Thứ Bảy, 23/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 27/5/2019 17:41'(GMT+7)

Tuyên Quang tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa

Sản phẩm cam sành Hàm Yên được giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng.

Sản phẩm cam sành Hàm Yên được giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng.

Những năm trước đây, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa (NNHH). Tuy nhiên, NNHH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng, giá trị và thu nhập còn thấp, sức cạnh tranh hạn chế; những cây trồng, vật nuôi có lợi thế chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm ngành nông nghiệp chưa thật sự trở thành sản phẩm hàng hóa có hiệu quả bền vững. Liên doanh, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất NNHH chưa hiệu quả. Nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự cung, tự cấp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Để thực hiện thắng lợi khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra là: “Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực”, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (gọi tắt là đề án) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, xây dựng chín quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường để tập trung phát triển sản xuất NNHH. Xây dựng và tổ chức thực hiện bảy đề án phát triển sản xuất, hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đề án đã đưa ra năm định hướng và tập trung ba nhiệm vụ chính là: tổ chức quy hoạch và thực hiện các quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức lại sản xuất. Nội dung cụ thể là tái cơ cấu từng lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi và tái cơ cấu các sản phẩm NNHH chủ lực như cam, chè, mía, lạc, gỗ rừng trồng, trâu, cá đặc sản và các sản phẩm tiềm năng của tỉnh. Đến nay, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, lập quy hoạch đất lúa, quy hoạch trồng trọt và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo điều kiện phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng. Một số địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Tập trung phát triển các vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa chủ lực và phát triển theo các vùng sinh thái, đưa năng suất cây trồng tăng bình quân hằng năm lên hơn 1,98%/năm. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2018: năng suất cam tăng 6,89%/năm; chè tăng 1,98%/năm; mía tăng 2,04%/năm; lạc tăng 3,53%/năm. Trong trồng trọt đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển nhóm cây ăn quả, chiếm 29,55%. Năm 2018, giá trị sản xuất trồng trọt đạt hơn 4.088,5 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân là 2,48%/năm; giá trị sản phẩm thu được bình quân một ha đạt 86,67 triệu đồng (gấp 1,26 lần so năm 2015).

Chăn nuôi hàng hóa được tập trung theo từng vùng. Chăn nuôi trâu, lợn đặc sản địa phương tập trung tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên; chăn nuôi bò, lợn siêu nạc, hướng nạc tập trung tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương và một số xã của huyện Hàm Yên. Năm 2018, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt hơn 2.600 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2015-2018 tăng 6,86%/năm; tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi tập trung chiếm 37,6%. Phát triển chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi vịt bầu địa phương thả suối tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa gắn với thị trường tiêu thụ; sử dụng các giống lai tiên tiến phù hợp các huyện vùng thấp như: Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang; một số trang trại chăn nuôi gà với quy mô lớn đã áp dụng kỹ thuật đệm lót sinh học... Đưa tổng đàn gia cầm hiện có lên hơn sáu triệu con, tốc độ tăng bình quân 5,17%/năm. Giá trị sản xuất từ chăn nuôi gia cầm năm 2018 chiếm 31,68% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Việc chăn nuôi ong phát triển khá mạnh, đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản, nhất là trong thủy phần mật ong; xây dựng nhãn hiệu mật ong Tuyên Quang và tăng cường quảng bá sản phẩm để xuất khẩu. Sản lượng mật ong toàn tỉnh năm 2018 là 169,54 tấn, đạt 21,5 tỷ đồng.

Phương thức chăn nuôi đã chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 17 hợp tác xã chăn nuôi; 261 trang trại chăn nuôi. Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng bi-ô-ga hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả đạt 15,8%. Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư, thu hút tám dự án đầu tư sản xuất giống, phát triển chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc với tổng số vốn cam kết đầu tư hơn 4.746 tỷ đồng. Xây dựng, thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo chuỗi giá trị, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã triển khai thực hiện tốt trên địa bàn toàn tỉnh, do vậy không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Tỉnh thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân ba loại rừng: đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất, gắn với điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Trong đó, diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu hiện có 122.124 ha, là một trong ba tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng trung du miền núi phía bắc, chiếm hơn 23% sản lượng khai thác toàn vùng. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2018 đạt hơn 1.054 tỷ đồng, bình quân tăng 4,98%/năm; giá trị thu nhập trên một ha đất rừng sản xuất đạt 59,58 triệu đồng/ha/chu kỳ bảy năm.

Cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp tập trung vào bốn nhiệm vụ lớn, là: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến và phát triển thị trường; Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; Sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp.

Thí điểm phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tại bốn công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp, một công ty cổ phần lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý; đồng thời khuyến cáo nhân dân đầu tư trồng rừng kinh doanh gỗ lớn bằng các loài cây trồng bản địa: lát, trám, mỡ, bồ đề, nâng diện tích rừng gỗ lớn toàn tỉnh hiện có lên hơn 40.000 ha.

Thu hút đầu tư thêm bốn dự án chế biến lâm sản, nâng tổng số nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn lên chín nhà máy. Thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích hiện có là hơn 20.927,7 ha.

Hiện nay, hơn 90% diện tích rừng của các công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp được thực hiện theo hình thức liên doanh với hộ gia đình, sản phẩm khai thác được phân chia theo tỷ lệ góp vốn đầu tư và cung ứng cho các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh. Công ty Cổ phần nguyên liệu giấy An Hòa thực hiện chính sách hỗ trợ toàn bộ cây giống keo lai hom cho các hộ gia đình, cá nhân và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng sau khi khai thác theo giá thị trường. Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thực hiện hình thức ký hợp đồng ứng vốn để đầu tư cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và cam kết mua cao hơn giá thị trường từ 15 đến 20% đối với gỗ của rừng đã được cấp chứng chỉ này.

Những năm qua, nghề nuôi thủy sản của tỉnh đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch mạnh sang nuôi cá đặc sản trên sông, hồ thủy điện. Với diện tích mặt nước hơn 11.000 ha, là môi trường thuận lợi để nuôi một số loài cá đặc sản như dầm xanh, chiên, bỗng, lăng, sản lượng thủy sản năm 2018 đạt hơn 8.000 tấn, trong đó cá đặc sản hơn 480 tấn, sản lượng nuôi theo quy trình VietGAP là 125,63 tấn. Hiện có hai cơ sở nuôi trồng thủy sản, thực hiện kiểm soát theo chuỗi, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch. Đặc biệt, chỉ trong năm 2018, đã sản xuất hơn 33 nghìn con cá giống đặc sản: chiên, lăng chấm, anh vũ. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2018 đạt 236,6 tỷ đồng, bình quân tăng 5,39%/năm; tỷ trọng giá trị cá đặc sản/tổng giá trị sản phẩm thủy sản chiếm 15,93%.

Toàn tỉnh hiện có 25 nhà máy, cơ sở chế biến lớn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản. Các nhà máy, cơ sở chế biến đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Giá trị gia tăng trong chế biến nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh năm 2018 đạt hơn 1.335 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 18,16%/năm.

Các sở, ngành, UBND huyện, thành phố đã tham mưu tổ chức, tham gia nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư; các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang để tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường quảng bá, tôn vinh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; kết nối, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh trên sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn tại thành phố Hà Nội, đưa vào hệ thống siêu thị các tỉnh, thành phố lớn. Một số sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài như: sản phẩm chè khô xuất khẩu vào các thị trường như Nga, Pa-ki-xtan, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước châu Âu; sản phẩm gỗ xuất khẩu sang châu Âu; sản phẩm đường kính, lạc củ, chuối xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp luôn gắn với các nội dung xây dựng nông thôn mới như: rà soát, bổ sung hoàn chỉnh đề án, dự án phát triển sản xuất tại các xã, lựa chọn sản phẩm chủ lực của địa phương để phát triển sản xuất hàng hóa; xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ phát triển NNHH nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, để tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Kết quả đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 23,26% số xã trong tỉnh; thu nhập bình quân người dân nông thôn năm 2018 đạt 2,36 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, do điều kiện của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn cho nên nguồn lực đầu tư cho tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún, khó thực hiện việc tích tụ ruộng đất để thực hiện sản xuất hàng hóa. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên kết vùng, hạ tầng công nghiệp, thương mại chưa đồng bộ, ảnh hưởng việc thu hút các dự án phát triển công nghiệp nói chung, trong đó có công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Một số quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường, thương mại,… còn chồng chéo với quy định của Luật Đầu tư, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Phát huy lợi thế để phát triển NNHH hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực./.

Hải Chung (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất