Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 15/4/2009 11:7'(GMT+7)

Sẽ thu hồi đất lãng phí của các cơ quan trung ương

Tại sao đợt thu hồi này chỉ nhắm đến mặt bằng lãng phí của một công ty?

Trước đây trong thời kỳ bao cấp, các cửa hàng lương thực được xem là mạch máu của xã hội vì mang lại hiệu quả lớn. Tuy nhiên, khi chuyển sang cơ chế thị trường, hệ thống cửa hàng này không còn hiệu quả. Một số cửa hàng bị bỏ trống, cho thuê lại, cho mượn... thậm chí bị chiếm dụng làm nhà ở.

Việc làm này gây ra lãng phí, đôi khi tiền cho thuê chưa chắc chạy vào ngân sách Nhà nước. Tính đến thời điểm này, đã thu hồi khoảng 50 mặt bằng lãng phí của Tổng công ty Lương thực miền Nam. Tổng  là 15.000 tỉ đồng.

Trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều địa chỉ nhà công, đất công của các Bộ ngành được sử dụng không hiệu quả?

Tất cả những việc này đều là đối tượng kiểm tra của BCĐ 09. Tuy nhiên, phương án đầu tiên là các bộ, ngành này đều phải tự liệt kê và sắp xếp lại các địa chỉ nhà, đất lãng phí theo phương án của mình. Hiện nay, nhiều bộ ngành đã làm tốt việc này.

Mặt khác, BCĐ cũng sẽ quyết liệt tiến hành kiểm tra để báo cáo Chính phủ trong năm nay. Về lâu dài, trong năm Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ một phương án triệt để như: xây dựng cơ quan hành chính tập trung các cơ quan trung ương lại một chỗ. Việc làm này sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn, gần dân hơn, dân có thể liên hệ làm việc dễ dàng hơn… Mặt khác, cũng sẽ tạo ra một quỹ đất lớn cho những công trình xã hội, phục vụ người dân.

Cục Quản lý công sản đánh giá thế nào về hiệu quả của việc sử dụng nhà công, đất công trong thời gian qua?

Chính vì nhiều đơn vị sử dụng lãng phí, không hiệu quả, nên chúng ta mới có quyết định 09. Trên thực tế, triển khai ở Hà Nội và TP.HCM đã tạo ra được hiệu quả lớn. TP.HCM đến nay đã thu hồi được khoảng 10ha nhà công, đất công lãng phí để xây trường học, công viên.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, ở một vài nơi, vài chỗ, hiệu quả triển khai chưa được như mong muốn, bởi tư tưởng níu kéo, ỷ lại, những người đã được hưởng lợi không muốn từ bỏ lợi nhuận… dẫn đến quá trình thu hồi chậm. Chúng tôi sẽ mạnh tay thu hồi, kể cả trường hợp những đơn vị này không chịu, muốn níu kéo…

Có nhiều đơn vị cứ hứa sẽ chuyển đổi công năng, sử dụng có hiệu quả… nhưng rồi không làm, hoặc triển khai chậm. Sẽ xử lý như thế nào?

Dưới góc độ quản lý Nnhà nước, chúng ta phải quyết tâm. Các Bộ, các ngành đa số là quyết tâm. Phải thừa nhận một thực tại là nhiều nơi còn níu kéo, chây ỳ. Ngoài các khó khăn về mặt chủ quan, cũng còn nhiều vướng mắc về trình tự thủ tục xây dựng cơ bản, đặc biệt là vấn đề di dời nhà ở.

Ai cũng biết, nhà ở trong cơ quan, công ty là sai; việc cho thuê, cho mượn 5 – 7m mặt tiền là không đúng quy định, nhưng chúng ta không thể giải quyết được vì vướng vấn đề lịch sử. Do vậy, chúng tôi đang tính tới phải có những cơ chế cụ thể hơn, vừa thuyết phục, vừa tạo điều kiện về quỹ nhà ở, kinh phí để di dời… Tuỳ từng trường hợp, chúng tôi sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xử lý; gia hạn hay chuyển phương án (tái định cư tại chỗ).

Cái được nhất trong thu hồi lần này là...

Cái hay nhất trong đợt thu hồi lần này là phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam đã vui vẻ ký vào biên bản bàn giao mặt bằng. Người thu hồi mừng, người bị thu hồi cũng đồng thuận. Tính chất thu hồi không còn là chế tài nữa, mà đây là sự chuyển giao để tài sản được sử dụng hiệu quả hơn. Những mặt bằng này, sau khi được thu hồi, cũng đã được chuyển giao cho nhiều đơn vị hành chính quản lý và sử dụng.

Đích đến của những khu đất được thu hồi?

37.200m2 với diện tích sử dụng hơn 9.000m2 đất công được thu hồi lần này sẽ được chuyển giao cho một số đơn vị quản lý và sử dụng như: Công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố, UBND các quận/huyện, quỹ Phát triển nhà ở thành phố…

Tuy nhiên, vấn đề mà người dân quan tâm nhất vẫn là: những đơn vị đó sẽ sử dụng quỹ đất trên như thế nào cho hiệu quả, hay lại tái diễn tình trạng “tát bùn sang ao”.

Xin lưu ý, cách đây không lâu (ngày 10/2), thường trực ban chỉ đạo Kiểm kê quỹ đất của các tổ chức ở TP.HCM đã công bố kết quả kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức cũng cho thấy tình trạng lãng phí rất lớn.

Cụ thể, có 348 khu với 1.170ha bị bỏ hoang; 106 khu – 304ha bị lấn chiếm; 285 khu – 78,78ha cho thuê trái phép; 65 khu – 10,76ha cho mượn, thậm chí còn để lấn chiếm 45 khu – 5,33ha.

Trong đó, 285 khu đất cho thuê trái phép đa phần liên quan đến các tổ chức kinh tế (64,33ha), trong đó công ty cổ phần được Nhà nước cho thuê tài sản gắn liền với đất chiếm 52,12ha. Qua kiểm kê cho thấy, đối với 1.170ha đất bỏ hoang, do giá đất được thuê thấp, nên dù bỏ trống, các tổ chức sử dụng đất cũng không thấy áp lực về tài chính. Đối với đất bị lấn chiếm, UBND cấp phường – xã để xảy ra cao nhất với 175ha, kế đến là tổ chức sự nghiệp công – 86,66ha, cơ quan Nhà nước – 36,67ha…

Ngày 7/1, Thanh tra thành phố đã công bố quyết định thanh tra toàn diện quá trình hoạt động của quỹ Phát triển nhà ở thành phố từ thời điểm thành lập cho đến nay. Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM được thành lập ngày 4.8.2004 nhằm góp phần giải quyết khó khăn về vốn, thúc đẩy triển khai nhanh những dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp. Quỹ được ngân sách đầu tư 300 tỉ đồng, nhưng qua nhiều năm lại hoạt động kém hiệu quả, chỉ sử dụng 100 tỉ đồng phục vụ phát triển nhà ở, còn 200 tỉ đồng gửi ngân hàng. 


(Theo Sài Gòn tiếp thị)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất