Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 1/6/2011 16:46'(GMT+7)

Chung tay cùng xã hội xoa dịu nỗi đau của trẻ em thiệt thòi bất hạnh

Trẻ em khuyết tật vui Tết Thiếu nhi 1-6 tại Trung tâm Nhân đạo Hòa Bình.

Trẻ em khuyết tật vui Tết Thiếu nhi 1-6 tại Trung tâm Nhân đạo Hòa Bình.

Thành lập ngày 20/6/2007 theo Quyết định 775B-QĐ/CTĐ-TC của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, TTNĐ Hoà Bình được giao nhiệm vụ phục hồi chức năng, dạy học, dạy nghề, hướng nghiệp cho trẻ em thiệt thòi Việt Nam. Đối tượng phục vụ là trẻ em khuyết tật do nhiều nguyên nhân, trong đó chú trọng đến các trường hợp trẻ em bị nhiễm chất độc da cam; trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa; trẻ em gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Những ngày đầu hoạt động thực sự là những tháng ngày gian khó đối với Trung tâm: Không địa điểm chính thức; không nguồn kinh phí chính thức; không có lương trả cho cán bộ chủ chốt... Có những thời điểm tưởng chừng như không vượt qua nổi, nhất là thời điểm trụ sở đầu tiên mượn tạm tại số 4 - Chu Văn An, Hà Đông, Hà Tây (cũ) bị đòi lại, lúc đó Trung tâm phải chia gần 40 cháu bé ra để mỗi người trong Ban lãnh đạo đảm nhiệm nuôi dậy tại nhà trong thời gian gần một năm. Tiếp đó TTNĐ Hoà Bình đã phải khắc phục bằng cách thuê và mượn tạm địa điểm ở một số nơi để duy trì các hoạt động của mình. Khó khăn lớn nhất mà Trung tâm luôn phải đối mặt là nguồn kinh phí.

Với tình cảm yêu thương dành cho trẻ thơ thiệt thòi và quyết tâm vượt qua khó khăn, tập thể cán bộ, nhân viên TTNĐ Hoà Bình đã bằng nhiều hình thức vận động, kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm; nhiều cán bộ chủ chốt đã hy sinh cả tiền của, làm việc bằng tất cả sự nhiệt tình, tận tâm để giữ vững và duy trì hoạt động của Trung tâm.

Lòng nhân ái và nghị lực của những người “đứng mũi chịu sào” đã giúp Trung tâm từng bước khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định và phát triển. Hiện nay Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo trợ 173 trẻ em thiệt thòi bất hạnh. Các cháu được đón nhận từ Hà Nội 1, Hà Nội 2, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Sơn la, Lào Cai, Lai Châu… Trong đó có 71 cháu bị nhiễm chất độc da cam là con cháu của các cựu chiến binh từ chiến trường trở về đang sống trong hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được Trung tâm bảo trợ đến khi qua đời.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm luôn bảo đảm luân phiên nuôi dưỡng, học văn hoá, học nghề từ 20 đến 40 cháu, hàng chục cháu đã được học văn hoá, trong đó có cháu liên tục đạt học sinh giỏi, được nhà trường khen ngợi; hàng chục cháu được dạy nghề và hướng nghiệp đạt kết quả, nay đã tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ được gia đình.

Song song với các hoạt động từ thiện nhân đạo, hơn 2 năm qua, TTNĐ Hoà Bình đã lập dự án xin Thành phố và các sở, ban, ngành chức năng Hà Nội cấp đất. Ngày 4/3/2010 TP.Hà Nội đã chính thức ra Quyết định số 1020/QĐ-UBND giao Trung tâm thực hiện Dự án “Trường mầm non Hoà bình” tại lô đất C10/NT2 khu đô thị mới Nam Trung Yên, thuộc quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Sau hơn một năm nỗ lực phấn đấu, Trung tâm đã xây dựng xong giai đoạn đầu của Dự án với 2 khối nhà dành cho khu vực văn phòng và phục vụ các hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ em thiệt thòi.

Qua thực tiễn hoạt động, Trung tâm đã xác định rõ được mô hình tổ chức hoạt động thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình theo hai hình thức: nuôi dạy tại Trung tâm và bảo trợ tại nhà cho trẻ em thiệt thòi.

Đối với các cháu mồ côi cha mẹ không nơi nương tựa, hoặc khuyết tật do nhiều nguyên nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà bố mẹ không còn khả năng chăm sóc sẽ được Trung tâm đón nhận về nuôi, học văn hoá, nếu các cháu thông minh, hiếu học sẽ được Trung tâm khuyến khích cho học tiếp Đại học; cháu nào không có khả năng học tiếp được thì Trung tâm sẽ bố trí cho học nghề (kể cả các cháu khuyết tật còn khả năng làm việc). Học xong nghề sẽ được Trung tâm hướng nghiệp và tìm nơi làm việc, hoặc ở lại làm nghề tại Trung tâm.

Bên cạnh đó, Trung tâm nhận bảo trợ các cháu khuyết tật do nhiều nguyên nhân đang phải sống trong hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn (kể cả các cháu mồ côi bố mẹ nhưng vẫn còn anh em học hàng quyến thuộc nhận chăm sóc), trong đó chú trọng các cháu bị nhiễm chât độc da cam là con cháu của các cựu chiến binh. Đối tượng các cháu này sẽ được Trung tâm thường kỳ hằng tháng hoặc hằng quý bảo trợ tại nhà bằng tiền, thuốc men hoặc các hiện vật tuỳ thuộc điều kiện cụ thể của Trung tâm.

Với mô hình hoạt động thông qua hai hình thức trên, nhất là hình thức bảo trợ tại gia đình, TTNĐ Hoà Bình đã gắn kết được trách nhiệm của cả gia đình và chính quyền, cơ quan và các tổ chức xã hội tại địa phương cùng với Trung tâm xoa dịu nỗi đau tật nguyền, nỗi đau da cam, nỗi đau nghèo khó của các gia đình. Điều đáng chú ý là, hình thức bảo trợ tại gia đình đã gắn kết được tình cảm và trách nhiệm của gia đình có các cháu được bảo trợ; mặt khác, Trung tâm còn tiết kiệm được kinh phí phải trả cho nhân viên chăm sóc các cháu tại Trung tâm để tăng thêm được nhiều cháu khác cùng được hưởng chế độ bảo trợ của Trung tâm.

Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, từ những thành công và thuận lợi bước đầu, cùng với sự ủng hộ, khích lệ của các cơ quan, tổ chức xã hội, hiện nay Trung tâm đã và đang phối hợp với UBND, Phòng LĐ, TB & XH, Hội Chữ thập đỏ của 48 huyện nghèo tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh phía Bắc và miền Trung tiến hành lập hồ sơ, khảo sát, thẩm định và tiếp nhận các cháu thiệt thòi. Trong kế hoạch năm 2011, đợt thứ nhất, Trung tâm sẽ đón nhận từ 20 - 30 cháu mồ côi cả cha mẹ không nơi nương tựa về nuôi, dậy văn hoá, dạy nghề và hướng nghiệp; các cháu mồ côi, khuyết tật đang có người thân, gia đình bảo đảm chăm sóc sẽ được Trung tâm bảo trợ hằng tháng hoặc hằng quý tại nhà.

Trong thời gian tới, Trung tâm xúc tiến chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai một số lớp học nghề và làm nghề cho các cháu mồ côi, khuyết tật của 48 huyện nghèo tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung; tích cực phối hợp với Ban Sức khoẻ thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và quan hệ chặt chẽ với các bác sĩ tự nguyện để luân phiên đến khám sức khoẻ cho các cháu thiệt thòi; mở rộng quan hệ với các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội nhằm tạo hiệu quả cao trong công tác chăm sóc, nuôi dậy và bảo trợ cho trẻ em thiệt thòi; phối hợp với các cơ quan báo chí và Hội chất độc da cam tổ chức các sự kiện nhằm khơi dậy lòng nhân ái trong cộng đồng, thu hút các doanh nghiệp, tập thể và các nhà hảo tâm chung tay cùng Trung tâm phát huy truyền thống đạo lý “lá lành đùm lá rách”, sẵn sàng sẻ chia vì nỗi đau và tương lai của những mảnh đời bất hạnh./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất