Thứ Bảy, 21/9/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Tư, 5/9/2012 17:14'(GMT+7)

Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa (phần tiếp theo)

 

b) Việc nước Pháp nhân danh Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Từ khi ký với triều đình nhà Nguyễn Hiệp ước ngày 06/6/1884, Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khuôn khổ sự cam kết chung đó, Pháp đại diện cho Việt Nam, tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau đây là một số minh chứng chứng cụ thể:

Các pháo hạm của Pháp thường xuyên tiến hành tuần tiễn trong vùng Biển Đông kể cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đề nghị với Paris xây tại đảo Hoàng Sa (Pattle) trong quần đảo Hoàng Sa một cây đèn biển để hướng dẫn các tàu biển qua lại vùng này, nhưng kế hoạch không thực hiện được vì thiếu ngân sách.

Từ năm 1920, các tàu hải quân Đông Dương tăng cường tuần tiễu ở vùng Hoàng Sa để ngăn chặn buôn lậu.

Năm 1925, Viện Hải Dương học Nha Trang cử tàu De Lanessan ra khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa về hải dương học. Ngoài A.Krempf, giám đốc Viện hải dương học, còn có các nhà khoa học khác như Delacour, Jabouille… nghiên cứu về địa chất, về sinh vật… Ngày 3/3/1925, Thượng thư Bộ Binh của Triều đình Huế Thân Trọng Huề lại khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam.

Năm 1927, tàu De Lanessan ra khảo sát khoa học quần đảo Trường Sa.

Năm 1929, phái đoàn Perrier - De Rouville đề nghị đặt 4 cây đèn biển ở 4 góc của quần đảo Hoàng Sa (đảo Tri Tôn, đảo Đá Bắc, đảo Linh Côn, bãi Bom Bay).

Năm 1930, tàu thông báo La Malicieuse tới quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 3/1931, tàu Inconstant ra quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 6/1931, tàu De Lanessan ra quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 5/1932, pháo hạm Alerte ra quần đảo Hoàng Sa.

Từ 13/4/1930 đến 12/4/1933, chính phủ Pháp đã cử các đơn vị hải quân lần lượt ra đóng các đảo chính trong quần đảo Trường Sa: Trường Sa (Spratley), An Bang (Caye d' Amboine), Itu Aba, nhóm Song Tử (groupe des deux iles)405, Loại Ta, Thị Tứ.

Ngày 21/12/1933, thống đốc Nam Kỳ M.j.Krautheimer ký Nghị định sát nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, nhóm Song Tử, Loại ta và Thị Tứ vào địa phận tỉnh Bà Rịa406.

Năm 1937, nhà đương cục Pháp của kỹ sư công chính Ganthier ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu chỗ xây dựng đèn biển, lập bãi thuỷ phi cơ.

Tháng 2/1937, tuần dương hạm Lamotle Piquet do phó đô đốc Istava chỉ huy thăm quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 30/3/1938, vua Bảo Đại ký Dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hại tỉnh Nam Nghĩa đặt vào tỉnh Thừa Thiên.407

Ngày 15/6/1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Năm 1938, chính quyền Pháp dựng bia chủ quyền, xây dựng xong đèn biển, trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Hoàng Sa, trong quần đảo Hoàng Sa, xây dựng trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Itu Aba trong quần đảo Trường Sa.

Ngày 5/5/1939, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định sửa đổi Nghị định ngày 15/6/1938 nói trên và thành lập tại quần đảo Hoàng Sa hai cơ quan đại ký "Croissant và các đảo phụ thuộc", "Amphitrite và các đảo phụ thuộc".

Suốt trong thời gian đại diện Việt Nam về mặt đối ngoại, Pháp luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và phản kháng những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo đó như:

Ngày 4/12/1931 và ngày 24/4/1932, Pháp phản kháng Chính phủ Trung Quốc về việc chính quyền Quảng Đông lúc đó có ý định cho đấu thầu khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 24/7/1933, Pháp thông báo cho Nhật việc Pháp đưa quân ra đóng các đảo chính trong quần đảo Trường Sa, Nhật đã phản kháng nhưng Pháp đã bác bỏ sự phản kháng đó của Nhật. Ngày 4/4/1939, Pháp phản kháng Nhật đặt một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của Nhật.

Trích từ cuốn sách "Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế"
(Còn tiếp)

405 Tức là đảo Song Tử Tây và đảo Song Tử Đông.

406 Các đảo này nay thuộc tỉnh Khánh Hòa.

407 Tỉnh Thừa Thiên nay là tỉnh Thừa Thiên Huế.


Tin, bài liên quan:

*
Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa  (Phần I)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất