tranh lợn của họa sĩ
cũng khá đặc biệt. Lợn chỉ độc một con, ngộ nghĩnh, dễ thương với tạo
hình trên khuôn chữ nhật lớn thể hiện sự chắc chắn, đầy đặn trong những
mảng màu mực đậm. Cách họa sĩ dùng chất liệu này cũng rất thú vị, với
động tác hắt lên giấy, màu sẽ được loang ra, thấm dần, nhạt chuyển đậm
như là vô tình mà hoàn toàn nằm trong chủ ý của họa sĩ. Không sử dụng
những hình ảnh phụ trợ như cây ráy, máng lợn vốn đã quá quen thuộc,
tranh lợn của Tào Linh chỉ tập trung vào “nhân vật chính”. Lợn nằm trên
nền giấy dó trắng ngà hay có khi được đặt lên lớp màu đen loang nhẹ
mỏng. Chỉ đơn giản thế mà đầy ý nhị!
Đỗ
Dũng là họa sĩ có tên tuổi trong làng mĩ thuật Việt. Cùng với Phạm Viết
Hồng Lam, họa sĩ vẽ trên chất liệu bột màu với sắc màu lấp lánh đầy ấn
tượng. Tranh lợn của ông cũng mang đậm chất dân gian vùng đồng bằng Bắc
Bộ. Hình ảnh lợn được tác giả khai thác đơn giản, không rườm rà. Lợn
được vẽ đúng lối của miền Bắc với kiểu ăn khoai ráy đặc trưng cùng gam
màu đậm, thắm trên cả hai gam nóng, lạnh của khí hậu nóng ẩm Việt Nam.
Lợn của Đỗ Dũng mạnh khỏe, béo mập, mũm mĩm, hùng dũng như muốn phản ánh cái tốt tay
nuôi của người chủ. Màu sắc lấp lánh thể hiện sự thành thục làm chủ chất
liệu mà không phải ai cũng làm được. Tranh lợn của Đỗ Dũng là bản hòa
sắc đậm chất đồ họa trang trí với một cách diễn hình không nệ thực và sự
khai thác hiệu quả không gian qua từng mảng màu tươi rói.
Văn
Trọng được biết đến như một họa sĩ hay vẽ về lợn. Đây là con vật gắn bó
với gia đình anh từ nhỏ, chính vì thế nó đi vào trong tranh anh như một
kỉ niệm vừa gần gũi vừa mới lạ bằng tất cả sự tự nhiên đã ăn sâu vào
tâm trí. Với lối vẽ biểu hiện bóp méo hiện thực, họa sĩ cho người xem
những đường nét, những mảng gợi về con vật theo cảm xúc tự nhiên của
người xem khi đứng trước tác phẩm. Lợn trong tranh của anh lúc là một
con, lúc là nhiều con, thậm chí cả đàn. Tất cả luôn được tác giả cho
ngập trong những sắc màu. Tranh của Văn Trọng thường có màu sắc sặc sỡ
nhưng không chói mắt do được phối màu một cách khéo léo. Hình của sự vật
bị bóp méo, màu của sự vật cũng nhảy nhót tưởng như vô thức mà lại có
dụng ý, có điều gì đó vừa ngẫu nhiên vừa đầy tính toán, vừa như trẻ con
vẽ mà vừa như người lớn phác họa có ý đồ. Xem tranh Văn Trọng bằng cách
thả lỏng cảm xúc mới có thể bước vào thế giới màu sắc tâm hồn của họa
sĩ.
Con
lợn trong quan niệm văn hóa cổ truyền thuộc dòng âm ôn hòa, nhã nhặn,
hiền lành. Có thể thấy, dù ở thể loại nào hay trên chất liệu gì, qua bàn
tay tài hoa của các họa sĩ Việt Nam, những chú lợn vẫn hiện lên vô cùng
sinh động, đáng yêu, dễ thương với dáng dấp mập mạp, lưng võng cùng
chiếc bụng xệ, mõm ngắn, chân thấp, là biểu tượng của sự no đủ, viên
mãn. Với ý nghĩa tốt đẹp như thế, hình ảnh chú ỉn sẽ còn xuất hiện “dài
dài” trong tranh tết nói riêng và trong mĩ thuật Việt nói chung./.
Đỗ Thị Thu Thủy
(Nguồn: Văn nghệ Quân đội)