Ngày 16/11, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) Moussa Faki Mahamat đã ra tuyên bố về tình hình Zimbabwe và kêu gọi các bên liên quan tại nước này giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay phù hợp với các quy định chung của châu lục.
Theo tuyên bố trên, Chủ tịch AUC đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Zimbabwe và hối thúc các bên liên quan giải quyết tình hình hiện tại phù hợp với Hiến pháp Zimbabwe và các quy định liên quan của Liên minh châu Phi (AU), bao gồm Hiến chương châu Phi về dân chủ.
Ông Mahamat nhấn mạnh rằng điều vô cùng quan trọng là cuộc khủng hoảng hiện nay ở Zimbabwe phải được giải quyết trên tinh thần thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, cũng như phát triển kinh tế xã hội của nước này.
Người đứng đầu tổ chức lớn nhất châu Phi cũng khẳng định cam kết của AU trong việc phối hợp chặt chẽ với Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và ủng hộ các nỗ lực của khối này. AU hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma thay mặt cho khối SADC đưa ra trước đó về tình hình Zimbabwe, theo đó kêu gọi tổ chức hội nghị đặc biệt của các nhà lãnh đạo SADC ngay trong ngày 16/11 tại Botswana nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Zimbabwe.
Trước đó, ngày 15/11, Namibia cũng bày tỏ quan ngại về tình hình nước láng giềng Zimbabwe và cho rằng tình hình bất ổn ở quốc gia miền Nam châu Phi có thể gây bất lợi đối với hòa bình, ổn định, dân chủ ở Zimbabwe và khu vực này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Windhoek, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế Namibia Netumbo Nandi Ndaitwah cho biết Chính phủ Namibia đang theo dõi chặt chẽ diễn biến chính trị ở Zimbabwe, đồng thời khẳng định với tư cách là nước láng giềng, quốc gia thành viên của SADC và AU, Namibia và Zimbabwe chia sẻ nguyện vọng chung về hoà bình, phát triển và quá trình dân chủ cho mỗi quốc gia và khu vực.
Bà Ndaitwah nêu rõ hiện tình hình Zimbabwe cơ bản vẫn yên tĩnh và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng hiến pháp, cũng như các thể chế dân chủ ở nước này. Bà Ndaitwah kêu gọi tất cả các bên tuân thủ triệt để các điều khoản, nội dung của Hiệp ước SADC và AU về quản lý nhà nước, nghĩa vụ và trách nhiệm thành viên.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 16/11, Trung Quốc thông báo "chính sách hữu nghị" của nước này đối với Zimbabwe sẽ không thay đổi. Phát biểu tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tại Zimbabwe và hy vọng các bên sẽ tìm được giải pháp hòa bình, ổn định và phù hợp. Người phát ngôn Cảnh Sảng nói: "Chính sách hữu nghị của Trung Quốc với Zimbabwe sẽ không thay đổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển sự hợp tác hữu nghị với Zimbabwe trên theo nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi."
Trong khi đó, cùng ngày, một nguồn tin cho biết Tổng thống Robert Mugabe cùng vợ Grace Mugabe và hai nhân vật chủ chốt thuộc của nhóm chính trị G40 của bà đang bị quản thúc tại gia tại khu Nhà Xanh của ông Mugabe ở thủ đô Harare.
Theo nguồn tin trên, hai quan chức của G40 đầy quyền lực tại Zimbabwe là Jonathan Moyo và Saviour Kasukuwere. Hai quan chức này đã chạy trốn tới khu Nhà Xanh sau khi quân đội giành quyền kiểm soát và tạm giữ Tổng thống Mugabe và vợ Grace Mugabe sau cuộc chính biến diễn ra vào đêm 14/11. Hiện vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào từ Tổng thống Mugabe.
Mặc dù quân đội Zimbabwe tuyên bố họ không tiến hành cuộc đảo chính lật đổ ông Mugabe, song hành động của quân đội được cho là sẽ mở ra một cuộc chuyển giao quyền lực "không đổ máu" tại quốc gia miền Nam châu Phi này./.
(TTXVN)