Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 16/7/2009 10:54'(GMT+7)

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Việt Nam coi trọng mối quan hệ với Phong trào Không liên kết


Hội nghị năm nay có sự tham dự của 118 đoàn đại biểu các nước thành viên NAM ở khắp các châu lục, cùng đại diện của khoảng 30 quốc gia và tổ chức quan sát viên. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu Ðoàn Việt Nam dự Hội nghị.

Chủ tịch đương nhiệm NAM, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba Raul Castro đã tuyên bố khai mạc Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 15.

Trình bày báo cáo tóm tắt về hoạt động của Chủ tịch NAM trong giai đoạn 2006 - 2009, Chủ tịch Raul Castro nhấn mạnh, với vai trò là nước Chủ tịch NAM, Cuba đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các nước thuộc Phong trào, cũng như tích cực cùng với các nước thành viên thảo luận giải quyết các vấn đề của khu vực, quốc tế như khủng hoảng tài chính, xung đột, vấn đề hạt nhân, biến đổi khí hậu, nhân quyền, văn hóa và tôn giáo. NAM ngày càng có tiếng nói trên diễn đàn quốc tế và được ghi nhận trong các quyết định, nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ). Chủ tịch Raul Castro kêu gọi tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên NAM để đối phó với những thách thức hiện tại và tương lai, cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Tiếp đó, Chủ tịch Raul Castro tuyên bố việc bầu Tổng thống Ai Cập Mohamed Hosny Mubarak làm Chủ tịch Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 15.

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 15, Tổng thống Mohamed Hosny Mubarak khẳng định, với vai trò là nước Chủ tịch luân phiên của NAM trong ba năm tới, Ai Cập sẽ nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của NAM, tăng cường thực hiện các mục tiêu, tuyên bố và sáng kiến của Phong trào một cách rõ ràng, nỗ lực cao nhất để thúc đẩy lợi ích chung, hợp tác với tất cả các nước thành viên, hỗ trợ nâng cao vai trò và vị thế của NAM trên trường quốc tế.

Tổng thống Mubarak điểm lại những thách thức mà NAM phải đối mặt và sự cần thiết phải có kế hoạch đối phó; đồng thời đề cập những vấn đề nóng ở các khu vực và quốc tế hiện nay, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, khủng hoảng lương thực, năng lượng, vấn đề an ninh, hòa bình, ổn định ở Trung Ðông và các nước thuộc Phong trào. Trong ba năm tới, Ai Cập sẽ thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của NAM để đối phó với những thay đổi toàn cầu và cùng với các nước thành viên tìm giải pháp hợp tác và đối phó.

Tổng thống Mubarak kêu gọi tăng cường hợp tác, đối thoại quốc tế trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam. Ông nhấn mạnh, hòa bình và phát triển là mục tiêu của NAM. Con đường để đạt được mục tiêu này là tăng cường đảm bảo quốc tế, hợp tác xây dựng giữa tất cả các nước.

Trong phiên khai mạc, Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 15 đã dành một phút mặc niệm các nhà lãnh đạo quốc gia NAM đã qua đời từ sau Hội nghị Cấp cao NAM lần thứ 14 năm 2006. Các đại biểu cũng đã nghe tham luận của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun, đại biểu một số tổ chức và khu vực.

Chiều 15-7, phát biểu trong Phiên thảo luận chung của Trưởng đoàn đại biểu các nước thành viên dự Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 15, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh chủ đề "Ðoàn kết quốc tế vì hòa bình và phát triển" của hội nghị lần này thể hiện mong muốn hòa bình của NAM, một trong những phong trào phấn đấu vì hòa bình lớn nhất của thời đại. Các nước đang phát triển luôn là nạn nhân của chiến tranh, xung đột, chính sách cường quyền. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, trên thế giới đã xảy ra hàng trăm cuộc chiến tranh, xung đột, và tuyệt đại đa số đều diễn ra ở các nước đang phát triển. Thấu hiểu những đau thương, mất mát của chiến tranh, dân tộc Việt Nam ý thức sâu sắc về giá trị của độc lập, tự do, giá trị của hòa bình. Việt Nam cực lực lên án các cuộc chiến tranh xâm lược, vì đó là các cuộc chiến tranh phi nghĩa, là tội ác, đặc biệt lên án những thế lực gây ra chiến tranh.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi NAM cần tăng cường đoàn kết hơn nữa để cùng nhau phấn đấu cho những mục tiêu cao cả trên cơ sở kiên trì các nguyên tắc của Phong trào. Ðó là các nguyên tắc tôn trọng bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ, tăng cường hữu nghị, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực nhằm sớm có giải pháp hòa bình cho các bất đồng quốc tế và xung đột khu vực. Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HÐBA LHQ), Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho việc góp phần ngăn ngừa xung đột, giải quyết một cách hòa bình các cuộc tranh chấp; kiên trì lập trường là HÐBA LHQ cần hoạt động phù hợp với Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của các nước NAM là ủng hộ quyền con người như những giá trị phổ cập của nhân loại. Việt Nam cho rằng, không có một mô hình dân chủ duy nhất đối với mọi quốc gia, phản đối việc sử dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền làm công cụ chính trị can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, coi đó là biểu hiện của chủ nghĩa thực dân, vi phạm thô bạo quyền con người cơ bản nhất là quyền dân tộc tự quyết và cản trở hợp tác quốc tế trên cơ sở đối thoại, tôn trọng lẫn nhau.

Chủ tịch nước đề nghị các nước NAM tăng cường phối hợp lập trường chặt chẽ hơn nữa tại LHQ và các thể chế quốc tế khác để triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu, chống chủ nghĩa bảo hộ, cải cách hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế, hỗ trợ nguồn lực và tạo thêm các điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực ứng phó khủng hoảng, thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ ở các nước đang phát triển. Hợp tác Nam - Nam cần đi vào các hoạt động thiết thực, mở rộng quan hệ thương mại, sử dụng các cơ chế xử lý chung về tài chính, tiền tệ giữa các nước đang phát triển trong khuôn khổ khu vực và liên khu vực, trao đổi kinh nghiệm về xử lý những thách thức mới trong quá trình phát triển. Việt Nam ủng hộ sự tham gia tích cực của NAM vào quá trình trao đổi, thương lượng để xây dựng các chiến lược, chương trình và cơ chế quốc tế vì sự phát triển bền vững thông qua việc đồng thời xử lý thách thức của khủng hoảng năng lượng, lương thực, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, qua hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Việt Nam đã thực hiện có kết quả chính sách đối ngoại cởi mở, từ đó mở rộng quan hệ với tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong nhiều năm, thu được nhiều tiến bộ về xóa đói, giảm nghèo, phát triển xã hội và thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Việt Nam coi trọng mối quan hệ với NAM. Trên tinh thần đoàn kết và hợp tác vì lợi ích chung, Việt Nam chú trọng mở rộng quan hệ kinh tế, triển khai các hình thức giúp đỡ lẫn nhau với các nước NAM trong các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, y tế, giáo dục và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm phát triển, trong đó có các biện pháp đối phó khủng hoảng kinh tế - tài chính, duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

* Bên lề Hội nghị NAM 15, ngày 15-7, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Ðộ Manmohan Singh và Thủ tướng Phần Lan Matti Vanhanen.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Ðộ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Manmohan Singh bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển đáng khích lệ của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trên tất cả các mặt, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, đến khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng Thủ tướng Manmohan Singh được bầu lại làm Thủ tướng Ấn Ðộ, chúc mừng Ấn Ðộ duy trì được đà tăng trưởng kinh tế cao, đạt nhiều thành tích về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước đề nghị hai nước cần đẩy mạnh trao đổi ở cấp cao thông qua các chuyến thăm song phương và gặp gỡ bên lề các hội nghị quốc tế; tiến hành các cuộc đối thoại chiến lược và tham khảo chính trị mà hai bên đã thỏa thuận; tăng cường phối hợp trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có hợp tác ASEAN - Ấn Ðộ, cấp cao Ðông Á, hợp tác sông Hằng - sông Mê Công, hợp tác Á - Âu, Phong trào Không liên kết...

Trong cuộc gặp Thủ tướng Phần Lan Matti Vanhanen, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị để tăng cường hợp tác hơn nữa, chính phủ hai nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hàng hóa thâm nhập thị trường của nhau; tận dụng cơ hội và tiềm năng để thúc đẩy thương mại hai chiều và đầu tư của Phần Lan vào Việt Nam. Những năm qua, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Phần Lan phát triển tích cực, kim ngạch tăng nhanh, tuy nhiên khối lượng và giá trị còn hạn chế; vốn FDI của Phần Lan vào Việt Nam còn khiêm tốn (hơn 60 triệu USD)./.

(Theo: Nhân dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất