Nhìn nhận về thành công của Trại viết kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết chiến đấu Việt – Lào năm 2009, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khẳng định: “Đây là một trại viết đặc biệt về tình đoàn kết đặc biệt trong một dịp đặc biệt”. Trước hết, 45 tác giả tham gia Trại viết này đều là những người từng là cán bộ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã từng có thời gian chiến đấu, công tác và sinh sống tại nước bạn Lào. Người ít cũng từng 5 – 7 năm sống, công tác tại Lào, người nhiều cũng 20 năm gắn bó với “đất nước Triệu Voi”. Vì thế, thật dễ hiểu, “người trẻ nhất tham gia trại viết này cũng đã hơn 60 tuổi, còn người lớn tuổi nhất cũng đã hơn 80. Với 64 tác phẩm thu được, trại viết thực sự là một hình thức sinh hoạt văn học nghệ thuật có hiệu quả, thiết thực hướng tới 60 năm truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào (30.10.1949 – 30.10.2009).
Thực tế, trong kho tàng văn học Việt Nam, từ lâu đã có một dòng chảy văn học viết về tình nghĩa ba nước Đông Dương vẫn âm thầm tồn tại và phát triển. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng chục nhà văn đã lên đường ra trận trong bộ quân phục tình nguyện chiến đấu cùng những người anh em Lào và Campuchia. Tay súng tay bút, dần dà những tác phẩm của họ đã tạo dựng nên một dòng chảy văn học đầy nghĩa tình với những tên tuổi như Phan Tứ, Hoàng Minh Châu, Thu Bồn, Văn Linh, Bùi Bình Thi, Khuất Quang Thụy, Anh Ngọc, Nguyễn Trí Huân... Để ghi nhận những đóng góp của các nhà văn thuộc dòng chảy văn học này, Hội Nhà văn ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia đã thống nhất luân phiên tổ chức trao giải thưởng văn học Sông Mekong. Mới đây nhất, đầu năm 2009 bốn nhà văn VN đã được vinh dự nhận giải thưởng văn học này là Nguyễn Trí Huân, Anh Ngọc, Phạm Sĩ Sáu, Trịnh Thanh Phong... Bên cạnh những tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, Trại viết kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào góp cho dòng văn học mang đậm nghĩa tình ba nước Đông Dương này một dòng chảy không thể lẫn vào đâu.
Hầu hết tác giả tham gia Trại viết này đều là những cán bộ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam từng sống và công tác, chiến đấu trên nước bạn Lào chứ không phải là những nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Dưới góc nhìn của những “người thật” viết về những “chuyện thật”, quả thực Trại viết đưa đến những chuyện kể, những kỷ niệm, những tác phẩm mà không có nhà văn hay cây bút nào có thể thay thế họ được. Dù vậy, bên cạnh những tác phẩm mang đậm tính hồi ký, nhật ký... Trại viết cũng để lại không ít tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật. Có thể kể đến Giăng bẫy của tác giả Nguyễn Ngọc Lợi kể về khoảng khắc đấu tranh tư tưởng giữa lằn ranh cái chết và sự sống của người chiến sĩ trẻ nhử máy bay địch ở chiến trường Lào mang đầy kịch tính, miêu tả tâm lý nhân vật khá cuốn hút... Hay truyện Kỷ vật thiêng liêng của Huỳnh Thúc Cẩn cũng mang đậm bút pháp nội tâm nhân vật khi kể lại ấn tượng sâu sắc của một người lính hướng dẫn sử dụng pháo cho đoàn cán bộ Lào, trong đó có Hoàng thân Suphanuvông...
Ngoài ra, Trại viết cũng để lại những tác phẩm xúc động về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước bạn Lào anh em. Đó là tác phẩm kể về câu chuyện Hồ Chủ tịch tiếp khách Lào rất cảm động, với lối kể cô đọng, súc tích của tác giả Hồ Đức Liêm... Đáng chú ý, Trại viết cũng đã có những tác phẩm viết về tình nghĩa hai nước Việt – Lào trong thời kỳ đổi mới với những tác phẩm như Giúp viết sử quân đội Lào của Hà Minh Tân, Đêm Pôn la của Xuân Diệu, Hai ngày hai đêm ở Na Pò Tọi của Nguyễn Tự Lạc... Đó là những tác phẩm nối tiếp cho dòng văn học ba nước Đông Dương những mạch nguồn mới mang đậm màu sắc chuyện kể “người thật, việc thật”.
Phúc Nghệ- VanHoaOnline