Thứ Sáu, 4/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 6/9/2010 20:47'(GMT+7)

Chúng tôi làm phim “Đài Tiếng nói Việt Nam - Xứng danh anh hùng”

 

Bộ phim tài liệu lịch sử “Đài Tiếng nói Việt Nam - Xứng danh anh hùng” của Hệ Phát thanh có hình (VOVTV) ra mắt nhân dịp Đài TNVN kỷ niệm lần thứ 64 ngày thành lập, gây bất ngờ và xúc động không chỉ cho quan khách mà ngay cả những đồng nghiệp nhà Đài.

Ý tưởng vụt lóe

Lúc đó vào khoảng tháng 6/2009, trước thông tin Đài TNVN sẽ vinh dự được đón nhận danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" vào đúng ngày kỷ niệm lần thứ 64 ngày thành lập Đài (7/9/1945 - 7/9/2009), Giám đốc VOVTV giao nhiệm vụ cho các phòng chuẩn bị một số chương trình về Đài TNVN. Đang băn khoăn không biết sẽ triển khai chương trình gì để nói về những thành tích vô cùng to lớn mà Đài TNVN đạt được trong 64 năm qua thì tình cờ nói chuyện với một cộng tác viên trẻ đang làm việc ở VOVTV. Hết sức ngạc nhiên khi bạn trẻ ấy hầu như không biết một chút ít thông tin nào về Đài TNVN cùng những trang vàng lịch sử của Đài. Thử làm vài test nho nhỏ với một số bạn trẻ khác đều nhận được những câu trả lời giống nhau: “Đài TNVN là đài quốc gia, hiện nay có 5 kênh phát thanh... là một cơ quan đa phương tiện… thông tin rất nhanh…”.

Đêm ấy về nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi về những câu trả lời của mấy đồng nghiệp trẻ. Không hiểu quá khứ rực rỡ của Đài thì làm sao họ có thể yêu Đài, có thể cống hiến hết mình vì làn sóng của Đài như những thế hệ trước từng cống hiến. Một ý nghĩ vụt lóe lên: Hay là làm một bộ phim tài liệu về lịch sử hình thành, phát triển của Đài TNVN.

Bộ phim sẽ khái quát lại những mốc son, những kỳ tích mà Đài TNVN đã đạt được, sẽ giúp khán giả và nhất là những cán bộ trẻ của Đài TNVN hiểu tường tận về chiều dày lịch sử của Đài. Đúng rồi, ý tưởng này vừa thiết thực lại vừa không trùng với ai, chắc chắn chưa có nơi nào làm một bộ phim dài về Đài TNVN. Sách truyền thống 45 năm, 50 năm, 60 năm đều có cả nhưng trong cuộc sống hiện đại gấp gáp ngày nay, đợi các bạn trẻ đọc hết những cuốn sử ký này chắc cũng khó. Nếu như có một bộ phim thì họ sẽ dễ tiếp cận hơn. Nghĩ thế, tự dưng thấy phấn chấn, tỉnh cả ngủ, vội bật đèn lấy cuốn “Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam” ra đọc. Càng đọc càng thấy nếu sau này những thế hệ trẻ của Đài không biết lịch sử Đài là điều không thể chấp nhận được.

Sáng sớm hôm sau bàn bạc với anh em trong phòng rồi đến gặp Lãnh đạo trình bày ý tưởng, Giám đốc Hệ nhất trí ngay. Nhưng anh cũng bảo: “Liệu mình có làm nổi không? (đến thời điểm đó, VOVTV cũng mới thành lập chưa đầy 1 năm). Chúng tôi quả quyết: Được anh ạ, ngày xưa khó thế mà các cụ còn làm được. Chẳng lẽ bây giờ mình bó tay”. Giám đốc gật đầu đánh rụp, được, vậy tiến hành luôn nhé.

Khó khăn khôn lường

Việc đầu tiên là phải đọc toàn bộ hệ thống tư liệu văn bản về Đài TNVN để chắt lọc ra những mốc son quan trọng nhất không thể bỏ qua, lựa chọn những nhân vật quan trọng để tiến hành phỏng vấn. Công việc cứ tưởng đơn giản nhưng hóa ra lại rất phức tạp. Viết về Đài TNVN có nhiều văn bản, nhiều hồi ký của các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Đài, các BTV, các PV tại nhiều thời điểm khác nhau, không phải văn bản nào cũng đưa ra những mốc thời gian chính xác. Nhóm làm phim phải vừa đọc, vừa đối chiếu đánh dấu lại những điểm trùng nhau giữa các văn bản, điểm nào không trùng nhau lại phải phân tích, lựa chọn xem ở thời điểm đó thì văn bản của tác giả nào có thể tin cậy nhất.

Khó khăn thứ hai là càng đọc càng thấy thành tích của Đài TNVN lớn  quá, biết lựa chọn cái nào, bỏ qua cái nào đây. Chúng tôi nói đùa, đọc lịch sử Đài như càng đi vào rừng rậm, chỉ thấy toàn cây với cây, hoa cả mắt không biết chọn cây nào. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi đọc văn bản, hồi ký của các thế hệ đi trước, chúng tôi đã rút ra được: Đó là sự ra đời và phát triển của Đài TNVN luôn gắn chặt với lịch sử của Đảng và của dân tộc, gắn chặt với những mốc son trong lịch sử giữ nước và xây dựng Tổ quốc.

Từ điều này và rút kinh nghiệm từ làm phim “Đường Trường Sơn - Những dấu chân huyền thoại”, cuối cùng đã tìm ra hướng đi cho kịch bản, ấy là bám vào một trục dọc những mốc lịch sử quan trọng của đất nước, qua đó sẽ giúp khán giả nhìn thấy rõ sự cống hiến của Đài TNVN đối với đất nước, đối với dân tộc. 

Kịch bản văn học đã hòm hòm, đến khi bắt tay vào khâu tìm tư liệu hình mấy chị em mới tá hỏa. Hầu như không tìm thấy phần hình ảnh tư liệu ghi lại lịch sử Đài, những bức ảnh kỷ niệm hầu như cũng còn rất ít ở phòng truyền thống, những hiện vật còn lại cũng rất sơ sài. Nhà 58 Quán sứ đã dỡ ra để xây mới mất rồi, phòng truyền thống chưa khánh thành, còn đang ngổn ngang, cán bộ cũ phần lớn đã nghỉ hưu, chuyển nơi ở, nhiều người không còn nữa mà làm phim tài liệu thì phần tư liệu vô cùng quan trọng. Cả nhóm chia nhau đi tìm, sử dụng tất cả những mối quan hệ có thể để “truy tìm kho tư liệu”.

Sau gần một tháng lùng sục, xin và mua, cuối cùng nhóm đã có được một số hình ảnh vô cùng quí giá như: Hình Đài phát sóng Mễ Trì bị bom tan hoang năm 1972; giữa mưa bom, 2 phát thanh viên của Đài vẫn bình tĩnh đọc bản tin, các KTV vẫn làm việc. Tiếng nói Việt Nam vẫn cất lên trang nghiêm xen giữa tiếng bom rơi, đạn nổ. Hình bà Nguyễn Thị Thu Nhạn - người nữ PTV nổi tiếng của Đài PT Vĩnh Linh - đọc bản tin trong hầm bên bờ sông Hiền Lương (Vĩnh Linh - Quảng Trị) những năm 70. Rồi những tư liệu về những lần Bác Hồ đến thăm và đọc thơ chúc Tết tại Đài TNVN. Một tư liệu rất quí khác là hình thính giả đứng trong mưa tầm tã nghe loa phóng thanh đọc bản tin của Đài TNVN thông báo bản tin đặc biệt về sức khỏe của Bác, những giọt nước mắt vô cùng thương tiếc vị Cha già dân tộc khi Người ra đi mãi mãi (năm 1969)… Những tư liệu đen trắng nhưng chứa đựng những thời khắc vô cùng quí giá của Đài TNVN.

Người đặt tên cho phim

Phim làm xong dài 100 phút, chia thành 3 tập tương ứng với ba giai đoạn lịch sử: Chống Pháp, Chống Mỹ và Đổi mới nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm được cái tên ưng ý. Giám đốc Trần Đăng Khoa mời Tổng Giám đốc lên duyệt phim. GS.TS Vũ Văn Hiền xem và nhận xét những chỗ cần thêm, bớt. Biết chúng tôi đang băn khoăn vì chưa tìm được tên phim, ông suy nghĩ một chút rồi bảo: “Mình thấy Đài TNVN hai lần được nhận danh hiệu Anh hùng là một vinh dự lớn và những thành tích của Đài chứng tỏ Đài rất xứng đáng. Quá khứ đã chói lọi rồi nhưng trong hiện tại và tương lai, chúng ta cũng phải liên tục phấn đấu để luôn xứng với cái danh hiệu đó. Ý nghĩa là như thế, theo mình nên đặt tên phim là: Đài TNVN - Xứng danh anh hùng”. Tất cả đều thấy tên phim rất hay, hoàn toàn phù hợp với nội dung của phim. Bộ phim sau khi chiếu đã nhận được rất nhiều phản hồi khen ngợi của khán giả. Tổng Giám đốc yêu cầu rút gọn lại thành một bản 35 phút để chiếu đúng vào hôm kỷ niệm lần thứ 64 ngày thành lập Đài.

Vĩ thanh

Ngày 7/9/2009, trong Lễ kỷ niệm, sau phần phát biểu của GS.TS Vũ Văn Hiền là chiếu phim “Đài TNVN - Xứng danh anh hùng”. Buổi lễ vinh dự được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới dự. Rất hồi hộp không biết phản ứng của chính những khán giả Đài như thế nào, chúng tôi đợi hội trường tắt đèn bắt đầu chiếu phim mới dám đi xuống, ngồi lẫn vào khán giả. Cả hội trường im phăng phắc dõi theo màn hình, những trường đoạn như Bác đến Đài TNVN đọc thơ chúc Tết, có câu Bác nói đùa: “Vỗ tay đi” - cả hội trường ồ lên cười thích thú và sau đó chợt lặng đi khi đến trường đoạn tang lễ Bác. Chưa hết phim, chúng tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng và chia sẻ. Đèn sáng, nhiều đồng nghiệp chạy ùa tới tay bắt mặt mừng.

Từ đó đến nay, VOVTV đã làm khá nhiều chương trình, trong đó có không ít những bộ phim truyền thống nhưng những ngày làm phim về Đài TNVN vẫn là những kỷ niệm không thể quên. Cảm giác hạnh phúc khi đồng nghiệp chia sẻ thành công đến tận bây giờ - khi viết lại những dòng chữ này - vẫn còn thấy bồi hồi xúc động./.

Vĩnh Quyên -VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất