Thứ Sáu, 4/10/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 5/9/2010 16:53'(GMT+7)

Kho ảnh vô giá về Việt Nam đầu thế kỷ 20 tại Pháp

Quang cảnh phố Hàng Chén tại Hà Nội vào năm 1915

Quang cảnh phố Hàng Chén tại Hà Nội vào năm 1915

Một một bộ sưu tập hiếm hoi ảnh màu về Việt Nam chụp ngay từ đầu thế kỷ 20, vào thời kỳ sơ khai của nghệ thuật ảnh màu. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, ông đã được biết đến bộ ảnh này của Albert Kahn, khoảng 50 - 60 tấm ảnh màu thời ngành nhiếp ảnh còn sơ khai, trong một cuốn sách. Đó là những tấm ảnh về đồng bằng Bắc bộ với những cảnh sắc, nếp sinh hoạt xưa mà qua đó có thể hình dung cuộc sống và bản sắc văn hóa của người Việt Nam đầu thế kỷ 20. Và đặc biệt, nơi đây cũng đang lưu giữ đoạn phim ngắn trắng đen quay Hội Gióng vào năm 1915.

Còn công chúng đã được biết đến sự tồn tại của các bức ảnh về Việt Nam trong bộ sưu tập của Viện Bảo tàng Albert Kahn vào năm 1986, khi Hội đồng tỉnh Hauts-de-Seine cho phát hành tập sách ảnh chuyên đề “Villages et villageois au Tonkin” (Làng và dân làng tại Bắc kỳ).

Có thể nói đây là lần đầu tiên mà cánh cửa kho báu của Viện Bảo tàng Albert Kahn đã hé mở, để cho công chúng rộng rãi có thể thưởng lãm khoảng 60 tấm ảnh về Việt Nam chụp trong những năm từ 1915 đến 1920. Qua năm 2008, vài chục tấm ảnh khác về Việt Nam tiếp tục được công bố trong công trình chung “Albert Kahn, le monde en couleurs” (Albert Kahn và thế giới có màu sắc) của nhà báo David Okuefuna, giới thiệu tổng thể kho tư liệu hình ảnh về thế giới đầu thế kỷ 20 đang được Bảo tàng Albert Kahn lưu trữ.

Tại bảo tàng này có trên 72.000 tấm hình được chụp nhiều nơi trên thế giới, trong đó có 1.382 tấm ảnh về Việt Nam, cùng với một số đoạn phim. Giá trị của bộ sưu tập này rất lớn vì nó giúp cho các thế hệ hiện nay thấy rõ được bằng hình ảnh, với màu sắc rõ ràng, một phần diện mạo của Việt Nam cách nay một thế kỷ.

Thực tế, chúng ta có một khối lượng ảnh về xã hội, đất nước, con người, văn hóa… vào đầu thế kỷ 20 khá phong phú, nhưng chủ yếu là ảnh đen trắng và các tấm bưu ảnh. Còn ảnh của Bảo tàng Albert Kahn là những tấm ảnh màu, chất lượng rất thật, gây cảm xúc đối với người xem vì trong mỗi tấm ảnh thể hiện chiều sâu văn hóa và tình cảm của người chụp.

Toàn bộ ảnh về Việt Nam có 1.382 tấm ảnh màu autochromes hầu như đều do nhà nhiếp ảnh Léon Busy chụp, với cái nhìn của một nhà nghiên cứu xã hội. Léon Busy nguyên là quân nhân trong quân đội viễn chinh Pháp, đồng thời là một nhà quay phim tài tình và một người thành thạo kỹ thuật ảnh màu autochrome. Ông đã ghi lại được những bức ảnh rất đẹp và đã đề nghị làm việc cho Albert Kahn, một doanh nhân tài chính - ngân hàng giàu có, lúc đó đang tập hợp tài liệu cho “Thư khố hành tinh”.

Albert Kahn khát khao được đi khắp nơi, nhận thấy phát minh ra công nghệ chụp ảnh màu có thể giúp cho nhiều người chiêm ngưỡng cảnh vật với màu sắc quyến rũ như thật, ông đã bỏ tiền mua thiết bị và thuê nhiều nhà nhiếp ảnh đi tới mọi quốc gia để chụp những tấm ảnh màu mang về Paris cho ông. Ông đã xây dựng một bộ sưu tập khổng lồ như vậy và đặt tên là “Thư khố hành tinh” (Archives de la Planète). Năm 1929 khủng hoảng kinh tế bùng nổ khiến Albert Kahn đổ vỡ trong kinh doanh và phá sản vào năm 1932, “Thư khố hành tinh” bị sung công quỹ và ông mất năm 1940 trong cảnh độc thân, không người kế thừa.

Hiện nay, những tấm ảnh được in lại trên giấy chỉ là một phần rất nhỏ trong kho hình ảnh của Viện Bảo tàng Albert Kahn. Các hình ảnh này lại nằm trên những tấm kính, do đó không thể mang ra triển lãm được.

Trong tình hình đó, từ năm 2006 đến nay, Hội đồng tỉnh Hauts-de-Seine và Viện Bảo tàng Albert Kahn đã thực hiện chương trình “số hóa” kho phim ảnh lưu trữ của mình, tạo thuận lợi cho công chúng được tiếp cận với toàn bộ kho tư liệu. Đây là một chương trình mang tên FAKIR (Fonds Albert Kahn Informatisé pour la Recherche - Kho lưu trữ Albert Kahn được tin học hóa để phục vụ nghiên cứu), thực chất là một cơ sở dữ liệu tin học.

FAKIR cho phép khách tham quan tiếp cận với hình ảnh nằm trong kho lưu trữ từ những máy vi tính và màn hình đặt ngay trong không gian triển lãm của viện bảo tàng. Đồng thời, giới nghiên cứu và những ai quan tâm có thể tham khảo toàn bộ phim ảnh trong kho lưu trữ, cùng với những phần chú thích do các nhân viên chuyên trách tư liệu thực hiện.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, bộ ảnh thật tuyệt vời và có giá trị di sản ký ức cực kỳ về Hà Nội, về Việt Nam, nhờ kỹ thuật và chất lượng ảnh. Qua bộ ảnh, chúng ta biết quá khứ của Việt Nam như thế nào, ông bà ta sinh sống, ăn mặc ra sao. Qua đó chúng ta thấy có những cái nay đã mất đi, có thể là hủ tục nhưng cũng có những cái rất đáng tiếc, và cũng có những cái vẫn còn và phát triển. Như vậy, người đời sau có thể thấy rõ sự phát triển của đất nước khi so sánh với hình ảnh lưu giữ trong quá khứ. Chúng ta cần có những hình thức khai thác những hình ảnh này và cả những nguồn ảnh khác về Việt Nam có trên thế giới. Qua đó, chúng ta cũng ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ gìn giữ các di sản, không chỉ nói suông mà còn phải thể hiện bằng hành động cụ thể, nếu không nhiều thứ sẽ mai một, chúng ta sẽ trở thành một đất nước mất “trí nhớ”./.

SGGP online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất