Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 23/9/2009 8:13'(GMT+7)

Chuẩn bị cho Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai:Gia Lai náo nức đợi bạn

Các nghệ nhân ở làng Ôr- xã Kông Lơng Kơng (thị trấn Kbang) tập lễ mừng năm mới và lễ đâm trâu

Các nghệ nhân ở làng Ôr- xã Kông Lơng Kơng (thị trấn Kbang) tập lễ mừng năm mới và lễ đâm trâu

Sau hai chặng bay (Hà Nội- Đà Nẵng và Đà Nẵng- Pleiku), đặt chân tới sân bay Pleiku chúng tôi ngay lập tức được đón chào với dòng chữ: Chào mừng Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai. Đón chúng tôi tại sân bay, ông Nguyễn Thái Hoà- Giám đốc Công ty Cảng Hàng không Pleiku cho biết: hiện sân bay Pleiku đón 3 chuyến bay mỗi ngày: một chuyến từ Đà Nẵng và hai chuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Sắp tới trong thời gian diễn ra Festival, Tổng Công ty Hàng không VN dự kiến sẽ tăng gấp đôi số chuyến bay tới Pleiku, có thể đón tiếp từ 600 đến 1.000 khách mỗi ngày. Đặc biệt, trong dịp Festival sẽ có chuyến bay thẳng Hà Nội-Pleiku. Đó thực sự là một thông tin vui với những ai yêu nghệ thuật cồng chiêng và mong muốn được tham gia các hoạt động của Festival.

Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai là một hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của không gian văn hoá cồng chiêng Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung theo tinh thần Chương trình hành động bảo tồn, phục hồi giá trị của kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại "Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên". Lễ hội cũng là hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong tỉnh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội; quảng bá đất nước và con người Gia Lai với bạn bè trong nước và quốc tế.

Ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch mời 34 tỉnh, thành có cồng chiêng tham gia và thông qua Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch mời 5 nước trong khu vực cùng chung vui. Lần đầu tiên, Gia Lai đón tiếp khoảng 3.000 người tham gia lễ hội, vì vậy công việc chuẩn bị cần hết sức tỷ mỷ và chu đáo. Tỉnh Gia Lai phối hợp chặt chẽ với 4 tỉnh bạn ở khu vực Tây Nguyên để làm toát lên các giá trị của Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

Cùng với lễ khai mạc và bế mạc ngày hội sẽ được dàn dựng công phu, trong những ngày diễn ra lễ hội còn diễn ra hàng chục hoạt động phong phú như: trình diễn cồng chiêng, thi chỉnh chiêng, thi tạc tượng, phục dựng các lễ hội: đón năm mới (có tổ chức đâm trâu), lễ Pơthi (Bỏ mả), hội thảo về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, xúc tiến đầu tư và triển lãm…

Còn hơn một tháng rưỡi nữa Festival mới khai mạc, nhưng công việc chuẩn bị cho lễ hội rất khẩn trương. Nhiều khu vực của thành phố Pleiku đang được chỉnh trang để phục vụ cho các hoạt động của Festival. Đặc biệt là khu vực trước Quảng trường 17/3 đang được san ủi, xây dựng để làm sân khấu, triển lãm và nhiều hoạt động khác. Bảo tàng Mỹ thuật tỉnh và công ty du lịch đều có kế chuẩn bị thêm lực lượng và các sản phẩm du lịch để chào đón khách du lịch tới tham quan. Nhiều tour du lịch hấp dẫn đã được xây dựng…

Tại các thôn, làng của Gia Lai, không khí chuẩn bị cho Liên hoan rất khẩn trương. Cán bộ văn hoá của xã, của huyện cùng các nghệ nhân tập luyện biểu diễn cồng chiêng; tập luyện cho việc phụng dựng các lễ hội như: đón năm mới, Pơthi… Tiếng trống, tiếng cồng chiêng âm vang thôn làng, rộn rã tiếng bước chân của các chàng trai, các thiếu nữ…

Các cơ sở dệt thổ cẩm, sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống và hàng lưu niệm cũng đang chuẩn bị nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi tới thăm Gia Lai.

Từng hoạt động được chuẩn bị công phu và giao cho từng đơn vị triển khai. Hàng tuần, vào chiều thứ sáu, Ban chỉ đạo Festival của tỉnh Gia Lai họp để kiểm điểm công tác chuẩn bị và đôn đốc từng bộ phận để đảm bảo lễ hội sẽ diễn ra hoành tráng và ấn tượng.

"Chúng tôi xác định rằng các hoạt động của Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai phải đảm bảo quảng bá giá trị văn hoá, âm nhạc của cồng chiêng Gia Lai, của Tây Nguyên và Việt Nam; các hoạt động của lễ hội phải thật ấn tượng, các lễ khai mạc và bế mạc được dàn dựng công phu, hoành tráng nhưng không làm cho bị sân khấu hoá. Trong Festival phải tạo nên một chuỗi sự kiện liên hoàn, thu hút tối đa lượng du khách trong nước và quốc tế đến với Gia Lai trong dịp này"- Ông Măng Đung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

"Âm vang và sức sống cồng chiêng Gia Lai- Tây Nguyên kết nối thế giới hoà bình và phát triển"- đó là thông điệp mà Gia Lai muốn gửi tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế qua Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai./.

- Mai Hồng -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất