Bắt đầu diễn ra trong cùng ngày hôm nay (11/10), chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hoà Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đón đoàn Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel thăm chính thức Việt Nam là những bước đi cụ thể của Đảng và Nhà nước ta trong việc chủ động triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện và bình đẳng Việt Nam - Trung Quốc
Chuyến thăm chính thức nước CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được củng cố bằng những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, thể thao… liên tục được tổ chức trong thời gian gần đây. Trên tinh thần “16 chữ vàng” và phương châm “bốn tốt”, chuyến thăm kéo dài từ ngày hôm nay đến 15/10 là nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và bình đẳng giữa hai quốc gia.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mà hai nước vừa long trọng kỷ niệm tròn 60 năm vào ngày 18/1/2010, cũng như từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ vào năm 1991 đến nay, quan hệ sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tiến những bước rất dài.
Trước hết là trên lính vực kinh tế, thương mại, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là dối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng nhanh và đến năm 2010 đạt hơn 27 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam; Đầu tư của Trung quốc vào Việt Nam đứng thứ 14 trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Là một đối tác quan trọng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc đã ký Hiệp định tự do thương mại với ASEAN và với cam kết giảm thuế mạnh từ năm 2010, nhiều mặt hàng sẽ có thuế nhập khẩu từ 0% đến 5%.
Nhiều năm nay, Trung Quốc không ngừng tăng quy mô tín dụng ưu đãi cho Việt Nam tập trung vào một số dự án hợp tác kinh tế lớn như Dự án xây dựng nhà máy khai thác và tuyển luyện đồng tại Sin Quyền, nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh; Dự án viễn thông nông thôn; Dự án đường sắt đô thị tuyến Hà Nội –Hà Đông.v.v...
Đặc biệt, quan hệ hợp tác giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ngừng được đẩy mạnh, khi hai bên thường xuyên duy trì trao đổi và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, thành tựu nghiên cứu lý luận giữa các cơ quan Đảng.
Mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước đã được thiết lập trên hầu hết các lĩnh vực, các cấp độ, từ TƯ đến các bộ, ngành và địa phương, nhân dân hai nước đều xúc tiến nhiều hoạt động hợp tác đa dạng và thiết thực.
Chính vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ làm cho quan hệ đôi bên trở nên sâu sắc hơn, toàn diện hơn, cởi mở hơn, trên cơ sở bình đẳng, trân trọng và tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình và thịnh vượng lâu dài của hai dân tộc.
Hướng tới Năm Hữu nghị Việt - Ấn 2012
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang |
Cùng bắt đầu từ hôm nay, với mục tiêu thúc đẩy quan hệ truyền thống lâu đời và đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trương Tấn Sang đến Ấn Độ cũng được nhân dân hai nước mong đợi và tin tưởng sẽ thành công tốt đẹp.
Phát huy truyền thống hữu nghị, Việt Nam và Ấn Độ không ngừng mở rộng và tăng cường các cơ chế hợp tác song phương. Cùng với hợp tác chính trị, hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tài chính, giáo dục đào tạo, khoa học – công nghệ Việt- Ấn đang được đẩy mạnh.
Ấn Độ hiện đứng ở vị trí 27/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng lên trong những năm gần đây, riêng 6 tháng đầu năm nay đạt gần 1,8 tỷ USD. Mục tiêu mà hai nước hướng tới đạt kim ngạch thương mại song phương từ 5-6 tỷ USD vào năm 2015 là khả thi.
Việt Nam và Ấn Độ thống nhất sẽ lấy năm 2012 sắp tới là “Năm Hữu nghị Việt - Ấn” để kỷ niệm tròn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Trong bối cảnh ấy, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Chủ tịch Trương Tấn Sang là một sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ lên một tầm vóc mới.
CHLB Đức- một đối tác quan trọng của Việt Nam trong EU
|
Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel |
Cùng với hai chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tới Trung Quốc và Ấn Độ, hôm nay, chúng ta cũng chào đón chuyến thăm chính thức của Thủ tướng CHLB Đức Angala Merkel.
Nằm ở hai châu lục khác nhau nhưng quan hệ Việt Nam - Đức đã có bề dày truyền thống và luôn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của mỗi nước.
Đức là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong EU với kim ngạch chiếm gần 30% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – EU. Đức đứng thứ 5 trong số các nước EU có đầu tư trực tiếp ở Việt Nam. Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Đức tiếp tục coi Việt Nam là một trong những nước ưu tiên nhận ODA ở châu Á, tập trung cho các lĩnh vực đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và môi trường.
Hiện có hơn 100.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đức và hơn 100.000 người Việt biết tiếng Đức vì đã từng học tập và làm việc tại Đức. Đây là những nhân tố xúc tác quan trọng góp phần củng cố và mở rộng sự hợp tác giữa hai nước.
Một nước Đức phát triển, đóng vai trò đầu tàu của Châu Âu và một Việt Nam đang tích cực đổi mới, mở cửa và hội nhập sâu rộng, toàn diện vào đời sống kinh tế-chính trị-văn hóa toàn cầu, đang hứa hẹn nhiều cơ hội bổ trợ, hợp tác, giúp đỡ nhau để cùng phát triển.
Với những hoạt động quan trọng như vậy, Việt Nam đang thể hiện phong cách đối ngoại chủ động, độc lập với một thái độ chân thành, cởi mở trong việc củng cố và mở rộng quan hệ với các đối tác lớn trên thế giới, vì mục tiêu cao nhất là hòa bình, độc lập và phát triển./.
(Theo: VOV)