Thứ Ba, 12/11/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 14/12/2008 9:56'(GMT+7)

Ngành nông nghiệp thế giới giữa hai gọng kìm

Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu cũng đang gây nhiều hậu quả xấu cho vật nuôi và cây trồng.

Dù cả thế giới đang tập trung vào chống khủng hoảng tài chính, song Liên hợp quốc (LHQ) vẫn liên tiếp cảnh báo nguy cơ từ khủng hoảng lương thực và tình trạng đói nghèo gia tăng.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã khẳng định, việc tìm ra giải pháp hỗ trợ những người nghèo nhất trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu lúc này còn quan trọng hơn việc cải tổ những thiết chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

FAO cho rằng, cơn bão tài chính xảy ra ngay sau đợt tăng giá lương thực, nên đã tác động xấu tới cung-cầu của thị trường nông sản thế giới cũng như ngành nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu hàng hóa, đặc biệt đối với các sản phẩm từ gia súc và hàng tươi sống. Riêng những mặt hàng chủ lực như gạo, có thể ít chịu ảnh hưởng hơn. Tình trạng bất ổn kinh tế lan rộng và những dự báo về triển vọng ảm đạm trên thị trường toàn cầu cũng khiến nhu cầu nông sản ngày càng giảm sút.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài mấy tháng qua đã tạo đà cho sự giảm giá nông sản, gây khó khăn cho ngành nông nghiệp. Trong khi đó, số người nghèo cần cứu trợ lương thực gia tăng, theo dự báo của LHQ có thể lên gần một tỷ người.

Ngay ở Mỹ, tuy thuộc vào số những nước sản xuất gạo nhưng chính Mỹ cũng đang khốn đốn trong bối cảnh lương thực ngày càng trở nên khan hiếm. Tính tới nay đã có 31,6 triệu người Mỹ đang nhận tem trợ cấp lương thực, chiếm 10% tổng dân số nước này và đây là thời điểm nước Mỹ có số người nhận tem trợ cấp lương thực cao nhất kể từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Và khủng hoảng tài chính cũng đã làm giảm ngân sách đóng góp cho các quỹ cứu trợ.

Bất chấp vụ mùa năm nay, nhiều nước được mùa ngũ cốc và giá lương thực gần đây  có xu hướng giảm, theo FAO, mức giảm giá và sản lượng hiện chưa đủ để xây dựng lòng tin về an ninh lương thực, khủng hoảng tài chính đã khiến các thị trường tín dụng bị thắt chặt hơn và vốn đầu tư cho nông nghiệp bị hạn chế. Giá các loại lương thực chủ lực như gạo, ngô và lúa mì sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Ðộ, và do việc sử dụng ngô và đậu tương cho các nguyên liệu thay thế để sản xuất nhiên liệu sinh học.

UNESCO cảnh báo rằng, 35% diện tích đất canh tác bị thoái hóa trên Trái đất đang trong tình trạng nguy hại trầm trọng do chính các hoạt động nông nghiệp gây ra. Khoảng nửa thế kỷ gần đây, khi những máy móc được phát minh với mục đích cơ giới hóa nông nghiệp thì cũng là lúc bầu sinh quyển dần bị tổn hại ngày một nhanh theo hướng tiêu cực do những tác động trực  tiếp hoặc gián tiếp từ con người.

Nhiều nước sản xuất lương thực đang thực thi những chính sách nông nghiệp "hết sức dè dặt". LHQ kêu gọi cần phải có hành động khẩn cấp ngay từ tháng 3-2007 khi giá lúa mì, đậu tương đã tăng 87% và tiếp ngay sau đó là 130%. Khả năng dự trữ lương thực toàn cầu đã ở mức thấp nhất kể từ trước tới nay. Báo cáo về sự tăng giá lương thực toàn cầu và những biến động lương thực nảy sinh đã nhấn mạnh thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, bên cạnh những khó khăn khác trong việc đạt được "Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ" (MDGs).

Theo một nghiên cứu mới được công bố của ActionAid, một tổ chức quốc tế về chống đói nghèo, cho biết nông dân ở các nước đang phát triển không được quan tâm một cách đúng mức trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khi họ là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất của hiện tượng này.

Do biến đổi khí hậu, Nam Phi có thể mất 30% sản lượng ngô và các cây lương thực khác vào năm 2030; khu vực Bắc Á sản lượng gạo, ngô và kê có thể giảm đến 10%. Những nước như Mỹ, cộng đồng châu Âu cần phải đi tiên phong và tích cực tham gia các thỏa ước quốc tế trong cuộc chiến chống lại sự thay đổi khí hậu. Không chỉ tham gia tích cực các thỏa ước quốc tế, những nước giàu nên hỗ trợ công nghệ, vốn cho những nước đang phát triển, nhằm cắt giảm tất cả những chất thải gây hiệu ứng nhà kính và suy giảm tầng ô-dôn, đồng thời chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa nông nghiệp ở những quốc gia có nền nông nghiệp dễ bị tổn thương nhất trước những thay đổi của thời tiết.

Thực tế, những vựa lúa của thế giới lại thuộc về những nước đang phát triển như Trung Quốc, Thái-lan, Việt Nam. Ðây là những nước có kinh nghiệm canh tác truyền thống nhưng lại không đủ các công nghệ cho một nền nông nghiệp hiện đại. Ngoài ra, thời tiết vẫn là yếu tố sống còn quyết định năng suất nền nông nghiệp tại những quốc gia này.

Báo cáo của ActionAid kêu gọi chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế nhanh chóng hành động để giúp người nông dân ở các nước đang phát triển, nhấn mạnh trách nhiệm của các nước phát triển trong việc bảo đảm an ninh lương thực bằng cách tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và thực hiện cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ước tính, để giúp các nước đang phát triển thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu cần phải có khoản tiền lên tới 67 đến 86 tỷ USD. Số tiền này, theo ActionAid, chủ yếu thuộc trách nhiệm của các nước phát triển - thủ phạm chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.        

Tổng Giám đốc FAO đã kêu gọi Tổng thống đắc cử Mỹ Obama tổ chức hội nghị cấp cao thế giới về lương thực vào nửa đầu năm 2009 với ưu tiên hàng đầu là xóa đói, giảm nghèo.

Nga cũng đề xuất tổ chức một hội nghị cấp cao thế giới bàn về ngũ cốc vào đầu tháng 6-2009. Dự kiến hội nghị này sẽ tập trung thảo luận những vấn đề khó khăn nhất mà người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất ngũ cốc và lương thực trên thế giới đang phải đối mặt.

HL Báo ND

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất