Ngày 13/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia người cao tuổi đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành và Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, người cao tuổi nước ta đã được hưởng chính sách bảo trợ xã hội tăng cả về số lượng và mức hỗ trợ.
Tính đến ngày 10/2/2012, cả nước hiện có 1.071.032 người cao tuổi (trên 80 tuổi) đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với mức thấp nhất là 180.000 đồng/tháng (tăng 1,32 lần so với năm 2010). Số người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng là 948.111 người.
Một số địa phương đã nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên trên 200.000 đồng/người/tháng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu. Riêng tỉnh Bắc Ninh đã hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.
Bảo hiểm y tế cho người cao tuổi được chú trọng tạo điều kiện cho người cao tuổi có cơ hội được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Hoạt động mừng thọ người cao tuổi được duy trì và phát huy trên toàn quốc và trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc người cao tuổi vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn còn việc người già có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được hưởng trợ cấp xã hội. Theo điều tra gần đây chỉ có 9% người cao tuổi là khỏe mạnh, không bệnh tật. Còn lại người cao tuổi đều có bệnh hoặc mắc nhiều bệnh nặng với chất lượng cuộc sống còn nhiều hạn chế. 70% người cao tuổi Việt Nam đang phải sống trong nhà tạm.
Nhiều người cao tuổi còn bị lợi dụng, bị ép đi làm ăn xin kiếm tiền hoặc một số địa phương còn hiện tượng con cháu thiếu trách nhiệm đối với cha mẹ già. Người cao tuổi nghèo ở các vùng khó khăn rất khó tiếp cận các dịch vụ y tế, giao thông, văn hoá tinh thần, không ít người cao tuổi nghèo còn sống trong nhà tạm hoặc sống lang thang, không nhà ở…
Chính sách miễn giảm phí giao thông mới chỉ áp dụng cho người cao tuổi khi sử dụng các phương tiện giao thông của Nhà nước, trong khí phần lớn các phương tiện vận tải hiện nay đều do tư nhân sở hữu. Riêng hệ thống xe buýt được người cao tuổi sử dụng nhiều nhất vẫn chưa có cơ chế miễn giảm phí đối với nhóm đối tượng này.
Cho ý kiến về một số yêu cầu cấp bách về chế độ chính sách đối với người cao tuổi, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề án thí điểm về xây dựng nhà ở cho người cao tuổi thuộc diện khó khăn, neo đơn. Phấn đấu năm 2013 bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi trong lĩnh vực đời sống tinh thần, văn hóa; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền về người cao tuổi đạt hiệu quả cao hơn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế tổ chức khám bệnh cho người cao tuổi tối thiểu 1 lần/năm. Có chương trình tuyên truyền để phổ biến kiến thức đối với 2 bệnh huyết áp và đái tháo đường đối với người cao tuổi.
Phó Thủ tướng ủng hộ chương trình “Chăm sóc đôi mắt cho người cao tuổi” của Hội người cao tuổi Việt Nam. Đồng thời, Hội người cao tuổi ở cấp cơ sở cần sớm xác định tiêu chí đánh giá công tác chăm sóc người cao tuổi để làm căn cứ giám sát và đánh giá.
Trong tháng 3/2012, Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức bố trí cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách ở cấp tỉnh để thực hiện các công tác liên quan đến người cao tuổi./.
(Cổng TTĐTCP)