Ngày 10/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ
chức Lao động Quốc tế (ILO), Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia
(Australian Aid) tổ chức Cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn Lao
động di cư ASEAN (AFML) lần thứ 11.
Diễn đàn AFML lần thứ 11 là hoạt động thường niên được tổ chức tại nước
chủ nhà ASEAN trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban ASEAN thực hiện Tuyên
bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao
động di cư.
Diễn đàn AFML năm nay diễn ra tại Singapore từ 29-30/10/2018 với chủ đề
"Số hóa nhằm thúc đẩy việc làm bền vững cho người lao động di cư trong
ASEAN," tập trung vào hai nội dung chính: "Số hóa trong việc quản lý lao
động di cư" và "Các dịch vụ số hóa cho người lao động di cư".
Theo nhiều đại biểu, việc sử dụng công nghệ số đang ngày càng phổ biến
trên thế giới tại hầu hết các lĩnh vực. Trong lĩnh vực việc làm, công
nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền của
người lao động di cư.
Sử dụng công nghệ số có thể giúp người lao động di cư đưa ra các quyết
định nhanh chóng, hiệu quả, giúp hiểu rõ hơn về quyền của họ.
Trong thực tế, công nghệ số mang lại một nền tảng trực tuyến giúp người
lao động di cư đánh giá, xếp hạng các cơ quan tuyển dụng và người sử
dụng lao động; giúp họ so sánh các mức phí chuyển đổi ngoại tệ khi có
mong muốn gửi tiền về gia đình; kết nối người lao động di cư nhằm chia
sẻ thông tin hoặc tham vấn ý kiến, tăng cường thông tin, tiếp cận các
dịch vụ tư pháp, thúc đẩy tính minh bạch về dữ liệu của người lao động
di cư, người sử dụng lao động và các bên liên quan.
Nhiều chính phủ trong khu vực ASEAN đã xây dựng các nền tảng số hóa nhằm
quản lý lao động di cư; cung cấp các dịch vụ liên quan đến áp dụng số
hóa.
Các dịch vụ bao gồm đào tạo trước khi xuất cảnh cho người lao động, cấp
thẻ thông minh cho người lao động di cư trước khi đi, tại nơi đến, sau
khi về nước nhằm giúp người lao động tiếp cận bảo hiểm xã hội và các
dịch vụ khác...
Tuy nhiên, bên cạnh những tác dụng mang lại, công nghệ cũng tiềm ẩn
nhiều rủi ro, hạn chế. Công nghệ số đặt ra thách thức đối với tính bảo
mật, quyền riêng tư và vấn đề bảo vệ dữ liệu.
Thêm vào đó, việc sử dụng công nghệ Internet cũng bị hạn chế tại một số
khu vực khi đường truyền kết nối Internet yếu, ảnh hưởng đến công việc.
Do đó, tận dụng kỹ thuật số nhằm thúc đẩy các quyền của người lao động
di cư, thúc đẩy việc làm bền vững đáp ứng yêu cầu nâng cao sự hiểu biết
về số hóa cũng như sự hiểu biết về thay đổi nhanh chóng đối với tương
lai việc làm.
Với 7 phiên làm việc, các đại biểu dự họp đã tập trung rà soát các hoạt
động cấp quốc gia trong việc triển khai khuyến nghị của các Diễn đàn
AFML trước đây; thảo luận chủ đề, đề xuất các khuyến nghị của Việt Nam
làm cơ sở cùng các quốc gia thành viên đưa ra các khuyến nghị tại Diễn
đàn AFML lần thứ 11 sắp tới./.
(TTXVN)