Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” với sự tham gia của 18 trường đại học, cao đẳng trong cả nước, được triển khai thực hiện từ năm 2008.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, mục tiêu chung của Đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ học, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020, ngoại ngữ phải trở thành thế mạnh của sinh viên Việt Nam trong học thuật, giao tiếp, nghiên cứu.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của đề án không hề dễ dàng bởi hiện trạng dạy và học ngoại ngữ hiện nay tại các trường còn vấp phải nhiều bất cập, yếu kém.
Ông Nguyễn Vinh Hiển còn cho hay, có một thực tế là hiện nay, mức độ sử dụng ngoại ngữ được của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp là rất thấp. Vì vậy, thực hiện Đề án cần phải đảm bảo chất lượng. Muốn làm được điều này, nhất thiết đội ngũ giáo viên phải đủ năng lực về ngoại ngữ và năng lực sư phạm. Công tác kiểm tra, đánh giá cũng sẽ thay đổi theo hướng đánh giá được cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết thay vì chỉ dừng lại chủ yếu ở kỹ năng viết - nghe như hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, phương pháp giảng dạy cần phải có sự điều chỉnh tùy theo trình độ, đối tượng sinh viên. Mục tiêu cuối cùng cần đạt được là sinh viên khi tốt nghiệp phải sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ chúng ta mong muốn. Chính vì vậy, theo ông Ga, việc đào tạo giáo viên tại các trường đại học, cao đẳng là một yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của Đề án. Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị cho việc học ngoại ngữ cũng cần thay theo đó, phải nghiên cứu để sử dụng những công cụ hiện đại, linh hoạt giúp sinh viên – học sinh có thể phát huy hết khả năng của mình.
Đối với 18 trường đại học, cao đẳng tham gia Đề án phải đảm bảo lực lượng giảng viên đủ về cả số lượng lẫn năng lực ngoại ngữ, sư phạm để bồi dưỡng giáo viên cho các trường phổ thông và giáo viên tiếng Anh tiểu học ở các trường thực hành sư phạm…
Tai hội nghị, đại diện các trường cũng nêu nhiều kiến nghị, góp ý về Đề án: xây dựng khung năng lực ngoại ngữ cho người Việt; soạn sách hướng dẫn về yêu cầu cụ thể của từng trình độ; tổ chức tập huấn cho giáo viên về chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá...
Theo Chinhphu.vn