Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 27/10/2010 21:16'(GMT+7)

Tiêu thụ nông sản: Cần thì không có, có lại chẳng màng?

Cây mía là một trong những nông sản chịu cảnh "khi cần thì không có, khi có thì không màng".

Cây mía là một trong những nông sản chịu cảnh "khi cần thì không có, khi có thì không màng".

Và trong cuộc chiến mía này, doanh nghiệp giành giật được nguyên liệu thì cũng với giá rất cao, doanh nghiệp nào không mạnh tay giành giật được thì về đóng dây chuyền hoặc chạy cầm chừng. Những tưởng với tình trạng này, người nông dân trồng mía đươc hưởng lợi, song thực tế lại không đơn giản như vậy.

Cách đây cũng chưa lâu, hàng loạt hộ dân trồng mía ở chính những nơi này đã phải chặt bỏ hoặc đốt đi ruộng mía của mình vì giá bán mía quá thấp - thấp đến mức không đủ để thuê nhân công thu hoạch. Thậm chí thu hoạch rồi cũng không bán được vì các nhà máy đường đã quá tải nên không mua.

Tình trạng lúc thừa lúc thiếu theo kiểu quay vòng, lặp lại như thế diễn ra khá phổ biến đối với nhiều loại nông sản của nước ta. Cũng cách đây chưa lâu, các thương lái thật khó khăn khi đi mua thóc trong dân để kịp cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu giao hàng đúng hợp đồng. Nhưng rồi cũng chỉ sau đó ít lâu, thóc lại thừa mứa, tồn đọng ăm ắp trong mỗi nhà không thể bán được.

Rồi cùng đó là cá tra cũng ở vùng ĐBSCL. Có thời điểm, người nuôi cá thấy việc làm ăn thật huy hoàng khi các doanh nghiệp tranh nhau nâng giá để mua được cá cung ứng cho nhà máy chế biến. Thế nhưng cũng chỉ ngay sau vụ đó, con cá nổi tiếng này lại rơi vào số phận hẩm hiu chen chúc đầy ao không biết bơi đi đâu vì chả có doanh nghiệp nào đoái hoài đến. Người nông dân nếu có lo xuôi lo ngược để bán được chút ít thì cũng là với giá rẻ mạt, thậm chí dưới cả giá thành nuôi cá...

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng “cần thì không có, mà khi có thì lại chẳng ai màng” này - nếu để ý thì ai cũng thấy rõ. Đó là sự thiếu thống nhất trong quy hoạch sản xuất. Gạo được chế biến từ giống lúa IR 50404 cả một thời gian dài ế sưng không xuất khẩu được vì không đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới đến mức nhà nước phải bỏ vốn thu mua giúp nông dân hàng triệu tấn.

Thế mà chỉ ngay vụ sản xuất sau đó, người dân lại tiếp tục đầu tư để gieo trồng chỉ vì ngoài loại đó ra thì khó biết thậm chí có biết cũng không dễ mua được được giống lúa khác tốt hơn. Về phía nông dân, chính nông dân cũng không đồng thuận gieo trồng chủng loại giống lúa nên cũng khó tạo ra những vùng lúa nguyên liệu thuần nhất để có thể làm ăn lớn theo quy hoạch, lại tiện cho thu hoạch.

Mía thì khi vụ này ế thừa, lập tức hàng loạt người trồng mía đốn bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác có vẻ như đang được giá, để rồi ngay vụ mía sau diện tích và  sản lượng mía giảm mạnh kéo ngay theo hậu quả tranh mua tranh bán um sùm, nâng giá thu mua mía rồi sau đó là giá đường không ngừng tăng trên thị trường, làm mất ổn định thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng. Tiếp theo nữa là kéo theo tình trạng nhập lậu đường vào trong nước và nhiều hệ quả khác. Và rồi khi thiếu mía, giá tăng, lại ồ ạt trở về trồng lại mía.

Một nguyên nhân quan trọng khác của tình trạng cần hàng thì không có, có hàng lại không cần ấy là sự phân chia lợi ích của các bên trong dây chuyền sản xuất nông sản lâu nay quá bất hợp lý. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL của Trường Đại học Cần Thơ về chuỗi giá trị cá tra ở vùng này, trong tổng lợi nhuận thu được từ con cá nổi tiếng này, người nuôi cá thu được 19,4%, thương lái thu được 2,1%, và 78,5% còn lại hoàn toàn thuộc về công ty chế biến và kinh doanh xuất khẩu.

Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải tính toán hợp lý để cân đối, hài hòa lợi ích của các bên liên quan trong chuỗi sản xuất kinh doanh. Thực tế lâu nay mối quan hệ này ít xử lý để đạt được mục tiêu. Người nông dân thường thiếu chủ động và luôn phải nhận về phần thiệt thòi hơn. Họ sản xuất rồi bán nông sản cho thương lái hay doanh nghiệp với giá cả và tiến độ phụ thuộc vào người mua.

Ngược lại trong nhiều trường hợp khi giá tăng, hàng hiếm thì chính người nông dân lại găm hàng, lên giá, làm khó khiến doanh nghiệp lao đao vì thiếu nguyên liệu cho chế biến, bị bạn hàng phạt vì giao hàng không đúng tiến độ và còn lỡ mất các hợp đồng xuất khẩu mới. Cách ứng xử như vậy lâu nay thường xảy ra với lúa, cá, tôm, mía, cà phê và nhiều loại hàng hóa khác.

Chính phủ đã ban hành chính sách khuyên khích doanh nghiệp tiêu thụ nông sản của nông dân thông qua ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 4 nhà (nhà nông –sản xuất, nhà doanh nghiệp - tiêu thụ, nhà khoa học - giải pháp giống và công nghệ, nhà nước - quản lý) được nhắc đến nhiều chứ ít được áp dụng đầy đủ vào thực tế.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực các tỉnh phía Nam có 15 nhà máy đường, nhưng chỉ có 5 nhà máy có hợp đồng bao tiêu mía dài hạn với nông dân. Các nhà máy còn lại thì ban đầu thực hiện bao tiêu khoảng 75% sản lượng mía nay chỉ còn khoảng 20%, nên giờ đây dẫn đến tình trạng mua tranh nguyên liệu.

Thực tế, Chính phủ có rất nhiều chính sách và giải pháp để hỗ trợ nông dân, nhưng nhiều lúc, nhiều nơi các giải pháp này lại không được thực hiện một cách nghiêm túc. Báo cáo của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011, có đoạn nêu rõ : “Chủ trương mua tạm trữ trong thời gian qua chỉ mang tính chất tình thế, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm những khi thị trường bế tắc, chứ họ không thu được lợi nhuận cao khi bán lúa trong những thời điểm có chủ trương tạm trữ. Doanh nghiệp thu mua tạm trữ phải thu mua theo giá thị trường, có khi giá ở mức thấp nên khó giúp nông dân có lãi 30% trở lên như chỉ đạo của Chính phủ.”

Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích: “Sự hỗ trợ của Chính phủ mà cụ thể là các gói hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm bớt rủi ro trong đầu tư nông nghiệp. Đó là tạo thuận lợi cho tích tụ đất đai, đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng như chế biến sau thu hoạch... Từ đó doanh nghiệp có thể đẩy mạnh đầu tư cho nông dân sản xuất những mặt hàng nông sản có chất lượng tốt, khối lượng lớn để cung cấp cho doanh nghiệp.

Từ nguồn nguyên liệu này, doanh nghiệp có thể cung cấp những sản phẩm chất lượng cao ra thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Làm được điều này, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân mới thực sự bền vững, và doanh nghiệp mới là chỗ dựa cho nông nghiệp, nông thôn”.

Và đương nhiên, khi đó sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp cần mua nông sản thì nông dân không có hoặc không bán, còn khi nông dân muốn bán thì doanh nghiệp lại chẳng màng./.

(Theo: Lý Thái Phương/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất