Việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động sẽ được nghiên
cứu kỹ lưỡng trước khi đề xuất xin chủ trương thí điểm triển khai. Trước
mắt, sẽ xây dựng đề án thí điểm với một số trường đại học và trường
THPT có đủ điều kiện, chưa xem xét thí điểm với giáo viên mầm non, tiểu
học, THCS và những nơi chưa bảo đảm điều kiện thí điểm triển khai.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi họp
với các đơn vị liên quan về việc triển khai nhiệm vụ chuẩn bị đội ngũ
giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới diễn ra chiều 6/6.
Trước nhiều luồng dư luận trong những ngày qua về đề xuất thí điểm
chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động, Bộ trưởng Phùng
Xuân Nhạ khẳng định, dù là ý kiến đồng thuận hay trái chiều thì cũng đều
là những thông tin quan trọng, bổ ích đối với Bộ trong quá trình cụ thể
hóa đề xuất này.
Theo Bộ trưởng Nhạ, trong lộ trình tổ chức thực hiện Nghị quyết
29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT
đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó có đổi mới công tác thi
cử, đổi mới chương trình sách giáo khoa. Để thực hiện hiệu quả chương
trình mới, cần phải đổi mới đồng bộ các điều kiện bảo đảm chất lượng,
trong đó có đội ngũ giáo viên.
Khi nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên,
ngành giáo dục đã đặt ra vấn đề áp dụng chế độ viên chức đối với giáo
viên như hiện nay liệu còn phù hợp không trong bối cảnh nghề giáo có
nhiều đặc thù, thu nhập của giáo viên chưa được cải thiện, một bộ phận
giáo viên thiếu động lực phấn đấu, tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo
viên đang ngày càng phổ biến... “Chính vì thế, chúng tôi đã đặt ra vấn
đề đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao
động”, Bộ trưởng Nhạ cho hay.
Bộ trưởng cũng một lần nữa khẳng định, chất lượng đội ngũ nhà giáo
đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trên
thực tế, bên cạnh nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết
với nghề thì cũng còn một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay có tư
tưởng dựa vào “biên chế” để yên tâm ổn định lâu dài, thiếu động lực phấn
đấu dạy tốt. Có tình trạng giáo viên dù dạy không tốt nhưng vì có “thâm
niên” lâu năm nên lương vẫn cao, trong khi đó những người mới ra trường
dù dạy tốt lương vẫn thấp. Những bất cập này cần sớm được khắc phục.
“Để xóa bỏ được quan niệm về “biên chế” với sự ổn định lâu dài trong
đội ngũ giáo viên không phải là việc có thể làm được ngay. Nhưng tạo ra
một lối suy nghĩ khác trong đội ngũ giáo viên - coi năng lực, trình độ
là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định,
tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, qua đó được hưởng đãi ngộ xứng đáng là
việc cần phải làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sẽ nghiên cứu kỹ trước khi thí điểm
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, việc thí điểm chuyển dần viên
chức giáo viên sang hợp đồng lao động là vấn đề lớn, có tác động đến
hơn một triệu thầy cô giáo. Bộ GD&ĐT ý thức rõ việc này, do vậy sẽ
phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ trước khi
đề xuất xin chủ trương thí điểm triển khai.
Trước mắt, sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần
viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học
và một số trường THPT có đủ điều kiện; chưa xem xét thí điểm việc
chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm
non, tiểu học, THCS và những nơi chưa bảo đảm các điều kiện thí điểm
triển khai, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu,
vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, khi nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm, phải
nghiên cứu các giải pháp để giải quyết thỏa đáng các vấn đề mà dư luận
băn khoăn như chính sách đặc thù đối với giáo viên đang công tác ở vùng
sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chế độ tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp
thất nghiệp; cơ chế kiểm soát quyền lực của hiệu trưởng...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh rằng: "Dù chính sách có thế nào
thì chúng ta đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, thu nhập và bảo
đảm công bằng đối với tất cả các nhà giáo".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo
dục làm đầu mối tổ chức khảo sát, nghiên cứu kỹ để xây dựng đề án đề
xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động. Sau
khi hoàn thành đề án, kịp thời thông tin trên các phương tiện truyền
thông để giáo viên và các tầng lớp nhân dân được biết./.
Theo chinhphu.vn