Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 17/12/2008 16:18'(GMT+7)

Chung tay cùng Chính phủ ngăn chặn suy giảm kinh tế

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Đinh La Thăng

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Đinh La Thăng

 Đóng góp 26% ngân sách Nhà nước, ngành Dầu khí không tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Đinh La Thăng, ngày 11/12/2008, Tập đoàn đã ban hành Chương trình hành động thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ. Chương trình này gồm 10 điểm, trong đó đáng chú ý là các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Hiện Tập đoàn đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đầu tư các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí và dự án trọng điểm của Tập đoàn theo đúng tiến độ, vận hành an toàn hiệu quả nhà máy lọc dầu Dung Quất vào tháng 2/2009, nhà máy Đạm Phú Mỹ, Điện Cà Mau 1 và 2, Điện Nhơn Trạch; chỉ đạo quyết liệt chủ trương tiết kiệm chi phí, tháo gỡ kịp thời mọi khó khăn vướng mắc của các đơn vị.

Đồng tình với nhóm 5 giải pháp của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Quốc Ân cho biết: Tập đoàn Dệt May và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có nhiều cuộc họp và đề ra hành động phải làm ngay. Hiệp hội đưa ra khẩu hiệu “tích cực phòng thủ, chủ động tiến công”.

Ông Lê Quốc Ân

Ông Ân cho biết phòng thủ ở đây là các doanh nghiệp rút kinh nghiệm thời kỳ khủng hoảng cách đây 10 năm. Vì khi đó những doanh nghiệp có thương hiệu có khách hàng ổn định chỉ cần tiết kiệm, tập trung sản xuất, họ có thể vượt qua nhanh khủng hoảng. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có thương hiệu, mà số lượng này chiếm nhiều trong ngành Dệt may thì họ chỉ có thể tồn tại nếu biết liên kết với doanh nghiệp lớn.

Vì vậy, Hiệp hội và Tập đoàn mở rộng vòng tay liên kết để cùng giải quyết khó khăn của doanh nghiệp. Ông Ân cũng cho biết thêm, trong khó khăn không phải không có thị trường, vì vậy “chủ động tấn công” của các doanh nghiệp dệt may là tập trung vào thị trường nội địa, các doanh nghiệp tìm mọi cách tăng năng suất lao động tạo ra sản phẩm mới. Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may cuả Tập đoàn đã làm được việc này. Tập đoàn cố gắng không để lao động mất việc làm trong năm 2009. Tuy nhiên, ông Ân cũng kiến nghị được Chính phủ chấp thuận cơ chế, nguồn vốn ưu đãi để Tập đoàn tranh thủ thời cơ mua lại các thiết bị từ những hãng nước ngoài phá sản bởi ảnh hưởng khủng hoảng, đồng thời hạ lãi suất cho vay xuống mức 8% thì các dự án đầu tư mới của Tập đoàn mới có hiệu quả .

Ông Đoàn Văn Kiển

Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: 5 nhóm giải pháp Chính phủ ban hành rất kịp thời. Tập đoàn đã xác định mục tiêu năm của 2009 là ổn định việc làm, đời sống cho cán bộ công nhân mỏ, chuẩn bị tốt đón cơ hội 2010 khi khủng hoảng đi qua.

Vì vậy, Tập đoàn đã tính sản xuất than năm 2009 giảm so với 2008, tuy nhiên để đảm bảo việc làm cho lao động và tranh thủ cơ hội, trong thời gian này Tập đoàn đẩy mạnh việc xây dựng cơ bản, xây dựng mỏ mới, mở rộng công suất đối với các mỏ cũ, các nhà máy tuyển than và các dự án quan trọng .

Ông Lê Quang Thung

Mặc dù năm 2008, Tập đoàn Cao su vẫn đảm bảo kế hoạch đạt kim ngạch 1,6 tỷ USD, tuy nhiên khó khăn nhất của ngành là nhu cầu thế giới chững lại vì vậy lượng cao su tồn lại khá lớn. Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Lê Quang Thung cho biết: Tập đoàn có kế hoạch mua hỗ trợ nông dân 100.000 tấn cao su.

Năm 2009 trước bối cảnh giá cao su thế giới giảm, Tập đoàn nhanh chóng rà soát lại các vườn cây cao su và trồng mới, thanh lý cây kém chất lượng.

Tập đoàn tiếp tục mở rộng diện tích trồng cà phê tại Tây Nguyên, Tây Bắc, triển khai sang nước bạn Lào và Campuchia, tập trung mọi nguồn lực cho cao su và giảm đầu tư các lĩnh vực khác.
Quỳnh Hoa Cổng thông tin Chính phủ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất