Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 27/5/2011 22:0'(GMT+7)

Sức sống mới của Huyện Đảo Trường Sa

Canh giữ Trường Sa.

Canh giữ Trường Sa.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành trong cả nước với tinh thần “cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, huyện đảo Trường Sa đang đổi mới từng ngày, xanh hơn, hiện đại hơn, kiên cố hơn. Mặc dù, thời tiết khắc nghiệt, song quân và dân nơi đây vẫn ngày đêm bám trụ, chung sức, chung lòng bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển Trường Sa toàn diện, mang tính tổng thể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đến nay, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư khang trang, đẹp hơn; nhà ở của quân và dân được xây dựng bảo đảm chịu được sóng gió giữa biển khơi. Hệ thống đường sá trên các đảo nổi, đường chính, đường nhánh, ngõ xóm được xây dựng khang trang, thông thoáng. Thị trấn Trường Sa Lớn đã lắp đặt hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời đồng bộ, tạo ra một bộ mặt đô thị của “thành phố nổi Trường Sa”. Hệ thống thiết bị tạo năng lượng dùng sức gió, mặt trời không chỉ giúp Trường Sa lộng lẫy hơn về đêm mà còn giúp cho việc bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế - xã hội trên đảo thuận lợi. Đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo đã có nhiều cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo mọi lúc đều gắn với đời sống người dân.

Trên lĩnh vực kinh tế, đã triển khai đầu tư xây dựng âu tàu ở xã đảo Song Tử Tây. Đây là một dự án lớn đem lại hiệu quả cao và hiện nay đang tiếp tục triển khai đóng âu tàu ở một số đảo lớn còn lại nhằm phát triển kinh tế toàn diện, đảm bảo cho các tàu thuộc dự án đánh cá xa bờ của Chính phủ và ngư dân khi ra khơi gặp sóng gió to có thể vào trú đậu. Nhiều hoạt động kinh tế đang được triển khai, như: nuôi trồng hải sản ở đảo Đá Tây với dự án nuôi cá chim trắng; thử nghiệm nuôi tu hài bước đầu mang lại hiệu quả và tiến tới sẽ nhân rộng mô hình đến các đảo còn lại… Thời gian tới, từng bước khai thác tiềm năng dịch vụ trên biển, tổ chức tuyến du lịch ra các đảo Trường Sa cho du khách trong nước và kiều bào.

Mô hình kinh tế chăn nuôi trên từng điểm đảo thể hiện rõ nét sự phối hợp giữa quân và dân nhằm cải thiện đời sống, như: nuôi bò, gà ở xã đảo Song Tử Tây, nuôi heo ở các đảo nổi và một số đảo chìm; các loại gia cầm gà, vịt, ngan, ngỗng phát triển trên các đảo nổi rất tốt; ở đảo Trường Sa Đông, số lượng gia cầm nuôi bình quân từ 10-15 con/người. Riêng đảo chìm Đá Tây A, bước đầu nuôi các loại thủy cầm cho kết quả khả quan. Đặc biệt, đảo Trường Sa Lớn hình thành lò ấp trứng nhờ sử dụng điện năng lượng mặt trời đã cung cấp giống vịt, gà con cho các đảo khác và phát triển mô hình trang trại nuôi vịt, gà đến 400 con. Từ lâu đã có câu vọng về đất liền “chó Sơn Ca, gà Song Tử” nói lên sức sống sản xuất đang phát triển nơi đảo xa nổi tiếng gian khó này.

Ngày nay, cả huyện đảo được phủ một màu xanh. Việc trồng cây xanh trên đảo để bảo vệ các công trình, tạo môi trường sinh thái và cải thiện đời sống luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân huyện đảo chú trọng thực hiện. Đến nay, cây mắm đã phủ xanh ở một số đảo như Trường Sa Đông; bao quanh những con đường bê tông chạy ngang dọc khắp các đảo là vòm xanh của các loại cây phong ba, bàng vuông, những hàng tra xanh mướt, những rặng dừa xanh cao vút ở đảo Nam Yết; rau xanh và nước ngọt trên đảo đã đủ dùng, xây dựng được 10 giếng nước ngọt; những vườn rau thanh niên xanh ngắt được trồng trên đảo nổi và có cả vườn rau di động ở những khoảng không chật hẹp của đảo chìm. Rau xanh được trồng bất cứ đâu, những cây ớt, cây ngò gai được các chiến sĩ tận dụng trồng trong những chiếc vỏ lon, những giàn mướp cho sai quả và cả cây dược liệu sâm đất cũng đang vươn mầm xanh tốt… Rau ở đây không hề thua kém bất cứ một loại rau nào của đất liền về độ tươi tốt, xanh non, hơn thế còn đảm bảo 100% về độ sạch.

Gần đây, triển khai Dự án Năng lượng sạch do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ đã làm thay đổi cách nghĩ và nếp sinh hoạt của quân và dân trên đảo, đem đến cho đời sống của quân và dân nhiều khởi sắc, đưa Trường Sa tiến gần với đất liền hơn. Với ưu thế nắng và gió, 13 máy phát điện đã được lắp đặt cung cấp điện 24/24 giờ đủ dùng trong sinh hoạt cho quân và dân trên đảo. Hầu khắp các con đường và bờ kè đảo được chiếu sáng bằng hệ thống đèn sử dụng năng lượng mặt trời và xem được vô tuyến với tín hiệu sóng khá tốt. Có điện, người dân có thể xem tivi, nghe đài, cập nhật các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và giúp bà con có điều kiện bảo quản lâu hơn lượng hải sản đánh bắt được. Thông tin liên lạc bằng điện thoại với đất liền thực hiện thuận lợi nhờ 14 cột thu phát sóng tại 14 điểm đảo do Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel lắp đặt.

Với đặc điểm điều kiện thời tiết khắc nghiệt của quần đảo Trường Sa, công tác chăm sóc sức khỏe của bộ đội và người dân được đặc biệt quan tâm. Quân y của Quân chủng Hải quân ở một số đảo kết hợp với các bệnh viện lớn của quân đội cùng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cử cả y, bác sĩ thường xuyên khám chữa bệnh cho quân và dân. Đặc biệt, huyện đảo đón chào những “công dân tí hon” ra đời. Công tác giáo dục cũng được chú trọng, trong đó dạy và học cho trẻ em, những thế hệ tương lai của các đảo cũng được quan tâm, xây dựng ba trường học chính ở 2 xã và 1 thị trấn chính quy như trong đất liền.

Không chỉ người dân Trường Sa, mà quân, dân cả nước đang chung vai, góp sức xây dựng để bảo vệ và phát triển những “viên ngọc” quý nơi đầu sóng, ngọn gió. Trường Sa lớn hiện nay như một “đại công trường” với nhiều công trình dân dụng đang từng ngày mọc lên đáp ứng nhu cầu của quân dân trên đảo. Trong đó, đáng chú ý nhất là công trình “Nhà khách Thủ đô”, quà tặng của Đảng bộ, nhân dân Hà Nội dành cho Trường Sa thân yêu Trước mắt, nhà khách sẽ giúp huyện đảo bố trí nơi ăn nghỉ chu đáo hơn cho các đoàn công tác. Giữa trung tâm thị trấn còn mọc lên nhiều công trình văn hóa như: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do UBND tỉnh Nghệ An tặng, Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam xây tặng ngôi chùa và các công trình di tích văn hóa của các địa phương và doanh nghiệp đang được triển khai xây dựng…

Cùng với cả nước, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để cung cấp con giống, hạt giống, khay trồng rau, phân bón, đất sạch và nhiều vật tư khác nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho quân và dân huyện đảo. Hàng năm, lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tổ chức các chuyến thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Đồng thời, đã hỗ trợ và giúp đỡ xây dựng các cơ sở vật chất và công trình văn hóa... Ngoài ra, các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hướng về Trường Sa tạo cầu nối bền chặt, rút dần khoảng cách giữa đảo và bờ.

Tin rằng, huyện đảo Trường Sa - thành trì vững chắc phía Đông của Tổ quốc trong tương lai không xa sẽ là điểm đến cho những cơ hội phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng./.

Bài, ảnh: Trịnh Hiệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất