Thứ Năm, 10/10/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Tư, 29/9/2021 10:48'(GMT+7)

Chuẩn bị kỹ lưỡng, kiên trì các trụ cột cho hành trình trở về trạng thái bình thường mới

Cán bộ, chiến sĩ và đoàn viên, thanh niên huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị các túi an sinh để đưa đến người dân. (Ảnh: qdnd.vn)

Cán bộ, chiến sĩ và đoàn viên, thanh niên huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị các túi an sinh để đưa đến người dân. (Ảnh: qdnd.vn)

Nhờ nắm bắt nhanh những chỉ đạo của thành phố và Trung ương, đưa ra các chủ trương, biện pháp đúng đắn, nên công tác phòng, chống dịch (PCD) ở quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ đã đi đúng hướng. Vì thế, 3 địa phương này được thành phố chọn thí điểm để trở về trạng thái bình thường mới.

MỞ RỘNG "VÙNG XANH"

Phong trào thi đua giữ vững và mở rộng “vùng xanh” (vùng an toàn không có dịch) trên bản đồ COVID-19 đã được quận 7 và hai huyện: Củ Chi, Cần Giờ triển khai và thực hiện quyết liệt từ khi dịch bùng phát. Từng bước "xanh hóa" địa bàn là một điều kiện rất quan trọng để các địa phương trên công bố kiểm soát được dịch bệnh. Thời gian qua, các khu phố, tổ dân phố ở 3 địa phương trên đã triển khai mô hình giữ vững, mở rộng các “vùng xanh” do chính lực lượng tại chỗ tham gia với các tổ tự quản, thay nhau canh gác ở các điểm chốt vào khu dân cư.

Khoảng cuối tháng 7/2021, xã Tân Phú Trung là tâm điểm “vùng đỏ” (vùng có nguy cơ rất cao) của huyện Củ Chi. Bằng nỗ lực và những giải pháp quyết liệt trong truy vết, khoanh vùng, dập dịch, củng cố vùng an toàn, toàn xã đã không còn người nhiễm COVID-19 từ cuối tháng 8/2021. Đồng chí Nguyễn Thị Thuận, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo PCD COVID-19 xã Tân Phú Trung nói rằng: “Chúng tôi đã nhanh chóng chuyển hóa thành “vùng xanh” bằng quyết tâm tách các ca nhiễm (F0) ra khỏi khu dân cư, khoanh vùng, phong tỏa không cho dịch lây lan. Bên cạnh đó, xã đã nỗ lực tiêm vaccine cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng”.

Đến ngày 28/9, diện tích “vùng xanh” tại huyện Củ Chi đã đạt hơn 99%. Tại huyện Cần Giờ và quận 7, diện tích “vùng xanh” cũng không ngừng được mở rộng, củng cố và tiến tới "xanh hóa" địa bàn sau ngày 30/9. Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng “vùng xanh”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Hương, Phó chủ tịch UBND xã Long Hòa, huyện Cần Giờ nêu kinh nghiệm: "Biện pháp PCD tốt nhất của Long Hòa là xây dựng ý thức trách nhiệm của từng người dân đối với sức khỏe của gia đình và cộng đồng. Từ đó, mọi người tự giác thực hiện nghiêm quy định 5K và phát huy các tổ COVID cộng đồng trong việc tuyên truyền, nhắc nhở phòng dịch và hỗ trợ người dân khi cần thiết. Những ai chấp hành không nghiêm, chúng tôi nhắc nhở và xử lý ngay".

Cùng với mở rộng “vùng xanh”, các địa phương thí điểm của TP. Hồ Chí Minh đã chủ động phác thảo xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn của dịch bệnh. Đó là rà soát, nắm chính xác số liệu tình hình dân cư, doanh nghiệp, điều kiện kinh tế, y tế... từ rất sớm. Ngày 26/9 vừa qua, UBND quận 7 đã tiên phong đưa vào hoạt động Trung tâm chỉ huy PCD COVID-19 và khôi phục kinh tế với các giải pháp tích hợp toàn bộ dữ liệu về quản lý xét nghiệm, quản lý F0, quản lý năng lực y tế, quản lý tiêm vaccine... Trung tâm là sự chuẩn bị căn cơ cho một kế hoạch lâu dài khi địa phương chính thức trở lại bình thường mới. Trung tâm sẽ là nòng cốt phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và vận động nhân dân.

Tại huyện Cần Giờ, Củ Chi cũng thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo PCD COVID-19, thành lập sở chỉ huy PCD COVID-19, các tổ chức công tác phục vụ hoạt động PCD... Huyện ủy Củ Chi còn phân công các đồng chí trong thường vụ trực tiếp bám nắm địa bàn từng xã cụ thể để hỗ trợ, đôn đốc công tác PCD.

KIÊN TRÌ TRỤ CỘT Y TẾ

Xác định y tế là trụ cột hàng đầu và kiên trì trong công tác PCD, quận 7 và hai huyện: Củ Chi, Cần Giờ đã khẩn trương khoanh vùng phong tỏa, thần tốc truy vết, xét nghiệm để nhận diện F0 và tách ra khỏi cộng đồng nhanh nhất ngay khi dịch mới bùng phát. Trên cơ sở đó, lực lượng y tế sẽ sàng lọc, phân loại, kiểm soát để thu dung điều trị kịp thời, giảm thấp nhất số ca tử vong.

Trạm y tế lưu động tại quận 7, TP Hồ Chí Minh cấp chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà đối với F0 khỏi bệnh. (Ảnh: qdnd.vn)

Cùng với đó, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, bệnh viện dã chiến cấp quận để điều trị cho F0 được thành lập. Đồng chí Trần Chí Dũng, Phó bí thư Thường trực Quận ủy, Phó trưởng ban chỉ đạo PCD COVID-19 quận 7 tâm đắc: “Quận 7 là địa bàn dân cư đông, nhà ở ven kênh rạch nhiều, có các chợ truyền thống và hàng chục nghìn công nhân của Khu chế xuất Tân Thuận đang làm việc, sinh sống nên nguy cơ lây nhiễm cao. Chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi khu thu dung F0 không triệu chứng thành bệnh viện dã chiến để điều trị, cấp cứu F0”. Đây cũng là bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đầu tiên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh với quy mô 600 giường. Bệnh viện được thiết lập bồn oxy lỏng vốn dùng cho công nghiệp để dùng cho hệ thống oxy tập trung để điều trị cho bệnh nhân.

Huyện Củ Chi cũng chủ động thành lập bệnh viện dã chiến với quy mô 200 giường để điều trị F0. Mặc dù trên địa bàn có Bệnh viện điều trị COVID-19 cấp thành phố quy mô 600 giường, nhưng huyện Cần Giờ cũng nhanh chóng thành lập cơ sở điều trị riêng đối với F0 không có triệu chứng. Các bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đã hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh nhân chuyển nặng phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên, giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong trên địa bàn xuống mức rất thấp. Mặt khác, nhiều trạm y tế lưu động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và hỗ trợ F0 điều trị tại nhà được thành lập. Các tổ COVID cộng đồng cũng huy động được lực lượng y tế tư nhân, bác sĩ hưu trí tham gia chăm sóc bệnh nhân, điều trị ngay từ sớm cho F0, góp phần giảm áp lực cho đội ngũ PCD. Đó cũng là cơ sở để địa phương sẵn sàng đối phó nếu dịch bệnh bùng phát trở lại khi trở về trạng thái bình thường mới.

Công cụ kiểm soát dịch tốt nhất hiện nay là tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng. Hiện nay, người dân ở quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ cơ bản đã được tiêm vaccine mũi một, phấn đấu đến giữa tháng 10/2021 sẽ được tiêm mũi hai.

AN SINH TỐT ĐỂ AN DÂN

Bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân trên địa bàn thiếu thốn về lương thực, nhu yếu phẩm là vấn đề rất quan trọng trong PCD. Vừa qua, quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ đã tập trung thực hiện tốt. Điều này giúp nhân dân tin tưởng, đồng thuận với cấp ủy, chính quyền trong công tác PCD. Hiện các địa phương đã cơ bản  hoàn thành chi gói hỗ trợ đợt 1, đợt 2 và triển khai gói hỗ trợ đợt 3 cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đến huyện Củ Chi, chúng tôi rất ấn tượng với việc xây dựng “Bản đồ chăm lo an sinh xã hội” và “Bản đồ tiến độ giải quyết hỗ trợ nhu yếu phẩm trực tuyến” cho người dân. Tất cả thông tin đều công khai trên fanpage “Đất thép”, giúp chính quyền và người dân giám sát lẫn nhau trong quá trình triển khai các gói hỗ trợ, đưa lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân. Còn tại huyện Cần Giờ, nhờ tổ chức rà soát, lập danh sách chu đáo từ cơ sở, đầu mối các ấp, khu phố ngay từ đầu tháng 7/2021, trước khi thành phố siết chặt các biện pháp PCD, giãn cách xã hội nên việc chăm lo an sinh xã hội của huyện bảo đảm kịp thời.

Ở quận 7, mỗi phường đều có trung tâm an sinh, các đội shipper tình nguyện và cứ khoảng 100 hộ dân hình thành một tổ an sinh địa bàn giúp phát hiện các hộ dân khó khăn để hỗ trợ kịp thời. Đồng chí Hồ Văn Dòn, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 7, Phó giám đốc Trung tâm An sinh quận 7 chia sẻ: Qua hai đợt hỗ trợ, trung tâm đã chuyển hơn 41.400 túi an sinh đến người dân...

Hiện nay, các địa phương đã và đang tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là sử dụng hệ thống thông tin lưu động đến tận khu phố, ấp, khu nhà trọ, phát tờ rơi... để tuyên truyền về các biện pháp PCD, thí điểm trạng thái bình thường mới. Từ đó nâng cao ý thức, sự chủ động của mỗi người dân trong công tác PCD, từng bước thích ứng với trạng thái bình thường mới./.

Phi Hùng-Cường Khoa (nhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất