Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 5/12/2010 19:17'(GMT+7)

Chương trình bình ổn giá tại TP Hồ Chí Minh với vai trò dẫn dắt giá cả thị trường

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Chương trình bình ổn giá cả thị trường được thành phố xác định tập trung vào 8 nhóm mặt hàng thiết yếu, gắn liền với bữa ăn hàng ngày của người dân: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả. Vào mùa khai giảng năm học mới, thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện bình ổn giá đối với mặt hàng quần áo và học cụ phục vụ cho mùa tựu trường 2010-2011; mới đây, thành phố cũng đã đưa thêm mặt hàng thủy hải sản tham gia chương trình.

Theo chương trình, thành phố đã ứng trước 380,6 tỷ đồng vốn với lãi suất bằng 0%, cho các doanh nghiệp (DN) chuyên ngành hàng có uy tín, có năng lực, có lượng hàng kinh doanh chi phối thị trường để các DN đầu tư sản xuất tạo nguồn hàng. Các DN trong diện này có trách nhiệm đảm bảo cung ứng hàng hoá với giá được đăng ký ổn định, nếu thị trường tăng giá thì không được tăng giá theo, còn nếu thị trường giảm hơn 5% giá thì phải điều chỉnh giảm theo.

Trên cơ sở được hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi trong thời gian dài, các DN đã tập trung chuẩn bị nguồn hàng, đầu tư chiều sâu, chủ động cung ứng hàng hoá đảm bảo cân đối cung cầu không để thiếu hàng hoá cục bộ, dẫn đến giá cả tăng. Nhiều DN đã chú trọng phát triển mạng lưới phân phối, phủ rộng, sâu vào các khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, các Khu công nghiệp, Khu chế xuất (KCN-KCX); tăng suất phục vụ ở những nơi mạng lưới phân phối chưa đáp ứng bằng phương tiện bán hàng lưu động. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) – đơn vị được thành phố hỗ trợ nguồn vốn lên tới gần 100 tỷ đồng, cho biết: với nguồn vốn hỗ trợ cộng với 200 tỷ đồng vốn sẵn có của Công ty, Vissan đã và đang chuẩn bị một lượng hàng hóa lớn gồm 3.500 tấn thịt lợn, 2.500 thịt chế biến các loại (lạp xưởng, giò chả, xúc xích...), sẵn sàng cho thị trường trước Tết, trong Tết và tới tận 31/3/2011. Hàng của Vissan được bày bán tại hơn 100 cửa hàng và gần 1000 đại lý của Vissan trên cả nước, với giá rẻ hơn giá thị trường từ 5% đến 10%...

Mặt khác, thành phố cũng thường xuyên giám sát tình hình thị trường tại các chợ, siêu thị; tích cực đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi đầu cơ, găm hàng, kích giá, tung tin đồn, gian lận thương mại. Từ đầu năm đến nay, các đội kiểm tra đã xử lý thu phạt hành chính 70,1 tỷ đồng. Tính riêng kiểm tra vi phạm các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, thành phố đã lập biên bản 1.837 vụ, ra quyết định xử phạt 1.132 vụ với số tiền nộp phạt là 2,4 tỷ đồng.

14 DN tham gia chương trình đã đưa ra thị trường một lượng hàng hoá dồi dào, phong phú, giá cả hợp lý, chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhờ vậy, thành phố đã từng bước hạn chế, kiểm soát được hiện tượng đầu cơ tăng giá đột biến, không phát sinh các điểm nóng, góp phần bỉnh ổn thị trường. Bên cạnh đó, tác động của chương trình không chỉ dừng lại ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm mà còn lan toả đến nhiều nhóm hàng hoá khác trên địa bàn thành phố và các địa phương khác trong cả nước. Theo đánh giá của UBND TP, 10 tháng đầu năm 2010 mặt bằng giá cả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn luôn ổn định. Tuy nhiên, với áp lực tăng giá vào 2 tháng cuối năm 2010, bao gồm nguồn hàng cung cấp nông sản thực phẩm bị ảnh hưởng do dịch bệnh gia súc, lũ lụt kéo dài tại miền Trung, cùng với giá gạo xuất khẩu tăng, đã làm cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tiêu thụ trong nước tăng theo. Do vậy, chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng qua tại thành phố đã tăng 7,84% (cả nước tăng 9,58%), ước cả năm 2010 CPI tại thành phố tăng khoảng 9%.

Trong tháng cuối năm 2010 và chuẩn bị cho Tết Tân Mão 2011, ngoài việc tiếp tục triển khai chương trình bình ổn 9 mặt hàng thiết yếu, các DN đang củng cố lại 1980 điểm bán “hàng bình ổn”; mở thêm 100 điểm bán mới trong tháng 1/2011, trong đó mở thêm nhiều điểm bán trong khu vực chợ truyền thống và các cửa hàng hợp tác xã. Thành phố đã tích cực hỗ trợ giới thiệu mặt bằng để các DN mở thêm điểm bán mới. Tùy theo năng lực, nhu cầu, khuyến khích DN thực hiện đầu tư hoặc liên kết, hợp tác, hoặc hợp tác khai thác các mặt bằng sẵn có của các DN tham gia bình ổn nhằm đa dạng hàng hóa…

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã yêu cầu lãnh đạo các sở-ban-ngành, quận-huyện thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường; rà soát, đánh giá tình hình cung-cầu các mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày và sản xuất- kinh doanh; nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nhằm khuyến khích các hoạt động sản xuất, thương mại, bảo đảm hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, việc tuân thủ các quy định về giá; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối, mở rộng các điểm bán hàng bình ổn giá, đưa hàng hoá đến người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Kiên quyết xử lý các đối tượng đầu cơ, buôn lậu, nâng, ép giá... gây tâm lý bất ổn trong xã hội.../.

(Theo: TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất