Thứ Sáu, 11/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 28/8/2010 15:18'(GMT+7)

Chung quanh việc điều chỉnh tỷ giá

Tác động hai mặt

Về cơ bản và tổng thể, có thể khẳng định các đợt điều chỉnh tỷ giá của NHNN thời gian qua là cần thiết và đúng đắn, nhất là đợt điều chỉnh gần đây nhất.

Về thời điểm, sự điều chỉnh tỷ giá lần này diễn ra khi các sức ép lạm phát ở Việt Nam dường như đang được cải thiện, với mức tăng CPI trong ba tháng qua liên tiếp ở mức thấp, nhất là so với cảnh báo từ đầu năm; vì thế tác động của điều chỉnh tăng tỷ giá đối với gia tăng lạm phát được giảm thiểu.  

Về mục tiêu, sự điều chỉnh này đã đồng thời cho phép đạt được nhiều đích ngắm cùng lúc, và mang lại nhiều lợi ích đa dạng: 

Thứ nhất, trên thực tế, VND có sự gắn kết khá chặt với USD, mà những tháng gần đây đã có sự gia tăng đáng kể sức mạnh của USD trên thế giới, nhất là tăng tới trên dưới 20% so với đồng tiền chung châu Âu. Sự cố định tỷ giá VND với USD trong suốt gần nửa năm qua đã khiến VND bị định giá cao hơn USD. Nếu cộng dồn cả những đợt điều chỉnh tỷ giá và mức lạm phát so sánh hai nước  trong ba năm qua, thì mức đắt đỏ thực tế của VND so với USD còn cao hơn nhiều, kèm theo những hệ quả nhiều mặt của nó, đặc biệt là sự nuôi dưỡng động lực nhập siêu và giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Nói cách khác, điều chỉnh tỷ giá không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, mà còn hạn chế nhập siêu, nhất là những sản phẩm trong nước có thể sản xuất thay thế.

Thứ hai, điều chỉnh tỷ giá lần này đã thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do, tức giúp cải thiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam do không phải gia tăng bán USD theo tỷ giá thấp, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ và cả hoạt động buôn bán vốn và ngoại tệ lòng vòng kiếm lời dựa trên chênh lệch giữa hai tỷ giá.

Thứ ba, đồng thời, việc điều chỉnh tỷ giá sát hợp hơn với giá thị trường tự do cũng giúp cho các doanh nghiệp (DN) được tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong bảng hạch toán kinh doanh của mình, mà trước đó thường phải "hợp lý hóa" các khoản mua USD trên thị trường chợ tự do với giá cao hơn giá chính thức.

Thứ tư, việc điều chỉnh tỷ giá còn giúp các ngân hàng cải thiện nguồn vốn ngoại tệ và từ đó cải thiện tính thanh khoản ngoại tệ của mình, hạn chế xu hướng chênh lệch cao giữa mức tăng huy động và cho vay tín dụng bằng ngoại tệ (theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tính đến cuối tháng 7-2010, huy động vốn bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 2,4% so với tháng 12-2009, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 34,4%). Ðiều này còn giúp tăng cường tập trung và quản lý kinh doanh ngoại tệ trên thị trường có tổ chức theo mục tiêu lựa chọn...   

Đương nhiên, sự điều chỉnh tỷ giá lần này cũng không tránh khỏi những hệ quả nhất định.

Ðiều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường

 Thực tế cho thấy, sự căng thẳng ngoại tệ trên thị trường tiền tệ trong nước thường tỷ lệ nghịch với độ chênh biệt cao và kéo dài của tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do trong những thời điểm tương ứng. Sự mất cân bằng này càng lớn và kéo dài thì càng tích tụ nhiều hơn những hệ quả tiêu cực cộng dồn từ các thiệt hại do VND bị định giá cao và do "sốc tỷ giá" trong tương lai. Mặt khác, việc điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá VND, chẳng hạn so với USD lại có thể tạo nguy cơ bùng nổ tái lạm phát và thậm chí có thể xuất hiện tình trạng suy thoái - lạm phát gây mối nguy hiểm kép, tức vừa có lạm phát cao, vừa có sự đình trệ, thậm chí suy giảm mạnh quy mô và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, hết sức tiêu cực cho sự ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ... Linh hoạt tỷ giá, hay thực hiện chế độ tỷ giá linh hoạt có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, ngày càng trở thành phương châm điều hành phổ biến trong chính sách tỷ giá của hầu hết các nước trên thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Linh hoạt tỷ giá không có nghĩa là thay đổi chóng mặt của tỷ giá chính thức theo các quyết định chủ quan có tính cơ hội hoặc vì lợi ích cục bộ nào đó; lại càng không có nghĩa là có thể biến động ngược chiều với các xu hướng tỷ giá chung của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Linh hoạt có nghĩa là không nên chỉ có sự biến động tỷ giá tăng hoặc giảm theo một chiều, chỉ có lên hoặc chỉ có xuống, tạo ra những kỳ vọng đầu cơ cao; đồng thời, cũng không có nghĩa là phải ngay lập tức điều chỉnh tỷ giá theo đúng tốc độ tăng hay giảm của một hoặc một số đồng tiền dù là rất quan trọng nào đó trên thế giới. Sự linh hoạt của chính sách tỷ giá còn được thể hiện ở sự linh hoạt trong lựa chọn mục tiêu của chính sách tỷ giá. Không thể thỏa mãn cùng lúc nhiều mục tiêu cho chính sách tỷ giá ở cùng một thời điểm, nhưng cũng không thể kéo dài mãi một chính sách tỷ giá chỉ phục vụ cho một mục tiêu nhất định dù là quan trọng trong bối cảnh nào đó, bất chấp những điều kiện khách quan đã thay đổi. Linh hoạt tỷ giá còn bảo đảm phải có sự đồng bộ, tránh mâu thuẫn và sự triệt tiêu lẫn nhau giữa các công cụ chính sách tài chính - tiền tệ, nhất là chính sách tỷ giá và lãi suất, cũng như giữa chính sách tỷ giá với công cụ tài chính khác. Ðồng thời, còn cần "căn" tỷ giá chính thức phụ thuộc vào độ "dày hay mỏng" của dự trữ quốc gia, vào các mục tiêu chính sách cơ bản và vào thực tế dòng tiền chảy trên thị trường, nhất là dòng ngoại tệ ra - vào qua biên giới. Cần lưu ý rằng, linh hoạt tỷ giá không hề mâu thuẫn với yêu cầu về tính minh bạch và có thể dự báo được của chính sách tỷ giá. Nói cách khác, xu hướng tỷ giá cần bám sát các động thái và tương quan tiền tệ và thị trường trong nước và quốc tế, tránh thị trường "chảy" theo một hướng, còn chính sách tỷ giá "lái" theo một nẻo, làm mất tính ổn định khách quan của chính sách tỷ giá, gây thêm những rủi ro chính sách cho các DN, đồng thời làm xấu môi trường và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trên tinh thần đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục xu hướng điều hành linh hoạt tỷ giá theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường. Trong đó, lưu ý rằng, thực tế cho thấy cần tránh tín điều và kỳ vọng đầu cơ gắn với xu hướng chỉ có điều chỉnh tăng một chiều tỷ giá và tăng với giá sốc, biên độ hẹp sau khi neo cố định tỷ giá kéo dài. Nói cách khác, cần điều chỉnh tỷ giá có lên, có xuống, thời gian ngắn và nhanh hơn, với mức điều chỉnh thấp hơn và biên độ giao dịch có thể rộng hơn... nhằm bớt tạo sốc tỷ giá và những hệ lụy mặt trái của điều chỉnh tỷ giá hơn... Ðồng thời, Nhà nước cần tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát các hiện tượng đầu cơ hoặc tung tin đồn thất thiệt, tăng giá kiểu "té nước theo mưa" và giải tỏa các hành xử tự phát, tâm lý đám đông...

Bên cạnh đó, các DN cần có dự phòng tăng - giảm tỷ giá trong các hợp đồng kinh doanh và tín dụng của mình; tiếp cận và sử dụng linh hoạt các công cụ ngân hàng giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá, cải thiện quản trị, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh..

 

TS Nguyễn Minh Phong

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất