Trong hai ngày 2-3/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã đi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế biển tại thành phố Đà Nẵng; thăm hỏi, động viên tặng quà các lực lượng thực thi pháp luật và 25 chủ tàu cá của ngư dân Đà Nẵng vừa đánh bắt từ vùng biển Hoàng Sa trở về.
Thăm nơi lưu giữ tàu cá ĐNa 90152 tại khu vực Hợp tác xã đóng tàu Bắc Mỹ An, chứng kiến những vết tích hư hỏng trên thân tàu và lắng nghe vợ chồng chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa kể về sự việc bị tàu Trung Quốc truy đuổi, đâm chìm khi tàu đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, Chủ tịch nước chia sẻ với những mất mát về tài sản của gia đình và biểu dương tinh thần kiên cường của các thuyền viên trên tàu ĐNa 90152 nói riêng và ngư dân Đà Nẵng nói chung.
Chủ tịch nước đã động viên vợ chồng Huỳnh Thị Như Hoa tiếp tục bám biển vươn khơi, xúc tiến việc đóng tàu mới theo kế hoạch; hoàn thiện hồ sơ pháp lý việc khởi kiện tàu Trung Quốc ra tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tích cực tham gia các hội đoàn thể nghề cá để hỗ trợ, bảo vệ nhau trên biển.
Gặp mặt 25 chủ tàu cá vừa trở về sau chuyến đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Chủ tịch nước đã nghe các ngư dân trình bày những khó khăn, thuận lợi trong việc đánh bắt cá trên biển giai đoạn hiện nay.
Ông Lê Văn Chiến, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá 90351, quận Thanh Khê, cho biết, thời gian qua, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và cũng là ngư trường truyền thống của ngư dân Đà Nẵng, miền Trung, tình hình đánh bắt gặp những khó khăn nhất định.
Với ý chí ngoan cường bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn với phát triển kinh tế gia đình, các chủ tàu vẫn vươn khơi sản xuất, góp phần cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tuyên truyền, yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981.
Các ngư dân đề xuất với Chủ tịch nước xem xét, chỉ đạo các cấp, các ngành và các doanh nghiệp tìm thị trường mới, không để đầu nậu ép giá ngư dân; đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn. Việc việc chuyển đổi tàu gỗ thành thành tàu vỏ sắt cần có lộ trình, tránh làm ồ ạt, lãng phí công suất các tàu hiện đang khai thác. Các chủ tàu cũng kiến nghị Nhà nước tăng cường lực lượng thực thi pháp luật để vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vừa bảo vệ ngư dân để yên tâm sản xuất, đánh bắt.
Trước những bức xúc của các chủ tàu về giá cả thu gom hải ngày càng giảm, Chủ tịch nước đề nghị bà con cần phối hợp với Nghiệp đoàn nghề cá và các tổ đội sản xuất, cùng thảo luận hiến kế cho các cơ quan chức năng, để các bên phối hợp được từ khâu đánh bắt, thu mua, tiêu thụ sản phẩm, tạo mối liên hoàn trong sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống ngư dân.
Chủ tịch nước đã đến công trường kiểm tra tiến độ khắc phục tàu kiểm ngư 951 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng, đang neo đậu sửa chữa. Tại Chi đội Kiểm ngư số 3, sau khi nghe lãnh đạo Chi cục Kiểm ngư Vùng 2 báo cáo tình hình và kết quả thực thi pháp luật trên biển. Chủ tịch nước biểu dương và đánh giá cao những hoạt động của lực lượng Kiểm ngư trong hai tháng qua đã nỗ lực quả cảm, kiên trì, bình tĩnh đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Thăm các chiến sỹ thuộc Cảnh sát biển vùng 2 và cán bộ công nhân Tổng Công ty Sông Thu thuộc Bộ Quốc phòng; Chủ tịch nước nghe lãnh đạo các đơn vị báo cáo tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo sau hơn 2 tháng đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép.
Nhờ sự phối hợp tốt giữa lực lượng thực thi pháp luật và người lao động của doanh nghiệp, việc khắc phục sửa chữa phương tiện hư hại; bảo đảm kỹ thuật cho các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư được đảm bảo thông suốt; tiến độ đưa tàu trở lại hoạt động nhanh; góp phần đấu tranh hiệu quả thường xuyên liên tục trên biển.
Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo Cục Kiểm ngư, Cảnh sát biển cần đảm bảo tốt đời sống cho cán bộ, đặc biệt là đội ngũ đang trực tiếp đấu tranh tại thực địa để họ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chủ tịch nước khẳng định, hậu thuẫn cho lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển là hơn 90 triệu dân Việt Nam và kiều bào cùng sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Do vậy, mặc dù dự báo tình hình có thể diễn biến phức tạp nhưng Đảng, Nhà nước luôn tin tưởng các lực lượng thực thi pháp luật tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ghi nhận những kiến nghị của lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư về tăng cường nhân lực, đầu tư trang thiết bị, Chủ tịch nước cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xem xét để hỗ trợ, giúp các lực lượng thực thi pháp luật làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chủ tịch nước ghi nhận những thành tích của cán bộ công nhân quốc phòng đã phục vụ tốt yêu cầu sửa chữa, đóng mới các phương tiện cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư; đồng thời góp phần cải thiện đời sống cho người lao động, tăng cường xuất khẩu tích lũy nguồn lực kinh tế cho đất nước.
Chủ tịch nước căn dặn, khi được tham gia chương trình hỗ trợ gói đầu tư 16.000 tỷ cho cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân, lãnh đạo đơn vị cần chỉ đạo phối hợp để đáp ứng nhanh tình hình; đảm bảo đồng vốn được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố, Chủ tịch nước đã nghe báo cáo tình hình về tình hình phát triển kinh tế biển; xây dựng hạ tầng cảng biển và kinh tế hàng hải.
Chủ tịch nước đánh giá cao trong bối cảnh khó khăn chung thành phố Đà Nẵng vẫn duy trì được đưa tốc độ GDP đạt 15%, cao hơn mặt bằng chung. Mặc dù 2 tháng qua, do tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhưng với sự hỗ trợ kịp thời ngư dân Đà Nẵng vẫn tích cực bám biển, số tàu khai thác và số chuyến biển của mỗi tàu tăng đưa tổng sản phẩm khai thác hải sản tăng 2,5%.
Chủ tịch nước cho rằng; trong quá trình phục hồi đà tăng trưởng, với những thế mạnh vốn có, Đà Nẵng cần dồn sức cùng cả nước, góp phần cùng cả nước thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh.
Trước những đề xuất của đại diện các ban ngành lãnh đạo thành phố về thực hiện chương trình kinh tế biển, Chủ tịch nước đề nghị trên cơ sở chủ trương hoạch định sẵn có, Đà Nẵng nên tính toán để phân bổ nguồn lực hợp lý đồng thời đạt hai mục tiêu: vừa giúp ngư dân nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Về gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, Chủ tịch nước khẳng định, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, chủ trương của Đảng, Nhà nước là tạo mọi điều kiện để ngư dân phát triển phương tiện, yên tâm đánh bắt dài ngày, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời điểm này là lúc tìm mọi cách nhanh chóng thực thi hiệu quả chương trình. Các Bộ ngành, thành phố cần sớm hoàn tất thủ tục để trợ giúp ngư dân. Trước tình hình diễn biến nhanh và phức tạp, các hoạt động ứng phó cần làm nhanh, không để bị động, tránh lặp lại những hạn chế bất cập đã được nhận diện. Bên cạnh đó Nhà nước từng bước triển khai đưa công nghệ chế biến hải sản đến với ngư dân, tạo ra chuỗi liên kết, mở rộng thị trường để giải quyết những kiến nghị của thành phố nói riêng, các tỉnh thành cả nước nói chung.
Góp ý về hướng phát triển kinh tế biển cho Đà Nẵng, Chủ tịch nước gợi mở, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng lợi thế. Kết quả thực hiện vừa rồi là khá tốt nhưng còn nhiều dư địa. Thời gian tới, Đà Nẵng cần tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ ngành để khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên và xã hội nhằm nâng cao tỷ trọng kinh tế biển trong cơ cấu kinh tế.
Về những thí điểm của thành phố về cảng biển, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trước mắt Đà Nẵng cần nỗ lực đẩy mạnh phát triển để có thị trường, có hàng hóa lưu thông, thu hút được nguồn lực giao thương hội nhập mạnh mẽ; từ đó mở ra các cơ hội để thực hiện thành công tác mô hình giao thông, thương mại, du lịch kết hợp.
Xung quanh việc phát triển đô thị, Chủ tịch nước khẳng định, hiện Đà Nẵng là điểm sáng đi đầu cả nước. Thành phố cần sử dụng tốt hiệu quả nguồn ngân sách, vốn vay ODA để xây dựng thành phố khang trang sạch đẹp hơn.
Nằm trong ngư trường trọng điểm của miền Trung, thời gian qua, thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Hạ tầng dịch vụ thủy sản hậu cần nghề cá được Thành phố xây dựng tương đối hoàn chỉnh, khép kín tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang với sức chứa 800-1000 tàu, gồm các cơ sở: chợ đầu mối, đóng sửa tàu thuyền, cung ứng xăng dầu, chế biến hải sản.
Thành phố đã hỗ trợ ngư dân lãi vay cho 24 chủ phương tiện tàu thuyền; hỗ trợ lệ phí bảo hiểm thuyền viên cho 8000 lượt thuyền viên với kinh phí 500 triệu đồng. Sau 2 năm triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá có công suất 400 CV trở lên, thành phố đã vận động ngư dân đóng được 12 tàu với tổng số tiền quy định 11 tỷ đồng.
Từ năm 2007-2012, thành phố đã nâng cấp cảng Tiên Sa với trang thiết bị khang trang hiện đại để trở thành cảng container, cảng trung chuyển của khu vực; phát triển cảng tổng hợp Thọ Quang; xây dựng cảng Sơn Trà, Trung tâm Logistics tại huyện Hòa Vang; đầu tư hoàn thiện tuyến đường phục vụ vận tải hàng hóa qua cảng nhằm nâng cao khả năng thu hút hàng hóa vào cụm cảng Đà Nẵng; phát triển đội tàu vận tải biển trọng tải lớn để thực hiện chức năng vận chuyển hàng hóa lớn.
Về hạ tầng du lịch biển, Đà Nẵng đã triển khai 68 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư 8 tỷ USD; hoàn thiện 40 km đường ven biển góp phần hình thành các khu dân cư mới; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thành phố tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu và góp phần làm nên thành công các sự kiện quốc gia và quốc tế. Đà Nẵng được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh; thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị lãnh đạo Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ để phát triển cảng Đà Nẵng thành cảng container hiện đại của khu vực; là cảng cửa ngõ hành lang kinh tế Đông - Tây; thực hiện dự án đầu tư trung tâm nghề cá Đà Nẵng với ngư trường trọng điểm Biển Đông và Hoàng Sa đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; nâng cấp cảng cá Thọ Quang thành cảng cá loại 1 cấp quốc gia; điều chỉnh địa giới huyện Hòa Vang để thành lập 2 quận mới./.
TTXVN