Thứ Tư, 30/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 24/6/2019 8:28'(GMT+7)

Chung tay giúp xã nghèo vượt khó

Chọn mô hình phù hợp

Nhớ lại thời điểm năm 2005, việc UBND tỉnh Ðiện Biên quyết định phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn, đồng chí Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Ðiện Biên, cho biết: Khi mới chia tách, thành lập (1-1-2004), tỉnh Ðiện Biên có nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ thiếu, tỷ lệ hộ nghèo cao, vốn đầu tư hạn hẹp, nguồn thu không đáng kể, tệ nạn xã hội nhiều... Ðược sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Ðiện Biên đã nêu quyết tâm, đồng lòng tập trung huy động nguồn lực để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Theo đó, UBND tỉnh Ðiện Biên đã ban hành Quyết định số 201/QÐ-UB phân công 49 sở, ban, ngành giúp đỡ 49 xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Báo Ðiện Biên Phủ, một trong những đơn vị được UBND tỉnh đánh giá có cách làm sáng tạo, phù hợp, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ giúp xã đặc biệt khó khăn Phình Giàng thuộc huyện Ðiện Biên Ðông. Ban Biên tập Báo Ðiện Biên Phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác giúp xã gồm năm thành viên đại diện cho các phòng, ban, đoàn thể gồm: hành chính, phóng viên, Ðoàn thanh niên; trong đó, đồng chí Tổng Biên tập kiêm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo khảo sát điều kiện thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cán bộ, nhân dân xã Phình Giàng để có hướng hỗ trợ phù hợp. Ban Biên tập đã điều một phóng viên thường xuyên bám xã suốt ba năm liền. Mỗi cá nhân cũng như Báo Ðiện Biên Phủ đều thấy rõ trách nhiệm của mình trong kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, triển khai mô hình trồng tre Bát Ðộ, trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Cuối mỗi tuần, đoàn viên, thanh niên của báo luân phiên về xã cùng người dân trồng cây, làm thủy lợi, dọn dẹp vệ sinh làng bản. Sau ba năm, Phình Giàng đã chuyển biến nhiều mặt. Nhận thức của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số ở các bản Nậm Ma, Phì Cao, Phì Sua, Pú Hồng… về lợi ích của trồng cỏ, cấy lúa nước thay đổi tích cực. Bà con không để con trâu, con bò tự đi tìm cỏ, cây lúa tự mọc rễ lên bông nữa, mà đã biết trồng cỏ vào mùa mưa để làm thức ăn cho gia súc, làm kênh dẫn nước về ruộng cho cây lúa trổ bông. Tổng kết giai đoạn đầu giúp xã, trong 5 năm, Báo Ðiện Biên Phủ đã vận động được gần mười tỷ đồng làm nhà nội trú cho học sinh Ðiện Biên Ðông; làm thủy lợi Pú Hồng bảo đảm nước tưới hai vụ cho gần 10 ha lúa; trao hàng nghìn phần quà tặng người nghèo, gia đình dân tộc thiểu số mỗi dịp lễ, Tết. Ðồng chí Giàng Trùng Lầu, nguyên Chủ tịch UBND xã Phình Giàng phấn khởi nói với chúng tôi: Báo Ðiện Biên Phủ không chỉ là cơ quan đỡ đầu, người dân xã Phình Giàng chúng tôi đã coi mỗi cán bộ, phóng viên của báo như người của dân bản.

Cũng thời gian này, Kho bạc tỉnh Ðiện Biên được giao giúp xã Tả Phình, huyện Tủa Chùa. Ðây là xã đặc biệt khó khăn bởi diện tích đất sản xuất ít (phần lớn là núi đá tai mèo), 100% số dân trong xã là dân tộc Mông, tuy cần cù chịu khó nhưng trình độ hạn chế cho nên nhiều người không biết áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Sau khi khảo sát thực địa, hiểu rõ nguyên nhân đói nghèo ở Tả Phình, Kho bạc tỉnh Ðiện Biên đã quyết định giúp xã bằng cách hỗ trợ toàn bộ chi phí cho một số học sinh ở Tả Phình có lực học tốt, về học tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên. Ðến nay, đã có bảy người hoàn thành các chương trình học về: tài chính, kế toán, địa chính, trong đó, năm người được bố trí làm công chức xã Tả Phình; hai người được tuyển dụng làm việc tại huyện Tủa Chùa và xã khác.

Là một trong số bảy người được hỗ trợ từ nguồn ủng hộ của Kho bạc tỉnh Ðiện Biên, anh Mùa A Tằng, hiện là kế toán xã Tả Phình tâm sự: Nếu không có sự hỗ trợ của cán bộ, nhân viên Kho bạc Ðiện Biên thì tôi không có ngày hôm nay. Nhà nghèo, đông anh em, tôi chẳng dám nghĩ đến ước mơ học chuyên nghiệp. Nhờ có sự hỗ trợ, tôi được về thành phố Ðiện Biên Phủ học chuyên nghiệp, được huyện tiếp nhận về làm việc tại xã...

Nhân rộng hiệu quả

Mỗi ngành một mô hình, một cách làm khác nhau, trải qua quá trình thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn, các ngành đã tập trung phát huy những lợi thế sẵn có, đa dạng hóa các hình thức giúp đỡ, hỗ trợ; góp phần tạo lập những chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở. Từ thành công của Quyết định 201, UBND tỉnh Ðiện Biên quyết định tiếp tục triển khai giúp xã nghèo trong giai đoạn tiếp theo (2011 - 2016). Khoảng thời gian này, UBND tỉnh giao 49 sở, ban, ngành, đoàn thể đỡ đầu 78 xã khó khăn. Công việc tăng lên, nhiệm vụ nhiều hơn bởi theo yêu cầu UBND tỉnh, trong giai đoạn tiếp theo này, các sở, ngành phải tập trung hỗ trợ các xã xây dựng quy hoạch, kế hoạch thực hiện toàn diện các nhiệm vụ: điều tra tình hình kinh tế, xã hội, nắm bắt tình hình tại cơ sở; giúp xã triển khai các dự án phát triển sản xuất, các chương trình dự án, kết cấu hạ tầng... Sẵn kinh nghiệm các đơn vị điển hình giai đoạn trước, cùng với sự nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên được giao giúp xã cho nên giai đoạn này đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng do các sở, ngành kêu gọi hỗ trợ, 78 xã nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh Ðiện Biên có điều kiện thực hiện các dự án: sửa chữa, làm mới gần 100 km giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng; hoàn thành xây dựng 66 nhà tình nghĩa, lớp học tặng hộ nghèo và học sinh các điểm bản nghèo. Ðể hỗ trợ các xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các đơn vị: Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn… đã cử cán bộ giúp xã từ khâu lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch, lộ trình hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới; giúp xã xây dựng kế hoạch xóa đói, giảm nghèo sát điều kiện thực tiễn nguồn lực đầu tư theo từng năm. Nhờ đó chỉ trong mấy năm, Ðiện Biên đã có thêm hàng chục xã được công nhận nông thôn mới; nhiều xã thành điển hình trong xóa đói, giảm nghèo của địa phương, như: Chà Nưa (huyện Nậm Pồ), Lay Nưa (thị xã Mường Lay), Mường Phăng (huyện Ðiện Biên)...

Ðến thời điểm này, quyết định phân công sở, ban, ngành về giúp xã đặc biệt khó khăn của UBND tỉnh Ðiện Biên đã gần đến chặng cuối của giai đoạn ba (2016 - 2020) và đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo đồng chí Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Ðiện Biên thì không chỉ tạo chuyển biến, diện mạo mới cho các xã nghèo mà qua thực hiện nhiệm vụ giúp xã, cán bộ, công chức mỗi sở, ngành nhận thức rõ ràng hơn trách nhiệm của mình trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương, góp phần chăm lo cho cuộc sống của nhân dân.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất